Hãy là người đầu tiên thích bài này
Giá dầu có khả năng giảm sâu hơn do lo ngại kinh tế toàn cầu suy thoái

Giá dầu giảm khoảng 1% chiều 16/4 khi các chính sách thuế quan bất ổn của Mỹ khiến thị trường lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tác động đến tăng trưởng kinh tế và nhu cầu năng lượng toàn cầu.

Giàn khoan dầu tại Texas, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 66 xu Mỹ (tương đương 1,0%) xuống còn 64,01 USD/thùng vào lúc 13 giờ 30 phút (giờ Việt Nam), trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 69 xu Mỹ (tương đương 1,1%) xuống còn 60,64 USD/thùng. Cả hai loại dầu đều giảm 0,3% vào ngày 15/4.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng với tốc độ chậm nhất trong 5 năm vào năm 2025 và sản lượng dầu của Mỹ cũng sẽ giảm do chính sách thuế quan của nước này đối với các đối tác thương mại và các biện pháp trả đũa của họ.
Chuyên gia Yeap Jun Rong tại IG, cho biết, các nhà đầu tư đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm những yếu tố thúc đẩy thị trường phục hồi mạnh mẽ. Ông giải thích rằng tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ chậm lại, cùng với tác động tiêu cực của thuế quan Mỹ đang đe dọa nhu cầu dầu mỏ, gây thêm lo ngại cho thị trường. Ông Yeap nhận định rằng xu hướng giảm giá dầu vẫn chưa kết thúc. Sự lạc quan nhất thời về việc Mỹ dỡ bỏ thuế quan sẽ sớm tan biến khi thị trường phải đối diện với những dữ liệu kinh tế vĩ mô ảm đạm, khiến các nhà đầu tư quay trở lại tâm lý lo ngại.
Theo IEA, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm nay dự kiến sẽ tăng 730.000 thùng/ngày, giảm mạnh so với mức 1,03 triệu thùng/ngày mà cơ quan này dự báo vào tháng trước. Mức giảm này còn lớn hơn cả mức cắt giảm dự báo nhu cầu mà Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) công bố hôm 14/4.
Chuyên gia nghiên cứu hàng đầu Imad Al-Khayyat tại London Stock Exchange Group nhận định rằng tranh chấp thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu mỏ. Các cuộc đối đầu kéo dài mà không có dấu hiệu hòa giải không chỉ làm gia tăng nguy cơ suy thoái mà còn hạn chế đà tăng của giá dầu.
Giá dầu đã giảm khoảng 13% từ đầu tháng đến nay do chịu tác động kép từ nỗi lo chính sách thuế quan bất ổn của Mỹ và việc OPEC cùng các đối tác, hay còn gọi là OPEC+ tiếp tục tăng sản lượng. Sự bất ổn do căng thẳng thương mại đã khiến một số ngân hàng bao gồm UBS, BNP Paribas và HSBC đã hạ dự báo giá dầu thô.
Mỹ đã tăng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc lên mức cao trên 100%, khiến Trung Quốc áp thuế trả đũa đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Động thái này càng làm căng thẳng thương mại gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, điều mà các thị trường lo ngại sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái toàn cầu.
Trong khi đó dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng thêm 2,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 11/4, dự trữ xăng giảm 3 triệu thùng và dầu chưng cất giảm 3,2 triệu thùng, theo số liệu từ Viện Dầu khí Mỹ vừa công bố.

Vân Anh-Link gốc

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long