DXP đặt mục tiêu sản lượng nhựa đường đạt 56.700 tấn, lợi nhuận kinh doanh nhựa đường đạt 21,7 tỷ đồng, gấp 5 lần so với năm 2023, chiếm 25,52% Kế hoạch lợi nhuận của Công ty
CTCP Cảng Đoạn Xá (mã chứng khoán: DXP) thông báo chốt danh sách cổ đông để chi trả cổ tức bằng tiền mặt ngày 20/06/2024 và dự kiến chi trả ngày 05/07/2024.
Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên năm 2024, DXP đã chốt phương án chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 5% và cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 10%. Như vậy, DXP dự chi gần 30 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền và phát hành thêm gần 6 triệu cổ phiếu để chia thưởng cho cổ đông.
Theo Báo cáo tài chính Quý 1/2024, tại thời điểm cuối quý, DXP có khoảng 363 tỷ tiền và các khoản tương đương tiền, chiếm 40% tổng tài sản. Công ty không có nợ vay, không có dư nợ trái phiếu.
Một nội dung quan trọng được trình bày tại ĐHCĐ thường niên của DXP là thúc đẩy kinh doanh mảng nhựa đường.
Số liệu của Hãng nghiên cứu thị trường Mordorintelligence cho thấy, Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ thống trị thị trường về nhu cầu nhựa đường và có khả năng chứng kiến tốc độ CAGR cao nhất tới 2030. Các hoạt động xây dựng và sửa chữa đường ngày càng tăng cũng như nhu cầu ngày càng tăng về nhựa đường làm chất độn, chất kết dính và chất bịt kín từ các lĩnh vực xây dựng công trình thương mại và dân dụng sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường nhựa đường.
Tại Việt Nam, trong giai đoạn từ nay tới năm 2025, cả nước có nhiều công trình, dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được triển khai như các dự án thành phần còn lại thuộc Dự án Cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1, Dự án Cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, Dự án sân bay quốc tế Long Thành, Đường Vành đai 3 (Tp. HCM), Đường Vành đai 4 (Hà Nội)...
CTCK ABS đánh giá, giai đoạn từ 2024 sẽ là điểm rơi lợi nhuận mảng nhựa đường khi các dự án thành phần còn lại của Dự án Cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 và Dự án Cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 đi vào giai đoạn cuối, thúc đẩy nhu cầu nhựa đường tăng cao. Bên cạnh đó, còn nhiều dự án nâng cấp hạ tầng giao thông khác tại các tỉnh cũng sẽ được đẩy mạnh triển khai, giúp tăng nhu cầu nhựa đường thời gian tới.
Mảng nhựa đường có biên lợi nhuận gộp khá ổn định, dao động quanh 10-14%/năm, đồng thời được hưởng lợi từ đầu tư công.
Năm 2023 là năm đầu tiên đánh dấu DXP bước chân vào lĩnh vực kinh doanh nhựa đường. Nhờ "làn gió mới" này mà Kết quả kinh doanh của DXP đã đạt mức cao nhất lịch sử khi ghi nhận Doanh thu 410,6 tỷ đồng.
DXP đặt mục tiêu trong những năm tới bao gồm Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật tại các trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam như các tổng kho Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đồng Nai, Cần Thơ; Nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong mảng kinh doanh bản lẻ nhựa đường nhắm tới mục tiêu là doanh nghiệp top đầu bán lẻ nhựa đường trong vòng 5 năm tới tại thị trường Việt Nam; Xây dựng sản phẩm nhựa đường gắn liền với thương hiệu DXP trên cơ sở đầu tư về công nghệ và kỹ thuật. Ngoài sản phẩm nhựa đường đặc nóng 60/70, nghiên cứu phát triển các sản phẩm nhựa đường Polime cải tiến PMB1, PMB2, PMB3, nhũ tương các loại…
Nhập khẩu nhựa đường tại Cảng Đoạn Xá
Ngoài chuẩn bị nguồn lực tài chính cho chiến lược tham vọng này, DXP thu hút nhiều chuyên gia trong lĩnh vực. Ngày 31/05/2024, DXP đã bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thức – Kỹ sư xây dựng đường ô tô và sân bay vào vị trí Phó Tổng Giám đốc phụ trách riêng mảng nhựa đường. Ông Thức được đánh giá là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh nhựa đường, nhân tố quan trọng đặt nền móng cho định hướng mới của DXP.
DXP đặt mục tiêu sản lượng nhựa đường đạt 56.700 tấn, lợi nhuận kinh doanh nhựa đường đạt 21,7 tỷ đồng, gấp 5 lần so với năm 2023, chiếm 25,52% Kế hoạch lợi nhuận của Công ty (DXP đặt kế hoạch kinh doanh năm 2024 với doanh thu đạt 804 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 75 tỷ đồng, tăng lần lượt 87% về doanh thu và 7% về lợi nhuận trước thuế so với thực hiện năm 2023).
Linh Linh
Bình luận (4)