Trong cơ cấu xuất khẩu gạo của Việt Nam, gạo chất lượng cao chiếm 60 - 70%. Gạo cao cấp có thương hiệu chiếm khoảng 15% và 10 – 15% là gạo cấp thấp.
Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới” tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 4.4.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Mỹ Ly
Năm 2024, ngành gạo Việt Nam đã tạo dấu ấn đặc biệt với sản lượng xuất khẩu trên 9 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 5,75 tỉ USD, giữ vững vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Đây là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng, mở ra kỳ vọng cho một năm mới tiếp tục gặt hái thành công.
Trong cơ cấu xuất khẩu gạo của Việt Nam, gạo chất lượng cao có tỉ trọng lớn, chiếm 60 - 70%. Gạo cao cấp có thương hiệu chiếm khoảng 15% và khoảng 10 - 15% là gạo cấp thấp.
Các chuyên gia thảo luận về chủ đề "Định vị hạt gạo Việt Nam trong kỷ nguyên mới". Ảnh: Mỹ Ly
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho biết, ngành hàng lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua đã đạt nhiều thành tựu to lớn, đóng góp 50% sản lượng lúa và hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu, là vùng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Bên cạnh những thuận lợi, sản xuất lúa cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 là cơ hội và giải pháp để tiếp tục thúc đẩy ngành hàng lúa gạo phát triển.
Bên cạnh thuận lợi, sản xuất lúa cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Ảnh: Mỹ Ly
Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) - cho biết, xuất khẩu gạo đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Từ khoảng 6,2 triệu tấn (năm 2020) lên hơn 9 triệu tấn (năm 2024). Ước tính tổng lượng gạo xuất khẩu trong quý I năm nay đạt khoảng 2,2 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2024. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đang có sự chuyển dịch tích cực, tăng tỉ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản và các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao.
Thị trường xuất khẩu của gạo Việt Nam ngày càng đa dạng, từ châu Á, châu Phi, Trung Đông, châu Âu, châu Mỹ đến châu Đại Dương. Trong đó, châu Á vẫn là thị trường trọng điểm, chiếm hơn 70% tổng lượng xuất khẩu.
Định hướng thị trường xuất khẩu trong những năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng và giá trị gạo, hướng tới việc giảm tỉ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình, tăng tỉ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản. Theo định hướng, dự kiến đến năm 2030, tỉ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình sẽ giảm xuống còn không quá 10%, trong khi tỉ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản sẽ tăng lên khoảng 45%.
Theo đó, VFA kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu, nghiên cứu phát triển giống lúa chất lượng cao và tăng cường xúc tiến thương mại. Bộ Tài chính xem xét và sớm đưa ra hướng dẫn cụ thể để xử lý việc hoàn thuế VAT. Bộ Công Thương cần tăng cường thông tin về xuất khẩu, điều chỉnh quản lý xuất nhập khẩu, nghiên cứu và đàm phán mở cửa thị trường.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, cần xem xét tăng cường các chính sách cho vay không có tài sản bảo đảm cho các doanh nghiệp kinh doanh gạo. UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quy hoạch, xây dựng vùng chuyên canh nguyên liệu, đánh giá thổ nhưỡng và thu hút đầu tư vào chế biến lúa gạo….
MỸ LY





