Dù chìm trong thua lỗ, song sự hấp dẫn của GGG lại đến từ nhóm chủ mới - Kita Group, một tập đoàn tư nhân mới nổi nhưng không thiếu tham vọng trên thị trường bất động sản trong nước.
Động lực nào cho sự tăng trưởng của cổ phiếu GGG? Ảnh minh họa: Trọng Hiếu.
Chốt phiên giao dịch 5/4, cổ phiếu GGG của CTCP Ô tô Giải Phóng tăng 12,2% lên 4.600 đồng/CP, với thanh khoản cao đột biến.
Trái ngược với diễn biến sideway của thị trường chứng khoán trong nước, chỉ sau 9 phiên giao dịch trên sàn UPCoM (cổ phiếu hạn chế giao dịch, chỉ giao dịch phiên thứ Sáu) từ đầu tháng 2/2024 đến nay, thị giá GGG đã tăng gấp 2,6 lần từ vùng giá 1.800 đồng/CP, là cổ phiếu có tốc độ tăng giá mạnh bậc nhất trên cả 3 sàn chứng khoán trong nước trong 2 tháng qua.
Tiền thân của GGG là Công ty Cơ điện Hà Giang, thuộc nhóm Công ty Long Giang, được thành lập vào năm 2001. Doanh nghiệp này là chủ đầu tư của nhà máy ô tô Giải Phóng với vốn điều lệ ban đầu 19 tỷ đồng. Ngày 3/10/2008, CTCP Cơ điện Hà Giang đổi tên thành CTCP Ô tô Giải Phóng.
Công ty sau đó thực hiện niêm yết lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với mã GGG vào năm 2009, nhưng đã bị hủy niêm yết do thua lỗ liên tiếp và chuyển sang giao dịch trên UPCoM từ năm 2014. Sau nhiều đợt tăng vốn, đến tháng 12/2023, GGG có vốn điều lệ gần 294 tỷ đồng.
Điểm nhấn trong quá trình hoạt động của GGG là năm 2021 với sự xuất hiện của một nhiều nhân tố mới với vai trò chủ nợ. Theo đó, các khoản vay ngân hàng trong năm này của GGG đã được bán nợ cho các tổ chức/cá nhân này, các tài sản thế chấp tại ngân hàng cũng đã được giải chấp.
Cụ thể, thuyết minh BCTC cho thấy Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã bán khoản nợ gồm cả gốc lẫn lãi là 116 tỷ đồng (nợ gốc: 40,2 tỷ đồng; nợ lãi: 75,8 tỷ đồng) cho ông Đàm Thận Mạnh. Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đã bán khoản nợ gốc lẫn lãi 36,1 tỷ đồng cho Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sài Gòn Thiên Phú. Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) bán khoản nợ cả gốc lẫn lãi 15,7 tỷ đồng cho ông Trần Tấn Hồng Cương.
GGG tăng gấp 2,6 lần trong 2 tháng qua. Đồ thị: VND
Tháng 11/2022, GGG đã phát hành thành công 19,7 triệu cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ của công ty cho 6 chủ nợ. Sau đợt phát hành, những chủ nợ này sở hữu đến 71,16% vốn GGG, gồm: Ông Nguyễn Cương – Chủ tịch HĐQT GGG (8,34%), ông Đàm Thận Mạnh (39,48%), ông Trần Tấn Hồng Cương (5,33%), Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sài Gòn Thiên Phú (12,3%), bà Nguyễn Thị Nga – vợ Chủ tịch HĐQT (3%), và ông Nguyễn Hà Đức (2,71%). Số cổ phần này bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.
Trong đó, ông Đàm Thận Mạnh là Người đại diện theo pháp luật của CTCP Kita Holding và CTCP Thương mại Đầu tư Bình Tân – các pháp nhân liên hệ đến Kita Group, còn ông Trần Tấn Hồng Cương là Phó Tổng Giám đốc Kita Group.
Cũng trong năm này, 2 nhà sáng lập KITA Group là ông Nguyễn Duy Kiên và bà Đặng Thị Thùy Trang đã trở thành Thành viên HĐQT GGG nhiệm kỳ 2022-2027. Tuy nhiên, bà Trang vào tháng 4/2023 đã có đơn từ nhiệm khỏi vị trí này.
Trong khi đó, ông Kiên vào tháng 7/2023 đã thực hiện mua vào 951.600 cổ phiếu, và trở thành cổ đông lớn sở hữu 6,59% vốn GGG.
Sự xuất hiện của nhóm Kita Group đã đem lại làn gió tích cực cho GGG. Điều này thể hiện qua việc tổng nợ phải trả tại ngày 31/12/2023 của GGG là hơn 78,5 tỷ đồng, giảm mạnh gần 69,2% so với cuối năm 2021.
Tuy vậy, với mảng kinh doanh chính tiếp tục chưa có tiến triển khởi sắc, công ty ghi nhận lỗ gộp năm 2023 là hơn 5,4 tỷ đồng, qua đó lỗ cả năm 2023 là hơn 15,7 tỷ đồng. Đây là năm thứ 13 công ty liên tục lỗ, từ đó đẩy lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2023 là hơn 326,3 tỷ đồng vượt quá vốn chủ sở hữu công ty (-31,63 tỷ đồng).
Ngoài ra, tại ngày 31/12/2023, nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn gần 31,3 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 11,2 tỷ đồng.
Công ty TNHH Kiểm toán Nhân Tâm Việt nhấn mạnh các yếu tố này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của công ty. Mặt khác, với việc âm vốn chủ sở hữu, cổ phiếu GGG đang nằm trong diện hạn chế giao dịch – chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần.
Những khoản vay lãi suất “cắt cổ” tại GGG
Dù dư nợ tại GGG đã có xu hướng giảm mạnh, song chiếm đến hơn một nửa tổng nợ tại công ty là những khoản vay có lãi suất rất cao. Tại ngày 31/12/2023, công ty nợ ông Nguyễn Kỳ Xuân hơn 6,5 tỷ đồng. Đây là khoản vay theo Hợp đồng số 1407 ký ngày 14/7/2022 và phụ lục gia hạn hợp đồng số 01 ngày 14/7/2023, với thời hạn cho vay 12 tháng, lãi suất 18%/năm.
Ngoài ra, đó còn là khoản nợ 10 tỷ đồng với ông Vương Văn Tường. Khoản vay này có kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 15%/năm. Mục đích vay sử dụng làm vốn kinh doanh. Khoản vay này được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất cùng tài sản thuộc nhà máy của GGG và 20 xe ô tô thuộc sở hữu công ty.
Đáng chú ý, còn có khoản vay dài hạn 24,5 tỷ đồng với ông Nguyễn Hà Đức – cổ đông lớn công ty, hợp đồng vay tiền có thời hạn 24 tháng với lãi suất lên đến 18%/năm.
Các cổ đông GGG tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 đã thông qua tờ trình tham gia đầu tư, góp vốn tại Dự án Đầu tư Xây dựng Khu nhà ở Hòa Lạc. Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy có 1 dự án cùng tên nằm tại huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội, quy mô 83.804m2, chủ đầu tư là CTCP Kinh doanh Phát triển Nhà và Đô thị Thành Tín. Người đại diện theo pháp luật là ông Trần Tấn Hồng Cương - một mắt xích của Kita Group và cổ đông lớn tại GGG như đã đề cập trong bài viết.
Huy Ngọc