Đối với những doanh nghiệp tiêu thụ điện năng lớn, việc tăng giá điện ở mức 4,8% chắc chắn sẽ làm tăng chi phí.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có Quyết định số 1046/QĐ-EVN ngày 11/10/2024 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó giá bán lẻ điện bình quân là 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 11 tháng 10 năm 2024.
Điều này đồng nghĩa giá bán lẻ điện bình quân đã tăng thêm hơn 96 đồng/kWh, tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Đối với những doanh nghiệp tiêu thụ điện năng lớn, việc tăng giá điện ở mức 4,8% chắc chắn sẽ làm tăng chi phí.
Theo số liệu của chúng tôi, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) năm 2023 có lượng điện tiêu thụ lên đến 2,67 tỷ kwh. Tuy nhiên, tổng lượng điện phát của các nhà máy điện nhiệt dư thuộc Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Hải Dương và Dung Quất đạt 2,4 tỷ kWh. Qua đó giúp Hòa Phát tự chủ khoảng 90% lượng điện năng cho sản xuất.
Khi giá điện tăng 96 đồng/kWh, Hòa Phát chỉ mất thêm khoảng 26-30 tỷ đồng tiền điện tại các khu liên hợp này.
Năm 2025, dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động sẽ khiến lượng tiêu thụ điện của Hòa Phát tăng mạnh hơn nhưng doanh nghiệp này vẫn sở hữu lợi thế về chi phí nhờ công nghệ tuần hoàn giúp tự chủ 90% điện năng như trên.
Một doanh nghiệp khác cũng có lượng tiêu thụ điện rất lớn là Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) với số điện tiêu thụ năm 2023 là 922 triệu kwh.
Khi giá điện tăng, Đức Giang mất thêm chi phí điện khoảng gần 90 tỷ đồng. Con số này so với doanh thu thuần năm 2023 là 9.748 tỷ hay giá vốn là 6.308 tỷ thì không đáng kể.
Các doanh nghiệp tiêu thụ điện lớn nhất khác như Tôn Đông Á, Đạm Phú Mỹ (DPM), Đạm Hà Bắc (DHB), Sợi Thế Kỷ (STK), Vinamilk (VNM), Sabeco (SAB)... nằm trong khoảng từ 100 đến 300 triệu kwh/năm. Chi phí điện tăng thêm của các doanh nghiệp này khoảng 10 tỷ đến 30 tỷ đồng.
Trước đó, trong năm 2023, giá điện bán lẻ đã được điều chỉnh tăng 2 lần (3% vào tháng 5/2023 và mức 4,5% vào tháng 11/2023).
Theo nhận định của Mirae Asset sau mỗi lần tăng giá điện, việc tăng giá bán lẻ điện đối với một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện ảnh hưởng tiêu cực khi giá vốn hàng bán sẽ tăng mạnh, điển hình như xi măng, hóa chất, thép, giấy.
Cụ thể, theo ước tính của Mirae Asset, chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán đối với doanh nghiệp sản xuất thép, mức này cũng tương đương với doanh nghiệp thuộc ngành hóa chất.
Riêng lĩnh vực xi măng chiếm khoảng 14-15% trên giá vốn hàng bán, trừ những doanh nghiệp lớn có lò quay xi măng thì chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán.
Với doanh nghiệp sản xuất giấy, ước tính chi phí điện chiếm tỷ trọng thấp hơn một vài ngành khác, chiếm trung bình 4-5% trên chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.
Mirae Asset cho rằng nếu chi phí điện tăng thêm, doanh nghiệp không thể chuyển tiếp sang người tiêu dùng, ước tính, chi phí điện tăng 4,5% làm cho giá vốn hàng bán tăng thêm, thì tổng lợi nhuận trước thuế của từng ngành có thể giảm tối đa tương ứng là: LNTT ngành Thép giảm 23%, LNTT ngành Giấy giảm 2%, LNTT ngành Xi Măng giảm 21%, LNTT ngành Hóa Chất giảm 1%.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có thể chuyển chi phí điện tăng, bằng cách tăng giá bán cho người tiêu dùng thì có thể làm giảm ảnh hưởng việc gia tăng chi phí đầu vào.
Năm 2023, sản lượng điện thương phẩm thực hiện của EVN là 253,05 tỷ kWh; doanh thu bán điện thương phẩm năm 2023 là 494.359 tỷ đồng.
Như vậy, ước tính với sản lượng điện thương phẩm thực hiện tương đương năm 2023, với mức giá điện bán lẻ tăng 4,8%, doanh thu của EVN tăng thêm khoảng 23.700 tỷ đồng.
Ngọc Điệp
Bình luận (6)