Hãy là người đầu tiên thích bài này
Hiệu suất các quỹ đầu tư quý I/2025: Áp lực rút ròng vốn gia tăng ở nhóm quỹ Cổ phiếu

Dòng vốn vào TTCK Việt Nam qua các quỹ quay trở lại trạng thái rút ròng trong quý 1/2025. Nhóm quỹ Cổ phiếu gặp áp lực lớn trong khi nhóm quỹ Trái phiếu lần đầu bị rút ròng nhẹ...

Dữ liệu của FiinGroup ghi nhận trong tháng 3/2025, hiệu suất của nhóm quỹ Trái phiếu tiếp tục ổn định ở mức +0,5%, ngược lại, nhóm quỹ Cổ phiếu và Cân bằng kém tích cực với hiệu suất trung bình lần lượt là -2,7% và -1,5%.

Trong tháng 3 và cả quý 1/2025, nhóm quỹ Trái phiếu tiếp tục ghi nhận hiệu suất ổn định, nhưng giảm ở nhóm quỹ Cổ phiếu và Cân bằng. (Ảnh minh họa)

Trong tháng 3/2025, hiệu suất các quỹ cổ phiếu kém tích cực khi chỉ có 17/69 quỹ ghi nhận tăng trưởng dương. Hiệu suất trung bình của các quỹ cổ phiếu (bao gồm quỹ mở, ETF, quỹ đóng) ở mức -2,3% trong tháng 3, đảo chiều từ mức tăng +1,3% trong tháng 2. Dẫn đầu nhóm có hiệu suất dương là các quỹ ETF ngoại với quy mô tài sản ròng lớn hơn 6 nghìn tỷ đồng, bao gồm quỹ Fubon FTSE Vietnam, VanEck Vietnam ETF, Xtrackers FTSE Vietnam. Mức tăng trưởng tích cực nhờ nắm giữ tỷ trọng lớn các cổ phiếu VIC, VHM – hai mã đóng vai trò dẫn dắt thị trường trong tháng 3. Ngược lại, hiệu suất nhóm quỹ mở tương đối kém khi đa số các quỹ đều ở trạng thái âm (với mức trung bình là -2,7%).

Trong quý 1/2025, 12/69 quỹ cổ phiếu ghi nhận hiệu suất vượt trội so với VNINDEX (+3,2%), đáng chú ý là nhóm quỹ mở có quy mô tài sản ròng nhỏ hơn 400 tỷ và nhóm quỹ ETF nước ngoài.

Lũy kế quý 1/2025, sự phân hóa về hiệu suất giữa các quỹ Trái phiếu và nhóm còn lại tiếp tục được ghi nhận. Cụ thể, nhóm quỹ Trái phiếu đạt mức tăng trưởng ổn định +1,4%, trong khi hiệu suất nhóm quỹ Cổ phiếu là -1,8% và nhóm quỹ Cân bằng (-0,3%).

Đối với nhóm quỹ cổ phiếu: Tính từ đầu năm đến nay, hầu hết các quỹ cổ phiếu có hiệu suất âm do đợt điều chỉnh sâu trong hai tuần đầu tháng 4 (VN-Index giảm -16,9% từ ngày 3/4 đến 9/4), sau khi Mỹ công bố kế hoạch áp thuế quan đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mức hiệu suất âm này mang tính thời điểm bởi VN-Index ghi nhận hồi phục với mức tăng +12,2% từ 10-15/4.

Chuyên gia của FiinGroup cũng cho biết chỉ có 12/69 quỹ cổ phiếu ghi nhận hiệu suất vượt trội so với VN-Index (+3,2%), đáng chú ý là nhóm quỹ mở có quy mô tài sản ròng nhỏ hơn 400 tỷ và nhóm quỹ ETF nước ngoài.

Đối với nhóm quỹ trái phiếu: Trong tháng 3/2025, nhóm quỹ trái phiếu tiếp tục ghi nhận hiệu suất ổn định, tăng trưởng bình quân +0,5% và gần như không đổi so với tháng 2/2025 (+0,45%) Đứng đầu là quỹ TP Linh hoạt Mirea Asset VN (MAFF) với hiệu suất +0,8% trong tháng 3/2025 và lũy kế quý 1/2025 đạt +1,6%. Quỹ MAFF đã giảm mạnh tỷ trọng nắm giữ trái phiếu từ 78,3% trong tháng 2 xuống 71,9% trong tháng 3 và tăng tỷ trọng tiền mặt. Top nắm giữ là TPDN của Vinhomes (VHM), Masan (MSN), Vingroup (VIC).

Ở chiều ngược lại, 2 quỹ trái phiếu duy nhất ghi nhận hiệu suất âm là quỹ Đầu tư TP lợi tức cao HD (HDBOND) và quỹ Trái phiếu Lighthouse (LHBF) do giá trị thị trường của một số TPDN trong danh mục nắm giữ giảm.

Trong quý 1/2025, nhóm quỹ trái phiếu đạt mức tăng trưởng trung bình +1,3%, cao hơn lãi suất tiết kiệm bình quân cho 3 tháng (1,1%). Dẫn đầu là Quỹ Trái phiếu Lighthouse (LHBF) với hiệu suất +2,3% trong quý 1 nhờ mức tăng trưởng tốt 2 tháng đầu năm. Tuy nhiên, hiệu suất trong tháng 3 của quỹ chuyển sang -0,4%. Danh mục đầu tư của quỹ phần lớn là Trái phiếu của Argibank, BAF Việt Nam, và HDBank.

Trong khi đó, quỹ Trái phiếu Techcom tiếp tục tăng năm giữ trái phiếu trong tháng 3, với tỷ trọng TPDN trong danh mục đạt 56,7%, từ mức 53,8% trong tháng 2. Top nắm giữ là các TPDN thuộc nhóm Vingroup (VIC, VHM) và Masan MEATLife (MML). Quỹ TCBF – dẫn đầu về quy mô tài sản ròng (14,4 nghìn tỷ đồng) ghi nhận hiệu suất khá khiêm tốn (+0,4%) trong tháng 3/2025, nhưng lũy kế quý 1 đạt +1,7%, cao hơn lãi suất tiết kiệm.

Về diễn biến dòng tiền vào TTCK thông qua các quỹ: Dòng vốn vào TTCK Việt Nam thông qua các quỹ quay trở lại trạng thái âm với giá trị rút ròng gần 4,7 nghìn tỷ đồng sau khi vào ròng nhẹ gần 200 tỷ đồng trong quý 4/2024. Xét theo tháng, tháng 3 đánh dấu tháng rút ròng thứ 5 liên tiếp và là tháng có giá trị rút vốn mạnh nhất.

Áp lực rút ròng gia tăng ở nhóm quỹ Cổ phiếu trong khi dòng vốn vào ròng ở nhóm quỹ trái phiếu yếu đi. Cần lưu ý rằng nhóm quỹ Trái phiếu ghi nhận rút ròng nhẹ (96 tỷ đồng) trong tháng 3 và đây tháng rút ròng đầu tiên sau 12 tháng vào ròng liên tục trước đó.

Các cổ phiếu được nhóm quỹ mua - bán ròng đều tập trung quanh ngân hàng, bất động sản và 1 số mã ngành top đầu dịch vụ, tiêu dùng, hàng không, chứng khoán

Trong tháng 3/2025, có 19/31 quỹ mở cổ phiếu tăng tỷ trọng tiền mặt (so với 18/30 quỹ của tháng 2). Các quỹ có quy mô NAV lớn tăng nắm giữ tiền mặt. Ngược lại, nhóm quy mô nhỏ tăng giải ngân và giảm nắm giữ tiền mặt.

Biến động danh mục quỹ: VIB là cổ phiếu có khối lượng mua ròng lớn nhất trong tháng 3/2025, phần lớn đến từ việc quỹ PYN Elite mua 54 triệu cổ phiếu (tương đương 1,8% vốn điều lệ của VIB).

VCB đứng thứ 2 top mua ròng (tính theo khối lượng) đồng thời là cổ phiếu có số lượng quỹ mua vào nhiều nhất. Trong đó, lực mua chủ yếu đến từ quỹ VEIL – quỹ có quy mô NAV lớn nhất thị trường (hơn 45 nghìn tỷ đồng). Ngoài ra, một số quỹ ETF như Fubon FTSE Vietnam, VanEck Vietnam ETF, ETF DCVFMVN30 cũng tham gia mua vào VCB.

Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu VPB, ACB, VHM, VIC tiếp tục bị các quỹ bán ra tháng thứ 3 liên tiếp. Trong đó, VPB là cổ phiếu bị bán mạnh nhất, chủ yếu do quỹ PYN Elite. Bên cạnh đó, các quỹ thuộc Dragon Capital như VFMVSF, DCDS, ETF DCVFMVN30, ETF DCVFMVN DIAMOND cũng đồng loạt hạ tỷ trọng nắm giữ.

Các cổ phiếu họ Vingroup (VHM, VIC) cũng bị bán ròng mạnh trong tháng 3, ghi nhận ở nhóm quỹ ETF (Fubon FTSE VN, VNM ETF, E1VFVN30…). Trong khi đó, cả VIC và VHM được khối ngoại mua ròng mạnh trong tháng 3. Điều này cho thấy lực mua ròng ở hai cổ phiếu này đến từ nhóm quỹ chủ động.

FPT tiếp tục là cổ phiếu có số lượng quỹ tham gia bán nhiều nhất trong tháng 3 (25 quỹ). Tuy nhiên, khối lượng bán ròng đã giảm so với tháng 2, cho thấy lực bán có phần hạ nhiệt. VEIL vẫn là quỹ bán ròng mạnh nhất FPT trong tháng 3.

An Định-Link gốc

Bình luận (1)

3 tháng qua là khá căng não.
16:11
 1

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long