Gạo Việt tiếp tục đạt nhiều thành tích trên trường quốc tế nhưng doanh nghiệp gạo vẫn trong vòng khó khăn, thua lỗ triền miên, cổ phiếu lao dốc.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gạo Việt tiếp tục gặt hái thành công trên thị trường quốc tế khi kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm vượt mốc 2 tỷ USD, tăng gần 12% về lượng và tăng 36,5% về giá trị.
Ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết theo dự báo, thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024. Nguồn cung gạo toàn cầu không còn dồi dào bởi sản lượng tại Ấn Độ (nguồn cung chính chiếm 40% sản lượng toàn cầu) giảm 4 triệu tấn, các thị trường như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia… cũng giảm do tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu.
Xuất khẩu gạo Việt vượt 2 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm. Nguồn: Công Thương
Điều này mở ra cơ hội rất lớn cho các quốc gia xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh giữ vững thị trường chính như Philippines, Indonesia, Malaysia; gạo Việt cũng đã mở rộng ra nhiều thị trường. Năm nay, Việt Nam có thể đáp ứng nguồn cung để xuất khẩu gạo tương đương năm 2023 (8,13 triệu tấn) và vẫn đảm bảo an ninh lương thực.
Dù bức tranh ngành rất sáng nhưng diễn biến cổ phiếu gạo trên sàn lại “ảm đạm”. Loạt cổ phiếu gạo lao dốc, báo cáo tài chính kiểm toán 2023 lộ nhiều vấn đề, thậm chí có cổ phiếu bị hủy niêm yết.
Trong bối cảnh thị trường chung phục hồi từ tháng 9/2023 thì cổ phiếu LTG của Tập đoàn Lộc Trời (mã: LTG) ghi nhận đà giảm 23% xuống vùng 23.000 đồng/cp. Diễn biến lao dốc của cổ phiếu này đi kèm với tình hình kinh doanh không mấy khả quan.
Doanh nghiệp công bố BCTC hợp nhất kiểm toán 2023 với lãi ròng 16,8 tỷ đồng, giảm đến 249 tỷ đồng so với báo cáo tự lập do phần lợi nhuận từ giao dịch mua rẻ công ty liên kết giảm 315 tỷ đồng. So với thực hiện 2022, lợi nhuận giảm đến 96% dù doanh thu tăng 39% lên 11.893 tỷ đồng với động lực đến từ mảng gạo.
Qua đến quý I năm nay, Lộc Trời báo báo cáo doanh thu hơn gấp rưỡi lên 3.849 tỷ đồng. Riêng doanh thu bán gạo gần gấp đôi lên 3.286 tỷ đồng. Tuy nhiên, biên lãi gộp mảng gạo mỏng chỉ 3,5% kéo giảm biên lợi nhuận gộp chung toàn tập đoàn từ 11% xuống 6,5%. Mặt khác, chi phí tài chính tăng cao do lỗ chênh lệch tỷ giá. Lộc Trời báo lỗ gần 97 tỷ đồng quý đầu năm, tăng lỗ thêm so với cùng kỳ năm trước.
Cổ phiếu một doanh nghiệp gạo lớn khác trên sàn là Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (mã: TAR) sẽ bị hủy niêm yết vào ngày 21/5 tới đây, ngày giao dịch cuối cùng tại sàn HNX là 20/5.
Nguyên nhân là do tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến với BCTC riêng và hợp nhất năm 2023 của công ty. Cơ sở của việc từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán là công ty đang chờ kết quả xác minh của cơ quan chức năng về đợt phát hành riêng lẻ năm 2021 và vấn đề hàng tồn kho trị giá 1.256 tỷ đồng.
Mã chứng khoán TAR hiện chỉ được giao dịch phiên thứ 6 hàng tuần. Cổ phiếu giảm sàn xuống 5.200 đồng/cp với dư bán sàn hơn 4 triệu đơn vị sau thông tin hủy niêm yết. Xét từ tháng 8/2023, TAR đã mất giá 75%.
Về kết quả kinh doanh, Gạo Trung An báo lỗ 16 tỷ đồng năm 2023 dù doanh thu tăng 18% lên 4.485 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm và chi phí lãi vay tăng là nguyên nhân.
Doanh nghiệp gạo có tiếng lâu năm tại tỉnh An Giang – Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang – Angimex (mã: AGM) sau cú sốc nhân sự cao cấp đầu năm 2022 đến nay vẫn chưa thể vực dậy. Doanh nghiệp ghi nhận lỗ đậm trên 200 tỷ đồng 2 năm liên tiếp 2022 – 2023. Quý I năm nay lỗ tiếp 15 tỷ đồng nâng lỗ lũy kế lên 175 tỷ đồng, tiệm cận vốn góp chủ sở hữu 182 tỷ đồng.
Đồng thời, báo cáo tài chính của công ty năm 2023 có loạt ý kiến ngoại trừ và nhấn mạnh của đơn vị kiểm toán về công nợ, khoản tạm ứng, nợ phải trả ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn, thanh khoản trái phiếu, nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục… Cổ phiếu AGM hiện giao dịch vùng 4.300 đồng/cp, giảm 68% tính từ tháng 8/2023.
Riêng cổ phiếu VSF của Tổng công ty lương thực miền Nam (mã: VSF) nhận tin vui khi cổ phiếu được ra khỏi diện cảnh báo từ 5/4 sau khi tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần với BCTC năm 2023. Song, mã chứng khoán VSF lại giảm từ vùng 42.000 đồng/cp về 33.200 đồng/cp tính từ đầu năm.
Kết quả kinh doanh của VSF có cải thiện rõ rệt trong bối cảnh xuất khẩu gạo thuận lợi. Doanh thu 2023 tăng 33% lên 23.031 tỷ đồng, lãi ròng 23 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi thua lỗ hơn chục năm liên tiếp. Quý I/2024, doanh thu tăng nhẹ lên 4.797 tỷ đồng và chuyển từ lỗ 7 tỷ sang có lãi 1,2 tỷ đồng.
Nhìn chung, điểm sáng duy nhất trong bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp gạo trên sàn là doanh thu tăng mạnh, tuy nhiên, biên lãi gộp mảng kinh doanh gạo mỏng kèm chi phí lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá kéo giảm lợi nhuận.
Tường Như
Bình luận (4)