Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) không chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ấn tượng mà còn từng bước kiện toàn và vực dậy Ngân hàng MBV (trước đây là OceanBank).
MB có kế hoạch "vực dậy" Ngân hàng OceanBank (nay là Ngân hàng MBV). Ảnh: MBBank.
Trong năm 2025, Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP 8 - 10%, điều này sẽ giúp ngành ngân hàng dễ thở hơn khi có nhiều dư địa hơn. Theo đại diện MB, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này có thể sẽ dao động quanh ngưỡng 25 - 26%.
Cập nhật về tình hình Ngân hàng MBV sau khi chuyển giao bắt buộc, đại diện MB cho biết: "Kể từ thời điểm nhận chuyển giao đến nay, MB đã cử đội ngũ nhân sự nhiều kinh nghiệm cũng như triển khai nhiều công nghệ để nhanh chóng kiện toàn bộ máy của MBV. Với những thay đổi này cùng với sự tích cực của thị trường, MBV được kỳ vọng sẽ sớm phục hồi, quay trở lại thành một ngân hàng kinh doanh lành mạnh”.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Phạm Như Ánh - Tổng Giám đốc MB - nhận định: “Để giúp vực dậy MBV, MB đã đưa lực lượng tương đối tinh nhuệ sang MBV. Đồng thời, MB cũng đã bán dư nợ sinh lời qua cho MBV và MBV được dùng dư nợ đó để vay Chính phủ và NHNN khoản tiền tương đối lớn với lãi suất bằng 0, từ đó tạo ra cơ chế sinh lời cho MBV”.
Việc bán dư nợ cho MBV không làm ảnh hưởng đến tài sản sinh lời của MB cũng là điều Tổng Giám đốc MB tự tin khẳng định.
Trong năm 2024, nhờ nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng OceanBank (nay là MBV), MB đã được nới room tín dụng (giới hạn cho vay của một ngân hàng) lên mức cao nhất toàn ngành. Ngoài ra, theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2024, các ngân hàng tham gia nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém sẽ được nới room ngoại.
Tuy nhiên, với OceanBank (nay là MBV), MB không có kế hoạch nới room ngoại và hiện ngân hàng vẫn chưa dùng hết room ngoại được giao.