Chứng khoán Tiên Phong (TPS) vừa có báo cáo phân tích về triển vọng ngành chăn nuôi heo nửa cuối năm 2024.
TPS dẫn chứng số liệu của FAO, tổng sản lượng thịt tiêu thụ toàn cầu năm 2021 đạt 340 triệu tấn. Trong đó, thịt heo chiếm 39%, gia cầm chiếm 33%, thịt bò 23%, và cừu 4%. Mức tiêu thụ thịt heo toàn cầu năm 2024 ước tính khoảng 114,5 triệu tấn, giảm 0,8%yoy, do tiêu thụ thịt giảm mạnh ở Trung Quốc. USDA dự báo, mức tiêu thụ thịt heo và gà của Trung Quốc năm 2024 sẽ giảm khoảng 2,5% so với năm 2023.
Tuy nhiên, xu hướng tiêu thụ protein động vật và chế độ ăn ít chất béo sẽ làm tăng đáng kể lượng tiêu thụ thịt heo trên toàn cầu. Tiêu thụ thịt heo toàn cầu được kỳ vọng đạt khoảng 131 triệu tấn vào năm 2030, tương ứng với mức tăng 7,2% so với năm 2023.
Trong đó, tiêu thụ thịt heo ở Việt Nam và Hoa Kỳ kỳ vọng đạt mức tăng tương ứng so với năm 2023 là 28,3% và 11,7%. Tiêu thụ thịt heo ở Trung Quốc và Nga được kỳ vọng tăng 5,8% và 4,5% so với năm 2023.
Các quốc gia EU kỳ vọng giảm 3.9% so với năm 2023, từ 18,4 triệu tấn 2023 còn 17,7 triệu tấn vào năm 2030. Thị trường thịt heo toàn cầu được kỳ vọng tăng trưởng với tốc độ CAGR là 5,7% trong giai đoạn 2024 – 2029.
Nhập khẩu thịt heo ước đạt khoảng 9,4 triệu tấn vào năm 2024, tăng 2,6%yoy. Trung quốc là nước nhập khẩu thịt heo lớn nhất thế giới, nhập khẩu khoảng 2,3 triệu tấn và chiếm khoảng 23,6% tổng lượng thịt nhập khẩu năm 2024. Nhật Bản là quốc gia nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới, chiếm 15,5% thị phần. Mexico là quốc gia lớn thứ 3 thế giới chiếm 13,4% tổng thịt heo nhập khẩu năm 2024. Tiếp theo đó là các quốc gia Anh và Hàn Quốc.
Tại thị trường trong nước, giá trị ngành chăn nuôi năm 2023 đóng góp khoảng 26% GDP nông nghiệp Việt Nam. Trong đó, ngành chăn nuôi heo chiếm trên 62% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của các loại vật nuôi được sản xuất trong nước. Sản lượng chăn nuôi đang trong xu hướng ngày càng ổn định khi hình thức chăn nuôi trang trại ngày càng tăng, thị phần chăn nuôi trang trại tăng từ 30% vào năm 2014 lên 51% vào năm 2023.
Tình hình sản xuất trong nước vẫn khá tích cực, đàn heo có xu hướng tăng do thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán thịt heo hơi tăng và tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt. Tính đến cuối tháng 4/2024, tổng đàn heo cả nước đã tăng 3,7%yoy. Theo ước tính của cục chăn nuôi, tổng đàn heo cả nước năm 2024 ước tính khoảng 28,6 – 28,7 triệu con, tương ứng với sản lượng heo hơi dự kiến khoảng 4,86 triệu tấn, tăng 7,2%yoy. USDA dự báo, sản lượng thịt heo của Việt Nam năm 2024 ước đạt 3,7 triệu tấn, tăng 3,8%yoy.
Giá heo có xu hướng tăng nhờ nhu cầu lớn hơn trong bối cảnh nguồn cung chưa tái đàn kịp thời sau dịch ASF. Giá heo hơi trung bình đã tăng khoảng 1,2% - 3,2% trong tháng 4 và dự kiến tiếp tục tăng cao hơn trong thời gian tới. Hiện nay, giá heo hơi cả nước đang giao dịch trong khoảng 60.000 – 64.000 VND/Kg.
Giá heo hơi được kỳ vọng tăng lên khoảng 70.000 VND/kg vào cuối quý 2 này và có thể duy trì tới cuối năm 2024 do các doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang trong quá trình tái đàn sau đợt dịch ASF và cần khoảng thời gian ít nhất đến tháng 12/2024 mới có nguồn cung mới ra thị trường. Tuy nhiên, trong thời gian tới, giá thịt heo cũng bị ảnh hưởng bởi nắng nóng dẫn tới tiêu thụ chậm nhưng không ảnh hưởng nhiều tới giá của heo hơi.
Tiêu thụ thịt heo của Việt Nam năm 2023 là 27,7 kg/người/năm và là quốc gia cao nhất Châu Á. Theo dự báo của USDA, sản lượng tiêu thụ thịt heo của Việt Nam năm 2024 dự kiến khoảng 3.8 triệu tấn, tăng 3,9%yoy. USDA cũng dự báo, Việt Nam là một trong những thị trường có mức tăng trưởng mạnh về tiêu thụ thịt heo trong giai đoạn 2023 – 2023. Sản lượng thịt heo được tiêu thụ ở Việt Nam vào năm 2030 kỳ vọng tăng 30% so với năm 2023. Tuy nhiên, trong vài tháng tới, tiêu thụ thịt heo có thể sẽ chậm lại do thời tiết bước vào giai đoạn nắng nóng.
Về nhập khẩu, Việt Nam nhập khẩu khoảng 11.450 tấn thịt heo, trị giá 25,98 triệu USD, giảm 12,5%yoy về lượng và 18,9%yoy về giá trị trong quý 1/2024. Nhập khẩu thịt heo giảm do tiêu thụ thịt heo trong nước đang chậm lại, trong khi sản lượng heo liên tục phục hồi. Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp thịt heo cho Việt Nam. Việt Nam nhập khẩu từ Brazil trong quý 1/2024 khoảng 4.200 tấn, tương ứng 9,53 triệu USD, tăng 7,4%yoy về lượng và 2,8% yoy về giá trị.
Soi "sức khỏe" các doanh nghiệp trong ngành
TPS cho rằng, DBC là doanh nghiệp đứng đầu về quy mô doanh thu. Còn với BAF, đây là doanh nghiệp đứng đầu về quy mô lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp ngành chăn nuôi.
Ngoại trừ VSN có mức tăng trưởng doanh thu thuần quý 1/2024 giảm 6,5%yoy, các doanh nghiệp còn lại bao gồm BAF (+58,2%yoy), DBC (+40,6%yoy) và MML (+7,5%yoy) đều ghi nhận tăng trưởng doanh thu thuần rất tích cực so với cùng kỳ nhờ giá heo hơi được cải thiện.
Theo TPS, chỉ số D/E của các doanh nghiệp ngành chăn nuôi khá thấp. Hầu hết các doanh nghiệp ngành chăn nuôi đều có tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện so với cùng kỳ. Cụ thể, tỷ suất lợi nhuận gộp của BAF tăng từ 7,04% vào quý 1/2023 lên 7,83% vào quý 1/2024, DBC tăng từ 7,2% lên 12,7% và MML tăng từ 8,7% lên 17,8%. Ngược lại, tỷ suất lợi nhuận gộp của VSN giảm nhẹ từ 23,8% vào quý 1/2023 xuống 23,5% vào quý 1/2024.
Nhìn chung, chỉ số ngành của nhóm chăn nuôi gia súc, gia cầm có mức tăng so với đầu năm cao hơn VN-Index. Cụ thể, tính từ đầu năm đến ngày 29/05/2024, ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm ghi nhận mức tăng trưởng so với đầu năm là 18,3% cao hơn mức tăng trưởng của chỉ số VN-Index (12,6% ytd). Trong nhóm ngành chăn nuôi gia súc - gia cầm, BAF (+25,8%ytd) và DBC (28,1%ytd) ghi nhận mức tăng giá cao hơn so với đầu năm cao hơn chỉ số VN-Index.
Ở chiều rủi ro, dịch bệnh ASF vẫn còn phức tạp, đầu vào chăn nuôi khó ổn định do phụ thuộc phần lớn vào thị trường thế giới, cạnh tranh với sản phẩm thịt nhập khẩu từ các quốc gia được ưu đãi thuế khi tham gia hiệp định thương mại.
Bình luận (11)
Báo 3 môn 4 điểm