Hãy là người đầu tiên thích bài này
Hàng Việt bị Mỹ áp thuế 46%: 'Không nên hoảng loạn, tin xấu nhất đôi khi mở ra cơ hội tốt nhất'

 Theo ông Phạm Lưu Hưng, mức thuế quan mới của Mỹ có thể gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam, nhưng cũng mở ra cơ hội tái định giá thị trường.

Rạng sáng 3/4 (giờ Việt Nam), trong một động thái cứng rắn nhất từ trước đến nay, Tổng thống Donald Trump đã công bố chính sách thuế quan mới đối với các đối tác thương mại của Mỹ trên toàn cầu, với mức thuế cao hơn rất nhiều so với dự báo của các chuyên gia. Trong đó, Việt Nam là một trong số những quốc gia bị áp thuế đối ứng cao nhất, lên tới 46%.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Công ty CP Chứng khoán SSI đã có bình luận về những tác động từ chính sách thuế quan mới của Mỹ đối với nền kinh tế Việt Nam cũng như phản ứng chung của thị trường.


Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng SSI bình luận về việc Mỹ áp thuế Việt Nam (Ảnh chụp màn hình)

46% chưa phải con số cuối cùng

“Những thông tin chi tiết hiện vẫn chưa rõ ràng, chẳng hạn như thời điểm áp dụng chính sách thuế quan mới. Mức thuế cơ bản sẽ có hiệu lực từ ngày 5/4, còn mức thuế đối ứng đang được hiểu là sẽ áp dụng từ ngày 9/4, tức là đâu đấy còn khoảng 1, 2 tuần nữa mới diễn ra. Chúng ta cũng cần thêm thông tin để đánh giá các mặt hàng bị ảnh hưởng vì danh sách mặt hàng cũng chưa chi tiết”, ông Phạm Lưu Hưng chia sẻ.

Ở góc nhìn rộng hơn, Kinh tế trưởng SSI cho rằng, danh sách các nước bị ảnh hưởng không gây bất ngờ với thị trường. Cách đây vài ngày, đại diện thương mại Mỹ đã gửi báo cáo đánh giá ước tính thương mại quốc gia, liệt kê 60 nước với các chính sách thương mại, rào cản thương mại và phi thuế quan của họ. Điểm bất ngờ nằm ở chỗ, mặc dù cách tính toán không rõ ràng nhưng con số đưa ra lại rất cao.  

Tạm tính trong kịch bản xấu nhất, ông Hưng cho rằng tác động đối với Việt Nam có thể rơi vào khoảng 7% GDP, thay vì mức 1-1,5% như thời điểm mức thuế suất chỉ ở ngưỡng 10-15%.

“Tuy nhiên, con số này không quá ý nghĩa vì chính sách thuế quan mới ảnh hưởng tới cả thế giới. Suy thoái kinh tế là khó tránh khỏi và việc tính toán cần nhìn ở góc độ rộng hơn. Theo tôi, mức độ ảnh hưởng có thể so sánh vứoi các đợt suy thoái knh tế thế giới trong quá khứ, chẳng hạn như giai đoạn dịch COVID-19”, ông Hưng nói.

Theo Kinh tế trưởng SSI, nhìn một cách tích cực, mức thuế 46% đối với Việt Nam hay 54% đối với Trung Quốc có thể được xem là mức trần cho các quốc gia bắt đầu đàm phán với Tổng thống Mỹ để điều chỉnh giảm, chứ không phải mức thuế sẽ áp dụng mãi mãi.

“Việt Nam đã làm được rất nhiều việc để thể hiện thiện chí trong xử lý mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia. Chẳng hạn như giảm thuế với 14 mặt hàng, chấp thuận đầu tư cho Starlink,… Hay mới đây, sau chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam tới Hoa Kỳ, chúng ta đã có dự thảo nghị định liên quan đến kiểm soát chiến lược, thể hiện thiện chí trong việc bảo vệ sở hữu trí tuệ trong hoạt động thương mại và đầu tư. Đây là động thái mạnh mẽ thể hiện cam kết trong mối quan hệ thương mại từ phía Việt Nam”, ông Phạm Lưu Hưng nhấn mạnh đa số các vấn đề mà Mỹ nêu ra trong phần đánh giá chính sách của Việt Nam đều đã được xử lý.

Ông Hưng đánh giá, ảnh hưởng ngắn hạn là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, trong kịch bản cơ sở, điều này sẽ không kéo dài. Trong tương lai, sẽ có những cuộc đàm phán để điều chỉnh thuế suất.

“Giống như mọi cuộc chiến tranh thương mại khác, Việt Nam sẽ là bên hưởng lợi”, ông Hưng tỏ ra lạc quan.

Không nên quá hoảng loạn

Qua trao đổi với một số nhà đầu tư nước ngoài, ông Phạm Lưu Hưng cho hay, thời gian qua, họ vẫn đang trong tâm thế chờ đợi.

“Rủi ro thuế quan đang được thể hiện một cách xấu nhất. Tuy nhiên, sau khi xem xét phản ứng của thị trường, các nhà đầu tư sẽ có đánh giá lại về các vùng định giá của thị trường. Tin xâu đôi khi lại là cơ hội để họ xác định vùng định giá hấp dẫn hơn, từ đó đưa ra quyết định giải ngân”, ông Hưng phân tích.

Bên cạnh đó, định giá của thị trường Việt Nam hiện chỉ bằng một nửa so với thời điểm cuộc chiến thương mại lần đầu năm 2018 khi P/E VN-Index ở mức 23-24. Vì thế, áp lực buộc phải bán ra không quá mạnh.

Dù vậy, Kinh tế trưởng SSI cũng lưu ý rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam phần lớn vẫn do các nhà đầu tư cá nhân nắm giữ, nên vẫn sẽ tồn tại bất ổn nhất định do tâm lý hoang mang.

Ông Phạm Lưu Hưng cũng nói thêm, ngày 9/4 tới đây không chỉ là ngày mức thuế mới có hiệu lực mà còn là thời điểm FTSE Russell công bố kết quả xếp hạng thị trường. Đây có thể là cơ hội để thị trường phản ứng và tạo ra những điểm sáng mới.

“Hy vọng chúng ta có thể đón hai tin tốt cùng lúc. Mọi chuyện chắn chắn sẽ khác so với ngày hôm nay khi chúng ta nói chuyện với nhau”, ông Hưng kỳ vọng.

Về xu hướng đầu tư trong bối cảnh hiện tại, Kinh tế trưởng SSI cho rằng dòng tiền toàn cầu sẽ có sự dịch chuyển. Thay vì tập trung vào các yếu tố tăng trưởng, nhà đầu tư sẽ ưu tiên yếu tố giá trị, lựa chọn các cổ phiếu có định giá thấp và doanh thu ổn định bất kể chu kỳ kinh tế.

“Thị trường hiện tại sẽ hướng tới chiến lược phòng thủ nhiều hơn, ưu tiên cổ phiếu có biến động thấp và ít chịu tác động từ các chính sách vĩ mô”, ông Hưng nhận định.

Thái Hà-Link gốc

Bình luận (8)

Bọn tự doanh quả này âm nặng. Cho chúng mày chết
12:07
 4
Múc đi nhà báo
12:11
Sợ té *** rồi lên báo cho dân từ từ xả để bạn xả trc à.😅
12:12

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long