Hãy là người đầu tiên thích bài này
Hé mở về Âu Lạc, doanh nghiệp đứng sau các pháp nhân nắm gần 4% vốn ACB

CTCP Âu Lạc do bà Ngô Thu Thuý làm Chủ tịch HĐQT. Trước ACB, doanh nghiệp này còn từng hiện diện tại Eximbank.

Cổ đông "lạ mà quen"

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố thông tin cổ đông sở hữu 1% vốn điều lệ trở lên của ngân hàng.

Đáng chú ý, trong danh sách này xuất hiện những pháp nhân liên quan đến CTCP Âu Lạc do bà Ngô Thu Thuý làm Chủ tịch HĐQT. Cụ thể, bà Nguyễn Thiên Hương Jenny - con gái bà Thuý đang có hơn 60 triệu cổ phiếu ACB, tương đương 1,34% vốn. Bà Thiên Hương Jenny hiện cũng đang là cổ đông lớn tại Âu Lạc với hơn 7,2 triệu cổ phiếu, sở hữu 12,81% vốn tại công ty.

Ông Nguyễn Đức Hiếu Johnny - con trai bà Thuý nắm giữ hơn 47,7 triệu cổ phiếu, tỉ lệ sở hữu 1,07% vốn tại ACB. Ông Hiếu Johnny cũng là cổ đông lớn của Âu Lạc khi sở hữu 9,82% vốn.

Các cổ đông sở hữu trên 1% vốn tại ACB.

Ngoài ra, CTCP Làng giáo dục quốc tế Thiên Hương mà bà Thuý là nhân sự chủ chốt cũng nắm hơn 58,5 triệu cổ phiếu, tương đương 1,31% vốn ngân hàng. Như vậy, tổng cộng nhóm cổ đông trên đang sở hữu khoảng 166,3 triệu cổ phiếu ACB, tương đương 3,7% vốn ACB.

Đây không phải lần đầu nhóm cổ đông này công bố sự hiện diện tại ACB. Trước đó, doanh nghiệp này cũng đã từng sở hữu cổ phần tại ngân hàng này. Cụ thể, theo báo cáo tài chính, từ quý I/2022, doanh nghiệp này đã chi khoảng 316,3 tỷ đồng mua cổ phiếu ACB. Đến hết quý II/2022, công ty đã nắm giữ hơn 14 triệu cổ phiếu ACB với giá gốc gần 365,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên sau đó, doanh nghiệp này thoái dần vốn tại ACB. Tại thời điểm cuối năm 2023, Âu Lạc chỉ còn nắm giữ hơn 3,5 triệu cổ phiếu và cho đến quý I/2024 thì thoái hết toàn bộ số vốn còn lại.

Ngoài ACB, báo cáo tài chính cũng cho thấy Âu Lạc còn đầu tư mua cổ phiếu một ngân hàng khác là Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Eximbank (HoSE: EIB).

Âu Lạc từng nắm giữ cổ phiếu của cả ACB và Eximbank.

Theo đó, vào năm 2018, CTCP Âu Lạc đã mua 3,7 triệu cổ phần EIB với giá 53,6 tỷ đồng. Đến giữa năm 2022, nhóm cổ đông Âu Lạc với đại diện là bà Ngô Thu Thúy đã bán gần 4 triệu cổ phiếu EIB trong nửa đầu năm 2022 và lãi 79 tỷ đồng.

Tại báo cáo tài chính của công ty ghi nhận còn sở hữu hơn 319.000 cổ phiếu EIB với giá gốc gần 10 tỷ đồng. Đến cuối năm 2022, Âu Lạc đã thoái toàn bộ vốn tại ngân hàng này.

Riêng bà Ngô Thu Thúy đã từng đảm nhiệm vai trò cố vấn cấp cao tại HĐQT Eximbank và có thời điểm, bà nắm giữ tới gần 5% vốn tại ngân hàng.

Âu Lạc đang kinh doanh ra sao?

Về CTCP Âu Lạc, theo giới thiệu trên website, doanh nghiệp hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0302704796 do Sở Kế Hoạch và Đầu Tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp lần đầu ngày 04/9/2002.

Ngành nghề kinh doanh bao gồm: Vận tải nhiên liệu ven biển và viễn dương; Kinh doanh vận tải nhiên liệu đường thủy nội địa; Dịch vụ hàng hải – Kinh doanh vận tải biển; Dịch vụ đại lý tàu biển…

Bà Ngô Thu Thúy bắt đầu ngồi vào "ghế nóng" Chủ tịch Âu Lạc từ năm 2014. Dưới sự chèo lái của vị nữ tướng, năm 2015, Âu Lạc báo lãi sau thuế gấp 2,4 lần năm trước lên 115 tỷ đồng. Từ 2015 - 2017, công ty liên tục duy trì mức lợi nhuận trên 100 tỷ đồng.

Tuy nhiên từ năm 2018 -2021, một phần do tác động của dịch Covid19, doanh nghiệp này kinh doanh giảm sút khi báo lãi sau thuế 12 tỷ đồng vào năm 2019 và không năm nào vượt qua con số 50 tỷ đồng. 

Năm 2022, công ty vực dậy rõ rệt với khoản lãi 168 tỷ đồng và báo lãi gần 200 tỷ đồng trong năm 2023. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất kể từ khi bà Thuý làm chủ công ty này.

Quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp này cũng không ngừng được mở rộng. Từ 1.200 tỷ đồng vào năm 2015, kết thúc quý II/2024, công ty ghi nhận tổng tài sản 2.500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nửa đầu năm 2024, Âu Lạc ghi nhận doanh thu thuần về cung cấp dịch vụ đạt gần 796 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn bán hàng của công ty cũng tăng 40% lên gần 533 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận gộp về cung cấp dịch vụ của Âu Lạc đạt 263 tỷ đồng, tăng gần 2 lần so với cùng kỳ.

Doanh thu hoạt động tài chính của công ty cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, từ 13 tỷ đồng lên gần 32 tỷ đồng. Âu Lạc báo lãi ròng sau thuế 171 tỷ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo giải trình từ phía Âu Lạc, nguyên nhân lợi nhuận tăng là do kể từ tháng 3/2023 đến tháng 6/2023, công ty đã đầu tư thêm 03 tàu mới, do vậy 06 tháng đầu năm 2023 chỉ có hơn 05 tàu hoạt động, trong khi 06 tháng đầu năm 2024 có 08 tàu hoạt động, góp phần tăng doanh thu và lợi nhuận so với 06 tháng năm 2023.

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Âu Lạc. Theo đó, Âu Lạc bị phạt tiền 350 triệu đồng do không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán.

Cụ thể, Âu Lạc đã trở thành công ty đại chúng ngày 06/08/2007, tuy nhiên cho đến nay, công ty không thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán.

Link gốc

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long