Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đang chậm kế hoạch kinh doanh năm bất chấp lợi nhuận 9 tháng đã tăng 20% so với cùng kỳ. Dù vậy, người nhà lãnh đạo công ty vẫn liên tiếp mua vào cổ phiếu, gây chú với giới đầu tư.
Người nhà lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai (HAG) liên tục mua vào cổ phiếu
Người nhà của lãnh đạo CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) liên tục gia tăng sở hữu cổ phiếu, thu hút sự chú ý của thị trường. Mới đây, bà Phạm Xuân Quỳnh, vợ ông Bùi Lê Quang - Thành viên Hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai, đã đăng ký mua 100.000 cổ phiếu HAG. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 3/1 đến ngày 1/2.
Trước đó, bà Đoàn Hoàng Anh, con gái ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai, cũng đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu HAG. Nếu giao dịch thành công, bà Hoàng Anh sẽ nâng sở hữu từ 13 triệu cổ phần (tương đương 1,23% vốn điều lệ) lên 14 triệu cổ phần (1,32% vốn điều lệ). Giao dịch của bà Hoàng Anh dự kiến diễn ra từ ngày 23/12/2024 đến ngày 21/1/2025.
Động thái mua vào của người nhà lãnh đạo diễn ra trong bối cảnh Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - mã HNG) vừa hoàn tất việc thanh toán toàn bộ các khoản nợ theo thỏa thuận với Hoàng Anh Gia Lai, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề tài chính tồn đọng giữa hai công ty.
Theo thông báo, HAGL Agrico đã trả 4.228 tỷ đồng theo thỏa thuận ba bên với Ngân hàng BIDV (mã BID) và Hoàng Anh Gia Lai. Cụ thể, khoản thanh toán bao gồm 2.094 tỷ đồng trả trực tiếp cho BIDV và 2.314 tỷ đồng thanh toán nợ cho HAG liên quan đến lô trái phiếu mã HAGLBOND16.26. Điều này giúp giảm áp lực tài chính cho Hoàng Anh Gia Lai, dù công ty vẫn còn khoản tiền gốc 766 tỷ đồng chưa thanh toán do chưa xử lý xong tài sản không sinh lời. Thời hạn thanh toán dự kiến sẽ được thực hiện trong quý II năm 2025.
Tuy nhiên, Hoàng Anh Gia Lai vẫn đối mặt với thách thức khi tại ngày 29/12/2024, công ty chậm thanh toán gần 3.622 tỷ đồng tiền lãi của lô trái phiếu HAGLBOND16.26. Dù vậy, việc thanh toán phần lớn nợ gốc và động thái mua vào cổ phiếu của người nhà lãnh đạo được kỳ vọng sẽ củng cố niềm tin cho nhà đầu tư, đồng thời tạo lực đẩy tích cực cho giá cổ phiếu HAG trong thời gian tới.
HAGL vẫn đang chậm kế hoạch kinh doanh năm
Về hoạt động kinh doanh, tại Quý 3/2024 doanh thu thuần của Hoàng Anh Gia Lai đạt 1.432 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu từ trái cây - nguồn thu chính của công ty - đạt 880 tỷ đồng, giảm 12%, và doanh thu từ bán heo giảm mạnh hơn, chỉ đạt 234 tỷ đồng, tương đương mức giảm 52%.
Mặc dù doanh thu giảm, lợi nhuận gộp của HAG lại tăng 17%, đạt 609 tỷ đồng, nhờ giá vốn hàng bán giảm mạnh hơn doanh thu. Biên lợi nhuận gộp trong Quý 3/2024 cải thiện đáng kể, đạt 42,6%, so với 27,5% cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, mảng kinh doanh trái cây có biên lợi nhuận gộp cao nhất, đạt khoảng 52%, góp phần quan trọng vào hiệu quả chung.
Trong kỳ, chi phí tài chính giảm 29%, xuống còn 165 tỷ đồng, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp và bán hàng chỉ tăng nhẹ. Nhờ đó, Hoàng Anh Gia Lai báo lãi sau thuế 351 tỷ đồng, tăng 8% so với Quý 3/2023. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 332 tỷ đồng, tăng gần 4%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của HAG đạt 4.194 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng 20%, đạt 851 tỷ đồng. Dù vậy, công ty vẫn ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 626 tỷ đồng tính đến ngày 30/9/2024.
So với mục tiêu kinh doanh năm 2024 là doanh thu 7.750 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.320 tỷ đồng, HAG đã hoàn thành 55% kế hoạch doanh thu và hơn 64% chỉ tiêu lợi nhuận sau 9 tháng đầu năm.
Ngô Vũ-Link gốc
Bình luận (5)