Bắt đầu từ 2021, ACBS được Ngân hàng ACB mạnh tay rót tiền để nâng vốn từ 1.500 tỷ đồng lên 7.000 tỷ đồng. Cùng với đó, doanh nghiệp tăng cường vay nợ ngắn hạn để tài trợ hoạt động kinh doanh.
Với nguồn vốn dồi dào từ ngân hàng mẹ và vay nợ, ACBS mạnh tay cấp margin. Nguồn: ACBS
ACB tiếp tục rót vốn mạnh vào ACBS
Ngân hàng TMCP Á Châu (mã: ACB) công bố Nghị quyết HĐQT ngày 21/10 thông qua việc tăng vốn điều lệ cho công ty con – Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) từ 7.000 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng.
Ngân hàng ACB thành lập ACBS vào năm 2000 với vốn điều lệ ban đầu 43 tỷ đồng, sở hữu 100% vốn. Đến năm 2009, ACBS được tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng qua 5 lần tăng vốn. Vào năm 2020, ACB từng có ý định chuyển nhượng vốn ACBS nhưng không tìm được đối tác phù hợp nên đã tự rót vốn phát triển.
Sau 12 năm, tức vào 2021, Ngân hàng ACB bắt đầu đầu tư thêm để tăng quy mô vốn điều lệ của ACBS gấp đôi lên 3.000 tỷ đồng. Sau đó, chỉ trong 1 năm, ACB đã rót thêm 4.000 tỷ đồng giúp ACBS tăng vốn lên 7.000 tỷ đồng. Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Ngân hàng ACB, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT cho biết vẫn để mở nếu có cơ hội hợp tác tốt trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong đợt tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng này, Ngân hàng ACB sẽ góp thêm chứ không tìm đối tác chiến lược.
Vào giữa năm 2022, ACBS có sự thay đổi nhân sự cao cấp khi ông Đỗ Minh Toàn được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐTV thay ông Nguyễn Đức Thái Hân (xuống làm Phó Chủ tịch HĐTV) và ông Nguyễn Đức Hoàn làm Tổng Giám đốc thay ông Trịnh Thanh Cần (giữ chức Tổng Giám đốc ACBS từ tháng 6/2015 – tháng 6/2022).
Ông Đỗ Minh Toàn là thành viên kỳ cựu và nhân sự chủ chốt của Ngân hàng ACB. Ông gia nhập Ngân hàng ACB từ 1995, đến 2012 lên làm Tổng Giám đốc và giữ vị trí trong 3 nhiệm kỳ (9 năm liền). Còn ông Hoàn từng giữ chức vụ quan trọng như Tổng Giám đốc và Thành viên HĐQT của Công ty cổ phần quỹ Tín Phát, Công ty Chứng khoán KB và Công ty cổ phần Chứng khoán HD.
Mạnh tay cấp margin
Với những thay đổi đó, hoạt động kinh doanh của ACB có sự thay đổi mạnh. Giai đoạn trước, ACBS chỉ hoạt động ở mức duy trì, quy mô tổng tài sản gần như đi ngang và ít dùng đến vay nợ để kinh doanh. Tuy nhiên, đến 2021 - 2022, doanh nghiệp bắt đầu tăng cường vay nợ ngắn hạn và năm 2023 – 2024 bùng nổ.
BCTC hợp nhất quý III cho thấy quy mô tổng tài sản của ACBS đã gấp đôi so với đầu năm 2024 và gấp 4 lần so với đầu năm 2023 lên 22.622 tỷ đồng. Bên cạnh được ngân hàng mẹ rót thêm tiền thì công ty tăng cường vay nợ ngắn hạn từ 1.343 tỷ đồng đầu năm 2023 lên 5.922 tỷ đồng đầu năm 2024 và lên 13.263 tỷ đồng tính đến 30/9, lãi vay phổ biến dao động từ 3% đến 5%. Chủ nợ lớn nhất của ACBS là BIDV với số dư vào cuối kỳ 6.620 tỷ đồng, lãi suất 3,1% đến 5,2%; Eximbank là 1.780 tỷ đồng lãi 4,2% đến 4,7%.
ACBS định hướng tập trung vào 3 mảng gồm dịch vụ chứng khoán, tự doanh chứng khoán và tư vấn tài chính doanh nghiệp; trong đó, mảng dịch vụ chứng khoán bao gồm hoạt động cho vay ký quỹ, môi giới là hoạt động cốt lõi. Ban lãnh đạo ACBS cho biết sẽ tập trung nguồn lực cho mảng kinh doanh này bởi đây được xem là hoạt động tạo ra doanh thu ổn định, bền vững. Theo đó, doanh nghiệp đầu tư mạnh cho công nghệ, tăng dư nợ cho vay tối đa với một khách hàng, tăng giới hạn vay tối đa với một cổ phiếu để thu hút nhà đầu tư. Công ty kỳ vọng giải pháp này giúp gia tăng nhanh chóng quy mô về dư nợ và thị phần giao dịch.
Năm 2023, thị phần môi giới của công ty đạt bình quân 2,33% cả năm, tăng 0,12% so với bình quân cả năm 2022. Doanh nghiệp từng là cái tên quen mặt nhưng vào năm 2019 đã bị loại khỏi tốp 10 thị phần môi giới cổ phiếu trong bối cảnh số lượng nhà đầu tư cá nhân bùng nổ và sự nổi lên của VPS, TCBS. Trong 9 tháng đầu năm nay, ACBS vẫn chưa thể trở lại tốp 10 thị phần môi giới cổ phiếu.
Quy mô cho vay ký quỹ của công ty trong 9 tháng qua đã tăng hơn 3.000 tỷ đồng lên 7.609 tỷ đồng (chiếm 1/3 tổng tài sản), nếu so với năm 2022 thì gấp 3,8 lần. Công ty mang 1/3 tổng tài sản đi đầu tư và 1/3 còn lại giữ ở dạng tương đương tiền tại ngày 30/9.
Danh mục đầu tư của ACBS có đến 5.209 tỷ đồng là dưới dạng khoản đầu tư giữ đến ngày đáo hạn, vào cuối quý II con số này lên đến 9.861 tỷ đồng. Lãnh đạo ACBS cho biết đó là khoản tiền gửi tại các tổ chức tài chính có bậc tín nhiệm cao. Công ty đầu tư 600 tỷ vào trái phiếu và gần 2.000 tỷ đầu tư cổ phiếu (doanh nghiệp không thuyết minh rõ doanh mục đầu tư).
Về hiệu quả, 9 tháng, công ty ghi nhận doanh thu 1.886 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lãi từ tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đóng góp lớn nhất 833 tỷ đồng, tăng 45%; lãi từ khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn hơn gấp đôi lên 287 tỷ đồng; lãi cho vay cũng gấp đôi lên 463 tỷ và doanh thu môi giới tăng 29% lên 295 tỷ đồng. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế tăng 68% lên 546 tỷ đồng.