Là doanh nghiệp địa ốc có tiếng, nhưng quý 1/2025, Đạt Phương tiếp tục trắng doanh thu bất động sản, dù hàng tồn kho đã chất đống nghìn tỷ đồng.
Bất động sản Đạt Phương tiếp tục "chờ đợi"
Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2025, Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương (DPG) doanh thu thuần 528 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp chủ yếu trong kết quả khả quan này là từ mảng xây dựng và bán điện. Trong khi đó, mảng bất động sản tiếp tục chưa ghi nhận doanh thu trong kỳ này.
Mảng bất động sản là một trong 5 mảng kinh doanh cốt lõi của Đạt Phương, bên cạnh xây dựng, năng lượng, dịch vụ khách sạn nghỉ dưỡng, sản xuất kính hoa siêu trắng.
Tuy nhiên, mảng bất động sản của công ty đã không mang về doanh thu từ năm 2024. Theo lãnh đạo Đạt Phương, nguyên nhân do công ty vướng thủ tục định giá đất nên không đủ điều kiện bán hàng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, sẽ hoàn thành định giá và hoàn tất điều kiện bán hàng đối với dự án nhà Cồn Tiến trong quý 2. Lãnh đạo công ty cho rằng doanh thu từ dự án này sẽ ghi nhận trong giai đoạn 2026 - 2027 do phải bàn giao cho khách hàng mới ghi nhận doanh thu.
Số liệu: Báo cáo tài chính các năm do Đạt Phương công bố
Cũng trong Đại hội, năm 2025, công ty con Đạt Phương Hội An (chuyên trách mảng bất động sản của tập đoàn) đặt mục tiêu doanh thu 619 tỷ đồng và lãi sau thuế khoảng 53 tỷ đồng - một con số đầy thách thức khi quý đầu năm vẫn "trắng".
Bên cạnh Cồn Tiến, Đạt Phương cũng đang xúc tiến triển khai lại dự án Khu nghỉ dưỡng Bình Dương tại huyện Thăng Bình, Quảng Nam, dự kiến sẽ được bàn giao lại cho công ty trong tháng 5 - 6 tới mà không cần đấu thầu lại.
Hiện nay, DPG đang tập trung vào 5 lĩnh vực cốt lõi là xây dựng, năng lượng, bất động sản, dịch vụ khách sạn nghỉ dưỡng, sản xuất kính hoa siêu trắng.
Quay trở lại kết quả kinh doanh biên lợi nhuận gộp quý 1 của Đạt Phương ghi nhận đi ngang so với cùng kỳ. Trong kỳ, doanh nghiệp này có thêm 3 tỷ đồng doanh thu tài chính, chủ yếu là lãi tiền gửi. Các khoản chi phí biến động không đồng nhất, chẳng hạn như: Chi phí tài chính ghi nhận giảm từ 29,4 tỷ xuống 28 tỷ đồng nhưng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp lại đều ghi nhận tăng, lần lượt lên 793 triệu đồng và 21,4 tỷ đồng.
Cuối cùng, doanh nghiệp báo lãi sau thuế tăng 29% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 100 tỷ đồng.
Năm 2025, Đạt Phương lên kế hoạch doanh thu hợp nhất 4.755,5 tỷ đồng và lãi sau thuế 377 tỷ đồng. Như vậy sau quý đầu năm, doanh nghiệp đã lần lượt thực hiện được 11% và 26,5% mục tiêu đề ra.
Ảnh chụp màn hình: FireAnt
Tồn kho bất động sản lên đến nghìn tỷ đồng
Tại thời điểm 31/3/2025, tổng tài sản của Đạt Phương đạt 6.301 tỷ đồng, gần như không biến động so với đầu năm. Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là lượng hàng tồn kho của công ty ở mức 1.355 tỷ đồng. Trong đó, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang bất động sản chiếm tới 945 tỷ đồng. Khoản mục này phản ánh giá trị các dự án bất động sản đang trong quá trình phát triển nhưng chưa đủ điều kiện bàn giao và ghi nhận doanh thu.
Cùng với đó là chi phí dở dang dài hạn còn ghi nhận 494 tỷ đồng, phần lớn là chi phí phát triển tại các khu đô thị và dự án khách sạn Đồng Nà.
Ở phía nguồn vốn, tổng nợ phải trả ghi nhận 3.602 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay tài chính chiếm hơn 65% với 2.364 tỷ đồng. Đây là các khoản vay tại ngân hàng BIDV, VietinBank, Vietcombank,...
Điểm sáng tới từ việc vốn chủ sở hữu tăng 3,3% lên 2.698 tỷ đồng. Tuy nhiên, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của DPG ở mức 1,3 lần, tương ứng tài sản của doanh nghiệp này được tài trợ chủ yếu bởi các khoản nợ.
Phải mượn tài sản thành viên HĐQT để vay vốn nhưng Đạt Phương vẫn mạnh tay chi thù lao
Dữ liệu trong thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, từ nhiều năm nay Công ty Đạt Phương phải "mượn" tài sản của cổ đông (lãnh đạo Công ty) để vay vốn từ ngân hàng và phát hành trái phiếu.
Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2025 của Đạt Phương. Ảnh chụp màn hình
Cụ thể, ông Lương Minh Tuấn (Chủ tịch Đạt Phương) và ông Phạm Kim Châu (Phó Chủ tịch Đạt Phương) đã dùng quyền sử dụng đất thuộc sở hữu của mình để đảm bảo cho khoản vay của Công ty tại BIDV với số nợ gốc tối đa hơn 7,7 tỷ đồng.
Hay ông Lương Minh Tuấn, ông Trần Anh Tuấn và ông Phạm Kim Châu cũng dùng cổ phần của Công ty thuộc sở hữu của mình để làm tài sản đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu.
Phí mượn tài sản đảm bảo của ông Lương Minh Tuấn trong 3 tháng đầu năm 2025 là hơn 11 triệu đồng, của ông Phạm Kim Châu là gần 29 triệu đồng và bà Lương Thị Lan - bên liên quan của Hội đồng quản trị là hơn 9,6 triệu đồng.
Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2025 của Đạt Phương. Ảnh chụp màn hình
Một điều đáng lưu ý nữa, dù tình hình nợ vay không mấy khả quan nhưng mức chi trả thù lao cho lãnh đạo của Đạt Phương vẫn khá hậu hĩnh. Tổng mức chi trả thù lao cho dàn lãnh đạo Công ty trong 3 tháng đầu năm 2025 đạt hơn 3,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2024, mức tổng chi là hơn 3,3 tỷ đồng.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, ông Lương Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT có mức thù lao là 623,3 triệu đồng (tăng 43% so với cùng kỳ), ông Phạm Kim Châu Phó Chủ tịch/Phó Tổng Giám đốc có tổng thù lao đạt hơn 295,5 triệu đồng; ông Trần Anh Tuấn, Tổng Giám đốc thù lao ở mức hơn 461,4 triệu đồng, ông Đỗ Xuân Diện có thù lao 182 triệu đồng, Hoàng Gia Chiếu, Phó TGĐ gần 267 triệu đồng,...
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DPG đang giao dịch ở vùng giá 50.800 đồng/đơn vị, sụt giảm gần 17% so với đỉnh hồi giữa tháng 6/2024 (60.900 đồng/đơn vị).
Diễn biến cổ phiếu DPG của Đạt Phương. Ảnh: FireAnt
Bình luận (6)





