Hãy là người đầu tiên thích bài này
Giá vàng bứt phá, khẳng định vị thế tài sản tiền tệ an toàn toàn cầu

Dù giá vàng vẫn đang trong giai đoạn tích lũy dưới đỉnh lịch sử của tháng trước, kim loại quý này vẫn kết thúc tuần với mức tăng vững chắc.

Theo Kitco, giá vàng tăng khi giới đầu tư tìm kiếm các tài sản trú ẩn thay thế trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng về độ tin cậy của đồng USD và trái phiếu Mỹ.

Sự bất ổn bắt đầu từ cuối tuần trước, sau khi hãng xếp hạng Moody’s hạ bậc tín nhiệm nợ của Mỹ. Trong những phút cuối phiên giao dịch tuần, giá vàng đã vượt qua ngưỡng kháng cự ban đầu 3.200 USD/ounce. Tính đến cuối tuần này, vàng đã lấy lại vị thế trên 3.300 USD/ounce.

Giá vàng giao ngay hiện ở mức 3.356,9 USD/ounce, tăng gần 5% trong tuần. Biểu đồ: Phan Anh

Giá vàng cũng ghi nhận nhu cầu trú ẩn gia tăng vào giữa tuần, sau khi Bộ Tài chính Mỹ tổ chức phiên đấu giá trái phiếu kỳ hạn 20 năm không đạt kỳ vọng, khiến đường cong lợi suất bị dốc mạnh, với lợi suất trái phiếu 30 năm vượt mốc 5%.

Đồng thời, niềm tin suy giảm vào Mỹ cũng được phản ánh ở đồng USD, khi chỉ số USD Index kết tuần ở gần ngưỡng hỗ trợ 99 điểm - mức thấp nhất trong ba tuần.

Chris Weston - Giám đốc Nghiên cứu của Pepperstone - viết trong một ghi chú hôm thứ Sáu: “Hiểu một cách đơn giản, khi thế giới lo ngại về việc Mỹ thâm hụt ngân sách, nợ công tăng, phát hành thêm nhiều trái phiếu và lạm phát cao, thì việc lãi suất trái phiếu dài hạn tăng và đường cong lợi suất trở nên dốc là tín hiệu xấu cho đồng USD và thị trường chứng khoán Mỹ. Đó chính là lý do khiến nhà đầu tư tìm đến vàng, thậm chí cả Bitcoin.

Đầu đường cong lợi suất dài hạn của Mỹ sẽ vẫn là trọng tâm trong tuần tới, bên cạnh một số dữ liệu như lạm phát lõi PCE. Tuy nhiên, tâm điểm lớn sẽ là sức cầu trong các phiên đấu giá trái phiếu kỳ hạn 2, 5 và 7 năm” - ông cho biết.

Không chỉ hưởng lợi từ biến động thị trường trái phiếu Mỹ, vàng còn được hỗ trợ khi lợi suất trái phiếu Nhật Bản tăng cao, đe dọa làm sụp đổ giao dịch "carry trade" với đồng yên - yếu tố có thể gây ra các vấn đề thanh khoản trên toàn cầu.

Giới phân tích cũng lưu ý rằng vàng tiếp tục khẳng định vị thế là tài sản tiền tệ an toàn toàn cầu. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn những rủi ro trong ngắn hạn. Ảnh: Phan Anh

Han Tan, Trưởng bộ phận phân tích thị trường của FXTM nhận định: “Đà tăng của vàng có thể chững lại nếu lợi suất trái phiếu không tiếp tục tăng mạnh, và lợi suất 30 năm giữ dưới mốc 5%.

Trong tuần tới, ngoài các diễn biến thương mại và địa chính trị, giới đầu tư sẽ theo dõi tín hiệu từ biên bản họp FOMC, các phát biểu của quan chức FED và dữ liệu PCE để điều chỉnh kỳ vọng về lộ trình cắt giảm lãi suất. Nếu FED phát tín hiệu rõ ràng hơn về khả năng nối lại chu kỳ hạ lãi suất, giá vàng có thể vượt khỏi vùng 3.000 - 3.500 USD/ounce”.

Ông Ole Hansen - Trưởng chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank cho biết, nếu vàng vượt qua mốc 3.355 USD/ounce, điều này có thể đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn điều chỉnh ngắn hạn. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng tâm lý trên thị trường trái phiếu có thể đã quá tiêu cực.

“Điều tôi lo ngại là chúng ta đã đạt đến đỉnh điểm của tâm lý bi quan về trái phiếu, và điều đó có thể kích hoạt một làn sóng quay lại rủi ro” - ông nói.

Một số nhà phân tích trái phiếu cho rằng các phiên đấu giá sắp tới có thể thu hút nhiều nhà đầu tư hơn, khi nhu cầu đối với các kỳ hạn ngắn vẫn khá mạnh.

Ngoài thị trường trái phiếu, ông Hansen cho biết vàng còn có thể hút dòng tiền trú ẩn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ tăng thuế nhập khẩu với hàng hóa châu Âu lên 50% từ ngày 1.6.

“Lời đe dọa áp thuế hôm nay từ ông Trump là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng cuộc chiến thương mại này vẫn chưa kết thúc, và Mỹ sẽ chịu hậu quả kinh tế – điều này tích cực cho vàng” - ông nói.

Trong bối cảnh này, giới phân tích cũng theo dõi sát diễn biến của đồng USD, vốn đang mất đà.

Adam Turnquist - Chiến lược gia kỹ thuật trưởng tại LPL Financial nhận định: “Những lo ngại về thương mại, thâm hụt tài khóa và tăng trưởng có thể ít rõ ràng trên thị trường chứng khoán – vốn đã phục hồi mạnh từ đáy tháng 4 nhưng chúng vẫn ảnh hưởng đến đồng USD.

Trong tháng qua, đồng USD gặp khó khi ngày càng có nhiều nước giảm phụ thuộc vào nó, trong lúc Mỹ bị hạ tín nhiệm và dự báo thâm hụt ngân sách sẽ tăng.

Hiện tại, đồng USD vẫn đang yếu. Nếu đồng USD tiếp tục giảm và rơi khỏi vùng giá ổn định hiện tại, đây sẽ là một tín hiệu kỹ thuật tiêu cực và có thể làm dấy lên thêm lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ”.

Link gốc

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long