Công ty CP Thủy điện Đạt Phương Sơn Trà đã xây dựng 64 trụ điện 110kV trái phép. Sau 7 năm, các trụ điện này chưa được cơ quan có thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng, giao và cho thuê đất trong khi nhiều cuộc họp được tổ chức để bàn hướng xử lý mà vẫn bế tắc.
Dù đã đưa nhà máy vào vận hành được 7 năm, nhưng 64 trụ điện 110kV của Công ty CP thủy điện Đạt Phương Sơn Trà vẫn chưa được cấp có thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng, giao và cho thuê đất. Ảnh: Viên Nguyễn
Lúng túng xử lý
Khi các nhà báo đặt câu hỏi liên quan đến 64 trụ điện cao thế mà Công ty Đạt Phương Sơn Trà xây dựng trái phép trên địa bàn hai huyện Sơn Hà và Sơn Tây (Quảng Ngãi) vì không có trong chủ trương đầu tư và quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, chưa được giao đất.
Ông Trần Hoàng Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu lãnh đạo Sở KHĐT, Sở TNMT, Sở Công Thương, UBND huyện Sơn Hà trả lời các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, mỗi Sở có một quan điểm khác nhau, chưa có sự đồng thuận trong việc xử lý, bởi Công ty CP Thủy điện Đạt Phương Sơn Trà đã đưa vụ việc vào thế “ván đã đóng thuyền” khi hệ thống điện đã thi công xong và hoạt động suốt 7 năm, còn thủ tục đất đai chưa hoàn thiện, khiến các cơ quan chức năng lúng túng trong việc tháo gỡ những rắc rối do doanh nghiệp này để lại.
Mỗi sở một quan điểm, nên ông Trần Hoàng Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi - giao Sở Công Thương, UBND huyện Sơn Hà phối hợp với các sở, ngành liên quan, làm việc với Công ty CP Thủy điện Đạt Phương Sơn Trà để làm rõ và nêu hướng tháo gỡ, không thể kéo dài sự việc.
Theo nguồn tin của phóng viên Báo Lao Động, năm 2014, Công ty CP 30.4 Quảng Ngãi xây dựng hai nhà máy Thủy điện Sơn Trà 1A và 1B. Cuối năm 2018, cả hai nhà máy đồng loạt phát điện và hòa lưới. Cuối năm 2021, Nhà máy Thủy điện Sơn Trà 1C cũng chính thức được hòa lưới điện quốc gia. Cụm nhà máy có tổng công suất 69MW, tổng mức đầu tư gần 2.500 tỉ đồng.
Để truyền tải lượng điện tạo ra từ ba nhà máy trên, năm 2016, doanh nghiệp tiến hành nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người dân và xây dựng 64 trụ điện 110kV, với tổng chiều dài 25km, đưa điện từ tổ hợp thủy điện xuống Trạm biến áp 220kV Sơn Hà. Giữa năm 2022, Công ty CP 30.4 Quảng Ngãi được đổi tên thành Công ty CP Thủy điện Đạt Phương Sơn Trà để tiếp tục quản lý, vận hành các nhà máy.
Tuy nhiên, sau 7 năm hoạt động, tất cả các vị trí đất móng trụ mà doanh nghiệp đã xây dựng hoàn thiện 64 trụ điện nói trên vẫn chưa được cấp có thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng, giao và cho thuê đất.
Công ty Cổ phần Thủy điện Đạt Phương Sơn Trà ngang nhiên xây dựng 64 trụ điện trái phép trên địa bàn 2 huyện Sơn Hà và Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Viên Nguyễn
Tiếp tục họp để tháo gỡ
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Võ Văn Rân - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi - cho hay, khi Công ty CP Thủy điện Đạt Phương Sơn Trà thi công hệ thống điện kể trên, cơ quan chức năng đã để cho chủ đầu tư vừa thi công vừa hoàn thiện hồ sơ pháp lý. Tuy nhiên, công ty thi công xong thì lo vận hành khai thác, còn thủ tục pháp lý thì chưa hoàn thiện.
Bên cạnh đó, khi công ty thi công 64 trụ điện, các cơ quan chuyên môn thiếu kiểm tra về tất cả hồ sơ pháp lý có liên quan đến dự án điện của công ty.
“Nếu ngay từ đầu đi kiểm tra, phát hiện thiếu sót và có văn bản đề xuất tỉnh chỉ đạo xử lý quyết liệt thì đã ổn. Giờ phải lật ra xử lý lại rất mất thời gian. Trách nhiệm chính vẫn thuộc huyện Sơn Hà đã thiếu đôn đốc, nhắc nhở” - ông Rân bộc bạch.
Cũng theo ông Rân, việc bàn phương án tháo gỡ các thủ tục đất đai liên quan đến Công ty CP Thủy điện Đạt Phương Sơn Trà rất rắc rối do Sở KHĐT và Sở TNMT chưa có sự đồng thuận. Tỉnh đã họp 5, 6 lần rồi nhưng chưa xử lý xong. Dự kiến tháng 11.2024, UBND tỉnh sẽ họp tiếp để giải quyết.
Đại diện Sở TNMT tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Khi chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý mà đã tiến hành xây dựng hàng loạt trụ điện là không đúng. Hiện Sở KHĐT không đồng ý điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án Thủy điện Sơn Trà 1 vì đã xây dựng hoàn thành và phát điện hòa lưới từ lâu, bởi không có sự đồng thuận giữa các sở, ngành".
Đại diện Sở TNMT tỉnh cũng thẳng thắn: “Chủ đầu tư thi công xong, Sở TNMT làm thủ tục giao đất làm gì nữa. Chủ đầu tư xây dựng trái phép trên đất không đúng mục đích thì xử phạt, yêu cầu tháo dỡ, phục hồi nguyên trạng… rồi tính tiếp”.
Cũng theo đại diện Sở TNMT, chỉ cần Sở KHĐT và Sở Công Thương bổ sung hạng mục đường dây vào quyết định chủ trương đầu tư dự án, khi đó Sở TNMT sẽ hướng dẫn UBND huyện cập nhật vào quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, từ đây làm cơ sở hoàn tất các thủ tục pháp lý về đất đai đối với 64 trụ điện trên.
Viên Nguyễn
Bình luận (19)