Hai doanh nghiệp bán tinh bột sắn niêm yết trên sàn là CTCP Nông sản Thực phẩm Quảng Ngãi và CTCP Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái đều ghi nhận lợi nhuận quý III/2024 suy giảm.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lũy kế 9 tháng năm 2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam đạt 1,91 triệu tấn, trị giá 879,22 triệu USD, giảm 10% về lượng và giảm 1,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 9 tháng qua, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang một số thị trường vẫn tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2023 như: Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia và Pakistan.
Tuy nhiên xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Philippines đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2023.
Thời gian qua, khó khăn của ngành bột sắn thể hiện rõ khi giá nguyên liệu đều tăng cao, điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của các doanh nghiệp chuyên bán tinh bột sắn.
Có thể thấy ở BCTC quý III/2024 của CTCP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi (mã: APF) với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch đạt 1.405 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, chi phí giá vốn trong kỳ ghi nhận hơn 1.314 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ 2023. Điều này khiến cho lợi nhuận gộp công ty ở mức 90 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 4%.
9 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của APF đạt gần 5.374 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: APFCO.
Trong quý III, APF ghi nhận các khoản mục chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng lần lượt 52% và 15% lên giá trị tương ứng 60 tỷ và 14 tỷ đồng. Kết quả, APF báo lãi sau thuế 2,8 tỷ đồng trong quý III, giảm 91% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo giải trình từ phía công ty, do cạnh tranh mua nguyên liệu gay gắt nên làm giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Bên cạnh đó, giá bán liên tục giảm, từ đó dẫn đến chi phí giá vốn trên đơn vị sản phẩm tăng, biên lãi gộp quý III/2024 giảm 2,2% so với cùng kỳ (quý III/2023 là 8,6%). Do đó, lợi nhuận sau thuế quý III năm nay giảm 91% (tương đương hơn 28 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của APF đạt gần 5.374 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận hơn 134 tỷ đồng, giảm nhẹ hơn trăm triệu so với cùng kỳ 2023.
Năm 2024, APF đặt mục tiêu doanh thu 6.700 tỷ đồng và lãi sau thuế 230 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã hoàn thành được 80% chỉ tiêu doanh thu và 58% kế hoạch lãi cả năm sau 9 tháng.
Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi được biết tới là một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất tinh bột sắn và cồn Ethanol. Hiện, các sản phẩm của công ty này chủ yếu phục vụ xuất khẩu đi các nước Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản.
Tương tự, CTCP Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái (mã: CAP) cũng vừa có báo cáo kết quả quý IV niên độ tài chính 2023-2024 (từ ngày 1/7 - 30/9/2024) với doanh thu thuần gần 235 tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần cùng kỳ niên độ trước.
Tuy nhiên, giá vốn bán hàng tăng mạnh trong quý IV, ghi nhận 208 tỷ đồng (tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ); cùng với đó là chi phí bán hàng tăng từ 3 tỷ đồng lên 10,4 tỷ đồng. Điều này khiến cho lợi nhuận sau thuế của CAP chỉ đạt 5,8 tỷ đồng, giảm đến 41,5% so với niên độ 2023.
Như vậy, kết quả doanh thu thuần cả niên độ 2023-2024 của CAP ở mức 591 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với niên độ trước, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt gần 31 tỷ đồng, giảm đến 73%.
Đi sâu vào từng mảng kinh doanh, năm nay do tinh bột sắn của CAP ghi nhận 301,6 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm trước và chiếm hơn 50% doanh thu của CAP trong năm.
Trong khi đó doanh thu giấy vàng mã và sản phẩm giấy đế lại sụt giảm mạnh, khi đạt lần lượt 30 tỷ đồng và 43 tỷ đồng, giảm lần lượt 10% và 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
CAP có hoạt động cốt lõi là kinh doanh tinh bột sắn, nhưng công ty này được biết đến nhiều trên thị trường với mảng xuất khẩu giấy vàng mã và giấy đế.
AN KHANG