Hãy là người đầu tiên thích bài này
HNM: Tiền tăng gấp đôi vẫn không đạt nổi 10 tỷ đồng

Quý I/2024, Hanoimilk báo lãi giảm 41% xuống 6 tỷ đồng, song tiền và các khoản tương đương tiền của công ty lại tăng gấp hơn 2 lần nhưng vẫn chỉ ở mức 7,8 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk; UPCoM: HNM) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024. Theo đó, doanh thu thuần của công ty trong quý đạt 131 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ. Dù tiết giảm giá vốn hàng bán nhưng lợi nhuận gộp trong kỳ vẫn thấp hơn 14% cùng kỳ, giảm xuống còn 22,5 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính của Hanoimilk đạt 1,6 tỷ đồng, giảm nhẹ so với quý trước, trong đó tất cả đều là chi phí lãi vay. Ngoài ra, chi phí bán hàng đạt 14,2 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 2,9 tỷ đồng; tăng lần lượt 14% và 31% so với quý I/2023.

Sau khi trừ các chi phí, Hanoimilk báo lãi 6 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ năm trước. Song khoản lãi trên đã giúp công ty giảm lỗ lũy kế xuống còn 1,1 tỷ đồng tại ngày 31/3/2024.

Giải trình chênh lệch lợi nhuận, đại diện Hanoimilk cho biết, doanh thu bán hàng trong quý sụt giảm là do mức tiêu thụ chung của ngành giảm. Đồng thời, các chi phí tăng, phát sinh thuế TNDN phải nộp dẫn đến lợi nhuận sau thuế của công ty suy giảm.

Về tình hình tài chính của công ty, tại ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Hanoimilk ở mức 683 tỷ đồng, đi ngang so với số đầu năm.

Đáng chú ý, tiền và các khoản tương đương tiền của công ty trong kỳ tăng gấp 2,3 lần nhưng vẫn chỉ dừng lại ở mức 7,87 tỷ đồng. Dư nợ của Hanoimilk tính đến cuối tháng 3/2024 đạt 231 tỷ đồng, giảm nhẹ so với số đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính đạt 74 tỷ đồng. Công ty không ghi nhận nợ dài hạn.

Trên thị trường, cổ phiếu HNM có giá chốt phiên ngày 25/4/2024 là 8.800 đồng/cổ phiếu.

Tại một diễn biến khác, theo thông tin từ BHXH Thành phố Hà Nội, tính đến cuối tháng 2/2024, tổng nợ bảo hiểm xã hội của Hà Nội Milk là 18 tỷ đồng với 26 tháng đóng chậm, tương đương với 2 năm 2 tháng.

Mới đây, Bộ Công Thương đã đăng tải toàn văn Dự thảo Đề cương chiến lược phát triển ngành sữa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó đánh giá, sự phụ thuộc nhiều vào thị trường nước ngoài đối với nguyên liệu đầu vào tạo ra nguy cơ chèn ép lợi nhuận do biến động giá của các sản phẩm sữa nhập khẩu. Nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu cũng gia tăng nguy cơ gây thiệt hại cho doanh nghiệp chế biến.


Từ đó, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đề xuất, thời gian tới cần tiếp tục mở rộng, đầu tư xây mới trang trại và quy mô đàn bò sữa theo hướng hiện đại, khép kín để nâng cao tỉ lệ nguyên liệu trong nước, từng bước chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, giảm dần tỉ lệ nguyên liệu nhập khẩu. 

Một mặt sẽ tạo nên sức cạnh tranh đối với các doanh nghiệp sữa trong nước, mặt khác lại tạo động lực để các doanh nghiệp nội địa cải tiến công nghệ và quy trình sản xuất nhằm sản xuất những sản phẩm có chất lượng cao hơn và giá cả hợp lý để đủ sức cạnh tranh. Ngoài ra, tăng cường tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu đặc biệt là sang Trung Quốc, Trung Đông và các nước ASEAN, châu Âu.

Nguyễn Phương Anh

Link gốc

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long