Chứng khoán Bảo Minh sẽ sử dụng số tiền 260 tỷ đồng từ đợt phát hành trái phiếu này để thanh toán các khoản gốc và lãi vay ngắn hạn tại Vietbank đến hạn vào cuối tháng 6 - đầu tháng 7/2024.
Đáo hạn gần kề, gấp rút gọi vốn
Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty CP Chứng khoán Bảo Minh (BMS) vừa công bố thông tin về việc phát hành trái phiếu. Cụ thể, ngày 21/6/2024, Chứng khoán Bảo Minh phát hành thành công 2.600 trái phiếu mã BMSH2425001, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu. Giá trị phát hành là 260 tỷ đồng. Với kỳ hạn 13 tháng, lô trái phiếu này của BMS dự kiến đáo hạn ngày 21/7/2025.
Nguồn: HNX
Trong tài liệu công bố, công ty sẽ sử dụng số tiền 260 tỷ đồng để thanh toán các khoản gốc và lãi vay ngắn hạn tại Vietbank đến hạn vào cuối tháng 6 - đầu tháng 7/2024. Đây đều là các khoản vay được giải ngân từ cuối tháng 3 vừa qua, tổng dư nợ gốc gần 293 tỷ đồng.
Chứng khoán Bảo Minh dự kiến thu về 260 tỷ đồng để thanh toán nợ
Cũng theo phương án này, trong trường hợp trái phiếu không được chào bán hết và số tiền thu được không đủ để tài trợ cho mục đích đề ra, Công ty sẽ sử dụng vốn tự có, vốn vay ngân hàng… để đảm bảo thanh toán các khoản nợ theo đúng thời gian quy định.
Trong thời gian chưa đến hạn thanh toán các khoản vay nợ, tổng số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được sử dụng để lập các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng mở tài khoản trái phiếu hoặc để trên tài khoản trái phiếu.
Một thông tin đáng chú ý, hồi cuối tháng 5, Chứng khoán Bảo Minh nhận án phạt từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước do vi phạm liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Cụ thể, BMS bị phạt do đã báo cáo không đúng thời hạn cho HNX các tài liệu bao gồm báo cáo quý IV/2022 và báo cáo năm 2022 của tổ chức cung cấp dịch vụ đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Đáng nói, BMS đã vi phạm hành chính nhiều lần dẫn đến có tình tiết tăng nặng, nhưng cũng đồng thời có tình tiết giảm nhẹ nhờ thành thật hối lỗi. Theo đó, số tiền BMS bị phạt là 60 triệu đồng.
Ai đang nắm giữ Chứng khoán Bảo Minh?
Chứng khoán Bảo Minh được thành lập vào năm 2008 bởi Tổng công ty CP Bảo Minh. Công ty hoạt động trong các lĩnh vực như cung cấp các dịch vụ môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, tư vấn doanh nghiệp, bảo lãnh phát hành, lưu ký chứng khoán và các dịch vụ liên quan khác.
Sau nhiều biến động, tính đến cuối năm 2023, BMS có vốn điều lệ hơn 646 tỷ đồng, cơ cấu sở hữu bao gồm Công ty CP Rồng Ngọc nắm 24%, bà Trương Thị Mỹ An nắm 23%, ông Dương Tiến Dũng nắm 23% và 30% còn lại thuộc về các cổ đông khác.
Được biết, nhóm cổ đông này đều có liên quan đến Á hậu Dương Trương Thiên Lý - vợ ông Nguyễn Quốc Toàn (cựu Chủ tịch Nam Á Bank), con trai của cố đại gia Trần Thị Hường (Tư Hường) - Tập đoàn Hoàn Cầu.
Cổ đông Dương Tiến Dũng và Trương Thị Mỹ An nắm 46% tỷ lệ sở hữu Chứng khoán Bảo Minh, là bố mẹ của Á hậu Dương Trương Thiên Lý.
Còn Công ty CP Rồng Ngọc nắm 24% tỷ lệ sở hữu tại BMS được thành lập vào tháng 7/2016, có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, với 3 cổ đông sáng lập gồm: Dương Trương Thiên Lý nắm 80%, Nguyễn Thị Ngọc Trâm và Trần Ngọc Nhật mỗi người sở hữu 10%.
Cơ cấu sở hữu Chứng khoán Bảo Minh
Về tình hình kinh doanh trong quý đầu năm 2024, Chứng khoán BMS mang về gần 16 tỷ đồng lãi ròng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước nhờ vào hoạt động tự doanh và môi giới chứng khoán.
Tại thời điểm ngày 31/3/2024, nợ phải trả của công ty tăng 42,3% đạt mức 544 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn đạt 492,5 tỷ (chiếm 90% tổng nợ). Việc gia tăng nợ vay khiến cho BMS phát sinh thêm khoản lãi vay hơn 3,8 tỷ đồng trong khi năm 2023 công ty không ghi nhận khoản chi phí này.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu BMS đang giằng co quanh ngưỡng 10.000 đồng/cp (kết phiên 25/6). Thanh khoản bình quân khoảng hơn 200 nghìn đơn vị/phiên, tương đối ảm đạm với 71,1 triệu cổ phiếu lưu hành.