Cổ phiếu GKM lao dốc mạnh trong 4 phiên giao dịch gần đây. Công ty có khoản nợ trái phiếu gần 45 tỷ đồng lãi 12,6%/năm đến hạn ngày 20/9 vừa qua.
Cổ phiếu GKM của Công ty cổ phần GKM Holdings (mã: GKM) ghi nhận lao dốc mạnh từ vùng 40.600 đồng/cp đầu tháng 8 xuống 22.000 đồng/cp, mất gần 46% trong hơn 1 tháng.
Đặc biệt, trong 3 phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu này giảm từ 8% đến 10% mỗi phiên, giá giảm từ 33.000 đồng/cp xuống 24.500 đồng/cp. Đến phiên ngày 23/9, cổ phiếu GKM tiếp tục giảm hết biên độ xuống 22.000 đồng/cp.
Diễn biến cổ phiếu GKM. Nguồn: TradingView
Gánh nặng trái phiếu
Mới đây, công ty tổ chức lấy ý kiến người sở hữu trái phiếu để thông qua phương án kéo dài kỳ hạn trái phiếu GKMH2124001 thêm 2 năm đến ngày 20/9/2026. Theo lịch trình, ngày chốt danh sách trái chủ là 10/9, thời hạn cuối để trái chủ gửi trả lời phiếu lấy ý kiến là 9h ngày 18/9. Sau đó, biên bản kiểm phiếu và nghị quyết về việc lấy ý kiến trái chủ bằng văn bản dự kiến công bố trong ngày 19/9. Tuy nhiên, đến nay công ty chưa có công bố về kết quả.
Cách đây 3 năm, GKM Holdings đã phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 12,6%, đáo hạn 20/9/2024. Nguồn tiền thu được dùng để bổ sung vốn lưu động, đầu tư nhà máy Nhôm Khang Minh tại Hà Nam và đầu tư tài chính. Trái phiếu được bảo đảm bằng 7 triệu cổ phiếu GKM.
Tại thời điểm phát hành, 1 tổ chức là công ty chứng khoán đã mua 91,35 tỷ đồng trái phiếu và 10 nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp mua 8,65 tỷ đồng. Tổ chức tư vấn phát hành, đại lý phát hành, đăng ký, lưu ký, quản lý chuyển nhượng trái phiếu, quản lý tài sản đảm bảo là Công ty cổ phần Chứng khoán APG (mã: APG) – cổ đông lớn công ty (sở hữu hơn 16% vốn).
BCTC bán niên của GKM Holdings còn ghi nhận khoản nợ vay trái phiếu trị giá gần 45 tỷ đồng đáo hạn ngày 20/9, nghĩa là công ty đã mua lại 55 tỷ đồng.
Vào tháng 6, công ty công bố chào bán tối đa 44,9 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ để cơ cấu nợ, thanh toán tiền gốc, lãi trái phiếu đến hạn/mua lại trước hạn, nhưng chưa thấy thông tin về kết quả thực hiện.
Ngoài vay nợ trái phiếu, công ty còn có khoản nợ vay ngắn hạn ngân hàng tổng cộng 34,8 tỷ đồng. Các khoản nợ này được đảm bảo bằng 2,5 triệu cổ phiếu APG và hợp đồng tiền gửi.
Chuyển hướng đầu tư tài chính, muốn tăng vốn gấp đôi
Khang Minh Group được thành lập 2010, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gạch và đá thạch anh. Vào cuối năm trước, công ty có những thay đổi nhân sự thượng tầng và đổi tên từ Khang Minh Group thành GKM Holdings.
GKM Holdings rút vốn khỏi mảng đá để tập trung đầu tư tài chính. Nguồn: GKM
Đồng thời, công ty chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh, rút vốn mảng kinh doanh chủ chốt đá và nhôm tại 2 công ty con gồm Công ty cổ phần đá thạch anh Khang và Công ty cổ phần nhôm Khang Minh. Thay vào đó, doanh nghiệp xác định hoạt động cốt lõi là đầu tư tài chính hướng tới trở thành tập đoàn tư nhân đầu tư và quản lý vốn.
Chủ đề đầu tư doanh nghiệp hướng tới gồm hoạt động thương mại, sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng nông sản, đặc biệt gạo; thương mại vật liệu xây dựng; xây dựng, vận hành khu công nghiệp; phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, cổ đông công ty đã phê duyệt kế hoạch tăng vốn từ gấp đôi từ 314 tỷ đồng lên 626 tỷ đồng thông qua nhiều phương án. Đó là phát hành 2 triệu cổ phiếu từ vốn chủ sở hữu, 1,67 triệu cổ phiếu ESOP, 17,6 triệu cho cổ đông hiện hữu giá 10.000 đồng/cp và 10 triệu cổ phiếu riêng lẻ giá tối thiểu 11.000 đồng/cp.
Mục tiêu huy động vốn của công ty là trả nợ; đầu tư vào Công ty cổ phần Pomex; mở rộng hoạt động đầu tư tài chính bao gồm nhưng không giới hạn đầu tư cổ phiếu niêm yết, chưa niêm yết, đăng ký giao dịch…; đầu tư dự án bao gồm nhưng không giới hạn lĩnh vực năng lượng tái tạo, sản xuất điện…
Tại cuối quý II, công ty có tổng tài sản 478 tỷ đồng nhưng chỉ còn 12 tỷ tiền và tương đương tiền tính đến cuối tháng 6. Hai khoản mục chiếm phần lớn tài sản là khoản phải thu 153,2 tỷ đồng (tỷ trọng 32%) và đầu tư tài chính dài hạn 256,8 tỷ đồng (tỷ trọng 53%).
Trong nửa đầu năm nay, GKM đã giảm đáng kể các khoản phải thu (cho vay và phải thu khác) để tăng quy mô đầu tư tài chính dài hạn từ 87,5 tỷ đồng lên 256,8 tỷ đồng. Trong đó, công ty rút tiếp vốn khỏi Công ty cổ phần đá thạch anh Khang Minh và đầu tư mới vào Công ty cổ phần ECO HT (85,5 tỷ), Công ty cổ phần APG ECO Hòa Bình (54 tỷ) và Công ty cổ phần APG Energy (48,6 tỷ).
Về kết quả kinh doanh, GKM đạt 133 tỷ đồng doanh thu, gấp nhiều lần con số 2,7 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả của việc mở rộng thêm kinh doanh vật liệu xây dựng và buôn bán gạo.
Tuy nhiên, lợi nhuận gộp giảm từ 1,3 tỷ đồng về 580 triệu đồng. Cứu cánh của công ty là doanh thu hoạt động tài chính 16 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thoái phần vốn còn lại tại Công ty cổ phần đá thạch anh Khang Minh. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế gấp đôi lên 6,3 tỷ đồng.
Bình luận (3)