Ngành cao su đang có bước phát triển thuận lợi khi nguồn cung trên thế giới giảm, giá tăng cao.
Công nhân Công ty CP Cao su Hòa Bình chế biến mủ cao su tại nhà máy.
Chủ động tìm thị trường
Theo Hiệp hội cao su Việt Nam, giá cao su xuất khẩu đã tăng tháng thứ 8 liên tiếp, cao hơn gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su toàn cầu được dự báo sẽ còn kéo dài từ 3-5 năm tới đang là cơ hội cho ngành cao su trong nước.
Nắm bắt nhu cầu của thị trường cao su trên thế giới, Công ty CP Cao su Hòa Bình đã đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường xúc tiến vào thị trường Trung Quốc, giúp DN tăng kim ngạch xuất khẩu. 6 tháng đầu năm, công ty đã xuất khẩu 300 tấn mủ cao su sang các thị trường: Đức, Trung Quốc, Mỹ… Kim ngạch xuất khẩu đạt 520 ngàn USD, đạt 30% kế hoạch năm, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm gần 40%.
Ông Vũ Quang Khải, Phó tổng giám đốc Công ty CP Cao su Hòa Bình cho biết, năm 2024 công ty dự kiến tiêu thụ khoảng 1.000 tấn mủ, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,5-2 triệu USD. Để tăng cường thêm số lượng kim ngạch xuất khẩu, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam giao cho công ty thêm một số sản phẩm mới như sản xuất cao su 3R mix để nhằm đa dạng hóa các sản phẩm để cung cấp cho thị trường Trung Quốc. Bởi thị trường này lớn, nhu cầu sản xuất công nghiệp của họ cao.
Trong khi đó, tính đến đầu tháng 6, Công ty CP Cao su Bà Rịa đã tiêu thụ 1.914 tấn, đạt 18,3% kế hoạch, trong đó xuất khẩu trực tiếp 983 tấn, tiêu thụ nội địa 931 tấn, doanh thu cao su 76,6 tỷ đồng, giá bán bình quân 40,06 triệu đồng/tấn (cao hơn cùng kỳ năm trước 5,68 triệu đồng/tấn). Ông Nguyễn Minh Đoan, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, năm 2024 công ty phấn đấu khai thác đạt 9.250 tấn, xuất khẩu 3.000 tấn. Công ty cũng đang đẩy mạnh sản xuất, đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng để hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm nay.
Công nhân Công ty CP Cao su Bà Rịa thu hoạch mủ cao su.
Dự báo giá tăng
Theo Cục Xuất nhập khẩu, năm nay do thời tiết nắng nóng đã khiến kế hoạch mở cạo của các DN cao su bị trễ, dẫn đến nguồn cung bị hạn chế. Thêm vào đó, hiệu suất thu hoạch cao su giảm xuống trong những năm gần đây do dịch bệnh và thời tiết cực đoan, nhất là tại các quốc gia như Thái Lan và Indonesia, xu hướng chuyển đổi sang trồng cây công nghiệp khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Dự kiến, năm 2024, thị trường cao su tự nhiên toàn cầu sẽ thiếu 1,3 triệu tấn và tình trạng thâm hụt nguồn cung có thể kéo dài đến năm 2028 với mức thiếu hụt có thể khoảng 600-800 ngàn tấn/năm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân được dự báo sẽ khiến giá cao su tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Có thể thấy, động lực tăng giá cao su tự nhiên hiện nay chủ yếu đến từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su tự nhiên, đặc biệt là từ Thái Lan và Indonesia-hai quốc gia có sản lượng mủ cao su chiếm 51% tổng sản lượng mủ toàn cầu. Cụ thể, tính đến đầu tháng 6, giá cao su thế giới đã vượt mức cao nhất 3 năm trở lại đây và so với hồi đầu năm nay, giá cao su thế giới đã tăng 10,4%, đạt 172 US cents/kg. Tại Việt Nam, giá cao su trung bình trong tháng 6/2024 đạt 38,4 triệu đồng/tấn, tăng 6 triệu đồng/tấn tương ứng tăng gần 17% so với mức trung bình cả năm 2023.
Bình luận (7)