Nhờ linh hoạt khai thác đơn hàng khó, phức tạp, đáp ứng những yêu cầu trong mùa cao điểm…đã giúp không ít doanh nghiệp dệt may và đồ gỗ có được đà tăng trưởng tốt về doanh thu và lợi nhuận. Từ đó tạo thêm động lực để họ tiếp tục thích ứng với bối cảnh mới còn nhiều thách thức trong năm 2025 sắp tới.
Báo cáo phát hành vào thượng tuần tháng 12/2024 từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán ABS cho biết CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (một doanh nghiệp nội địa trong ngành dệt may) đã ghi nhận quý thứ 2 liên tiếp có mức lợi nhuận tăng trưởng hơn 54%.
Thu hút đơn hàng khó với giá trị cao hơn
Theo ABS, phía TNG có được lợi nhuận đạt mức tăng trưởng ấn tượng là nhờ doanh thu tăng mạnh vào mùa cao điểm và các đơn hàng tại thị trường Mỹ và EU phục hồi (chiếm 80% doanh thu). Doanh nghiệp (DN) đã tập trung vào khai thác đơn hàng khó, phức tạp cũng như mở rộng vào các thị trường xuất khẩu (XK) mới.
Nhìn về triển vọng lợi nhuận cho TNG vào năm 2025 sắp tới, chuyên gia phân tích của ABS cho rằng dự kiến sẽ cải thiện so với năm 2024 nhờ vào lượng đơn hàng dự kiến gia tăng từ cả tệp khách hàng cũ và mới.
Đại diện của Decathlon (nhà bán lẻ đồ thể thao hàng đầu thế giới) dành sự quan tâm và đặt hàng với những DN dệt may Việt đáp ứng được yêu cầu khắt khe mà họ đặt ra cho đơn hàng.
Hiện tại, lượng đơn hàng của TNG được lấp đầy đến quý 1/2025 nhờ lượng đơn hàng gia tăng từ các tập khách hàng quen thuộc như Decathlon, Asmara, Haddad, Sportmaster do mức tồn kho tại thị trường Mỹ (chiếm gần 50% thị trường XK của TNG) duy trì ở mức thấp trong khi doanh số bán lẻ quần áo hồi phục trở lại. Và dự kiến công ty sẽ tiếp tục đàm phán để kiếm đơn hàng cho đến quý 2/2025.
Đối với đơn hàng FOB, phía TNG có lợi thế khi đáp ứng được các yếu tố về ESG (Môi trường - xã hội - quản trị) và quy mô hoạt động với quy trình sản xuất được cải tiến. Nhờ đó giúp thu hút đơn hàng khó với giá trị cao hơn, làm cải thiện biên lợi nhuận của công ty.
Hoặc như tình hình kinh doanh của CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) đang được ghi nhận tiếp tục khởi sắc nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của lượng đơn hàng từ thị trường châu Á, đặc biệt là động lực từ đơn hàng của tập đoàn E Land (Hàn Quốc).
Thời gian gần đây TCM đẩy mạnh đơn hàng đến Hàn Quốc, nhất là nguồn đơn hàng từ Tập đoàn E-Land với 10 triệu sản phẩm may trong năm nay (cao gấp đôi so với năm 2023). Bên cạnh việc phát triển dòng khách hàng mới, để đáp ứng đơn hàng, DN này đang thay đổi các mặt hàng cơ bản sang mặt hàng giá trị gia tăng, phát triển mặt hàng bằng các công nghệ mới.
Báo cáo cập nhật vào cuối tháng 11/2024 của Công ty chứng khoán DSC cho rằng doanh thu từ hoạt động XK của TCM tăng mạnh khi nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thời trang phục hồi, giúp cho kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực.
Trong cơ cấu doanh thu của TCM thì thị trường châu Á ghi nhận sự phục hồi ấn tượng, đóng góp 68% tổng doanh thu XK, tăng từ mức 64% cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này chủ yếu đến từ sự phục hồi của hai thị trường trọng điểm là Hàn Quốc và Nhật Bản. DSC đánh giá kết quả kinh doanh của TCM đang phục hồi ấn tượng hơn dự kiến. Đơn hàng tăng vọt khiến cho hàng tồn kho của DN này giảm mạnh.
Với ngành dệt may, việc linh hoạt khai thác đơn hàng khó, đơn hàng lớn như hai DN nội địa nêu trên là rất đáng khích lệ. Qua đó vừa giúp mang lại tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận cho bản thân DN và vừa góp phần giúp XK dệt may có thể tự tin cán đích 44 tỷ USD trong năm 2024 này.
Tuy vậy, trước xu hướng XK xanh như hiện nay đòi hỏi các DN dệt may của Việt Nam đáp ứng những đơn hàng khó ở những thị trường chủ lực với các yêu cầu và quy định về phát triển bền vững. Chính vì vậy, chuyên gia Lê Thành Kính và Hà Công Anh Bảo – các trọng tài viên của Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (Viac), khuyến nghị các DN cần phải hiểu luật khi tham gia vào thị trường quốc tế và cần phải tuân thủ các quy định để đáp ứng tốt những yêu cầu mà các thị trường nhập khẩu đã đưa ra.
Đáp ứng những yêu cầu “khó nhằn”
Còn với hoạt động XK của ngành đồ gỗ đang hướng tới có thể mang về 15,5 - 16 tỷ USD cho năm 2024 này với khả năng tăng trưởng 15 - 17%. Sự phục hồi tích cực của thị trường đã thúc đẩy XK đồ gỗ tăng trưởng đáng kể trong 11 tháng của năm nay với kim ngạch ước đạt hơn 14,6 tỷ USD.
Điều này cũng nhờ DN chế biến gỗ đã nỗ lực, chủ động trong việc sản xuất, tìm kiếm thị trường XK và biết cách khai thác đơn hàng khó. Đơn cử như CTCP gỗ Đức Thành gần đây có một đơn hàng lớn lên tới 1 triệu USD với một đối tác lâu năm ở Pháp. Trong đó, yêu cầu “khó nhằn” nhất chính là một phần của đơn hàng trị giá khoảng 250.000 USD phải được giao gấp chỉ trong vòng 3 tuần giữa mùa cao điểm cuối năm.
Và dù cho khối lượng công việc khổng lồ vào mùa cao điểm với nhiều đối tác lớn, phía công ty này cam kết tất cả các đơn hàng đều sẽ được hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng. Qua đó giúp DN tăng trưởng ổn định nhờ chiến lược linh hoạt.
Hoặc như các DN đồ gỗ ở tỉnh Bình Dương cũng ghi nhận tăng trưởng tốt trong các tháng cuối năm này nhờ đáp ứng được những đơn hàng khó. Hiện nay, nhiều DN đã có đơn hàng XK đến quý 3/2025. Tuy vậy, những thách thức mà họ còn đối mặt chính là các hàng rào kỹ thuật mới, các biện pháp phòng vệ thương mại từ các thị trường XK chủ lực như Mỹ, EU.
Hiện tại, để tăng trưởng tốt thì các DN đồ gỗ cũng phải thích ứng với những yêu cầu mới từ thị trường nhập khẩu. Do đó, vào ngày 6/12, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam sẽ quy tụ các DN thành viên tại Hà Nội cùng các bộ ngành liên quan để thảo luận về vấn đề ngành gỗ Việt Nam trước thay đổi của thị trường XK.
Đặc biệt là bàn về tác động tới ngành gỗ Việt Nam do các thay đổi sắp tới tại thị trường Mỹ, từ đó đưa ra kiến nghị với cơ quan quản lý nhằm giúp DN trong ngành thích ứng với bối cảnh mới.
Đáng chú ý khi Mỹ là thị trường XK quan trọng nhất của ngành gỗ Việt Nam (chiếm hơn 50% tổng kim ngạch XK gỗ) – có thể có những thay đổi rất lớn trong thời gian tới. Những thay đổi này có thể được tạo ra do chính sách thuế mới được Chính phủ Mỹ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này trong tương lai, mức thuế dự kiến sẽ đưa ra là 60% đối với tất cả các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và 15-20% đối với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia khác.
Chính vì thế, vấn đặt ra với các DN ngành đồ gỗ là liệu họ có thể được hưởng lợi từ mức thuế cao của Mỹ áp dụng đối với các hàng hóa từ Trung Quốc, nhưng cũng có thể chịu các tác động tiêu cực? Ngoài ra, DN đồ gỗ phải chuẩn bị như thế nào trong bối cảnh thị trường sẽ có những biến động lớn trong thời gian tới?
Ngoài ra, như chia sẻ của ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Quy định chống phá rừng (EUDR) sẽ bắt đầu thực thi vào tháng 1/2025. Cho nên các DN phải có hệ thống trách nhiệm giải trình (DDS) để đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của EUDR.
Tin rằng, với động lực từ việc khai thác hiệu quả đơn hàng khó sẽ giúp cho các DN dệt may và đồ gỗ tiếp tục thích ứng với bối cảnh mới trong năm 2025 sắp tới để có được đà tăng trưởng tốt về doanh thu và lợi nhuận.
Bình luận (5)