Xây dựng thương hiệu quốc gia là quá trình lâu dài, đòi hỏi đầu tư bài bản và tầm nhìn chiến lược. Do đó, Việt Nam đang tăng cường đầu tư cho đổi mới sáng tạo, cùng với sự nỗ lực xây dựng và phát triển thương hiệu của cộng đồng DN nhằm nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Nỗ lực đổi mới sáng tạo, vươn tầm quốc tế
Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, thương hiệu không chỉ là công cụ marketing mà đã trở thành yếu tố chiến lược quyết định vị thế của DN và năng lực cạnh tranh quốc gia. Thời gian qua, nhiều DN trong nước đã nỗ lực để duy trì và phát triển thương hiệu một cách mạnh mẽ.
Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2024. Ảnh: Vietnam Brand
Tổng Giám đốc Công ty CP MISA Lê Hồng Quang chia sẻ, MISA luôn chủ động tiếp cận các xu hướng công nghệ mới, tích cực đổi mới mô hình kinh doanh và học hỏi thực tiễn từ thị trường. Cùng với đó, DN đã xây dựng các cơ chế đánh giá và bộ chỉ số nội bộ nhằm hỗ trợ đội ngũ cán bộ kỹ thuật và nhân sự công nghệ có thể chủ động quản lý hiệu quả năng lực đổi mới sáng tạo của chính mình. Nếu trước kia mô hình sản xuất chủ yếu dựa vào điện lực và tài nguyên, thì ngày nay, công nghệ số và sáng tạo cá nhân là nền tảng then chốt. Đây chính là điểm chuyển biến căn bản về tư duy và hành động.
Đáng chú ý, nhiều DN Việt Nam có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia đã khẳng định vai trò tiên phong hướng tới kỷ nguyên xanh. Đơn cử như VinFast không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng phương tiện bền vững mà còn giúp người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận các giải pháp giao thông xanh theo tiêu chuẩn quốc tế.
Hay TH True Milk đã xây dựng hệ thống trang trại theo tiêu chuẩn hữu cơ với quy trình chăn nuôi bò sữa không sử dụng kháng sinh và hormone tăng trưởng, áp dụng công nghệ xử lý chất thải để tạo ra phân bón hữu cơ. Qua đó, giúp bảo vệ môi trường và giảm ô nhiễm, sử dụng năng lượng tái tạo từ các hệ thống điện mặt trời để giảm năng lượng tiêu thụ từ nguồn điện thông thường.
Gian hàng của TH True Milk bên lề Lễ công bố sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, lần thứ 9, năm 2024. Ảnh: Đức Duy
Song hành hỗ trợ DN trong quá trình xây dựng thương hiệu không thể không nhắc tới vai trò của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Chính phủ phê duyệt từ năm 2003 và giao Bộ Công Thương chủ trì, là chương trình xúc tiến thương mại duy nhất ở cấp quốc gia. Với ba giá trị cốt lõi: Chất lượng – Đổi mới sáng tạo – Năng lực tiên phong. Chương trình đã đồng hành cùng DN xây dựng thương hiệu mạnh, khẳng định uy tín hàng hóa Việt trên thị trường toàn cầu.
Đặc biệt, trong giai đoạn Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế số – tiêu dùng xanh – công nghệ xanh, thương hiệu quốc gia như một đòn bẩy chiến lược giúp DN vươn xa và khác biệt trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. Trong đó, đổi mới sáng tạo là chìa khóa của tăng trưởng bền vững, là nền tảng để DN Việt tạo ra giá trị vượt trội và nâng tầm vị thế quốc gia.
Tận dụng công nghệ, nâng cao năng lực canh tranh
Giới chuyên gia nhận định, cộng đồng DN giữ vai trò then chốt, không chỉ trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà còn ở khả năng khẳng định bản sắc, uy tín và năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Thực tế, thị trường quốc tế đang ngày càng biết đến Việt Nam nhiều hơn, đặc biệt thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức bài bản và có chiều sâu. Việt Nam hiện đang sở hữu lực lượng DN sáng tạo, có khả năng tự lực vươn lên, nhưng để phát triển mạnh mẽ hơn rất cần một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo có trọng tâm và ưu tiên rõ ràng.
Sản xuất ô tô điện tại nhà máy VinFast. Ảnh minh họa
Theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, hiện nay, Việt Nam đang ở giai đoạn cần phát triển các DN tầm cỡ, có tính dẫn dắt, lan tỏa và hình ảnh trên trường quốc tế là rất quan trọng.
Về việc xây dựng thương hiệu, năng lực cạnh tranh, logo, khẩu hiệu, hoạt động quảng bá… chưa phải những yếu tố quyết định. Thương hiệu là quá khứ, là hiện tại, là tương lai; thương hiệu phải thể hiện được tầm nhìn, sứ mệnh của DN, phải có câu chuyện về DN, câu chuyện về công nghệ, quá trình sản xuất kinh doanh, trách nhiệm môi trường, trách nhiệm xã hội được kể bằng sự chân thành, trung thực, gắn với xu thế.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh cho rằng, để thành công trong xây dựng thương hiệu yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là ý chí và quyết tâm của lãnh đạo DN. Khi người đứng đầu có nhận thức đúng và cam kết mạnh mẽ, toàn bộ tổ chức mới có thể vận hành theo chiến lược thương hiệu.
Yếu tố thứ hai là tư duy lựa chọn con đường phù hợp với điều kiện thực tế của từng DN. Không có công thức chung, nhưng mỗi DN cần tìm ra “chìa khóa riêng” của mình để giải bài toán thương hiệu. Việc học hỏi kinh nghiệm là cần thiết, song quan trọng hơn là sáng tạo ra con đường phù hợp với chính mình.
Trong kỷ nguyên số, các DN cần tận dụng tối đa công nghệ để đưa thương hiệu đến gần hơn với khách hàng trong và ngoài nước. Có sản phẩm tốt là chưa đủ, quy trình cung ứng, dịch vụ khách hàng, giao tiếp thương hiệu và trách nhiệm xã hội cũng cần được đầu tư tương xứng. Đặc biệt, khách hàng chính là người nắm quyền đánh giá sự thành công của thương hiệu. Vì vậy, triết lý thấu hiểu khách hàng, đồng hành cùng khách hàng phải trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động xây dựng thương hiệu.
Theo đánh giá của Brand Finance (tổ chức định giá Thương hiệu quốc gia có trụ sở tại Anh), Việt Nam không chỉ lọt vào Top 100 quốc gia có thương hiệu mạnh, mà còn là quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2019 - 2022. Giá trị thương hiệu của Việt Nam năm 2024 được xếp thứ 32/193 quốc gia được đánh giá, đạt 507 tỷ USD, tăng 1 bậc về thứ hạng và tăng 2% về giá trị so với năm 2023.
Ánh Ngọc





