Các quốc gia Đông Nam Á, bị ảnh hưởng nặng nề bởi các mức thuế quan đối ứng quy mô lớn được chính quyền Trump công bố vào 2/4. Tuy nhiên, theo giới phân tích, có nhiều dấu hiệu cho thấy những con số về thuế quan đối ứng thực chất đã bị thổi phồng, hoặc thậm chí được tạo ra một cách tùy tiện.
Mức thuế quan bị thổi phồng?
Quyết định áp thuế quan đối ứng được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố tại Nhà Trắng vào tối thứ Tư ngay lập tức giáng một đòn mạnh mẽ lên nhiều quốc gia.
“Việc áp thuế quan đối ứng là trọng tâm trong kế hoạch của Tổng thống Trump nhằm đảo ngược những thiệt hại kinh tế do Tổng thống Biden để lại và đưa nước Mỹ vào con đường dẫn đến một kỷ nguyên hoàng kim mới”, trích tuyên bố của Nhà Trắng.
Theo danh sách thuế quan do Nhà Trắng công bố, bao gồm cả mức thuế cơ bản 10%, ba quốc gia Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nhất là Campuchia (49%), Lào (48%) và Việt Nam (46%).
Myanmar, quốc gia đang chịu nhiều lệnh trừng phạt của Mỹ và có khối lượng thương mại rất nhỏ với Mỹ, sẽ phải chịu mức thuế 44%. Tiếp theo là Thái Lan (36%), Indonesia (32%), Brunei (24%) và Malaysia (24%). Những quốc gia chịu tác động nhẹ nhất là Philippines (17%), Đông Timor (10%) và Singapore (10%). Trong đó, Đông Timor và Singapore là hai quốc gia Đông Nam Á duy nhất hiện có thặng dư thương mại với Mỹ.
Ba quốc gia Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nhất là Campuchia (49%), Lào (48%) và Việt Nam (46%).
Danh sách thuế quan cũng bao gồm mức thuế tổng hợp mà chính quyền Trump tuyên bố là do từng quốc gia áp đặt lên Mỹ, bao gồm cả các biện pháp thao túng tiền tệ và rào cản thương mại. Ví dụ, Việt Nam bị cáo buộc áp đặt mức thuế hiệu dụng 90% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, tiếp theo là Thái Lan (72%), Indonesia (63%), Malaysia (47%),…
Tuy nhiên, theo chuyên gia của The Diplomat, có nhiều dấu hiệu cho thấy những con số về thuế quan đối ứng thực chất đã bị thổi phồng, hoặc thậm chí được tạo ra một cách tùy tiện.
Như nhiều nhà quan sát đã chỉ ra, các mức thuế mà chính quyền Trump tuyên bố các nước áp đặt lên hàng hóa Mỹ thực chất phản ánh thặng dư thương mại của các nước này với Mỹ, tính theo tỷ lệ phần trăm tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ. Điều này đúng với tất cả 9 quốc gia Đông Nam Á bị áp thuế đối ứng cũng như với hầu hết các quốc gia khác trong danh sách.
Việc chính quyền Trump coi đây là “mức thuế quan” chính thức, sau đó sử dụng nó làm cơ sở để áp đặt thuế quan đối ứng – trong hầu hết các trường hợp mức thuế dường như chỉ đơn giản là bằng một nửa con số trước đó – cho thấy sự sai lệch và yếu kém nghiêm trọng. Ông Mike Bird của The Economist nhận xét trên nền tảng mạng xã hội X rằng cách tính thuế gian lận này “gần như là một tín hiệu còn tệ hơn bản thân các mức thuế".
Có lẽ điều này không đáng ngạc nhiên. Chính sách thương mại của Trump từ trước đến nay mang nhiều yếu tố chính trị hơn là kinh tế – một nỗ lực thể hiện sức mạnh và quyết tâm với cử tri Mỹ (dù cuộc chiến thương mại sắp tới có thể khiến giá cả hàng hóa trong nước tăng vọt) và ép buộc các đối tác thương mại mở cửa hơn nữa cho hàng hóa Mỹ.
Như Nhà Trắng đã tuyên bố: “Nước Mỹ sẽ không còn đặt mình vào thế yếu trong các vấn đề thương mại quốc tế để đổi lấy những lời hứa sáo rỗng. Thuế quan đối ứng là lý do quan trọng khiến người dân Mỹ bỏ phiếu cho Tổng thống Trump”.
Cú sốc với các quốc gia Đông Nam Á
Rõ ràng, nếu các mức thuế này được áp đặt, chúng có thể gây ra tác động tàn phá đối với ngành sản xuất của nhiều quốc gia Đông Nam Á. Trong số các nước dễ bị tổn thương nhất có Việt Nam. Mỹ là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, với hàng hóa xuất sang Mỹ năm ngoái chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu và 30% GDP.
Theo CNBC, mức thuế mới 46% đối với Việt Nam có thể sớm làm tăng chi phí cho các tập đoàn lớn trong lĩnh vực may mặc, đồ nội thất và đồ chơi, và một số tập đoàn trong số đó có thể tăng giá cho người tiêu dùng.
Ngay sau khi Nhà Trắng công bố quyết định, thị trường Việt Nam đã phản ứng mạnh mẽ. Sáng ngày 3/4, thị trường chứng khoán mở cửa với áp lực bán mạnh, khiến VN-Index giảm hơn 60 điểm ngay từ đầu phiên với nhiều cổ phiếu lao dốc và chạm sàn từ sớm, trong đó tập trung chủ yếu ở nhóm xuất khẩu – nhóm bị ảnh hưởng chính bởi việc áp thuế - như cao su, thủy sản, gỗ,…
Tương tự, mức thuế 49% đối với Campuchia cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất non trẻ của nước này. Năm ngoái, Campuchia xuất khẩu 9,91 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ, chiếm khoảng 37% tổng xuất khẩu của quốc gia này. Nếu xảy ra tình trạng sa thải hàng loạt trong ngành may mặc và dệt may Campuchia, điều này có thể dẫn đến tình trạng khó khăn trên diện rộng và thậm chí là bất ổn chính trị.
Các quốc gia Đông Nam Á có thể bị ảnh hưởng nặng nề khi bị Mỹ áp mức thuế quan đối ứng "khắc nghiệt".
Thay đổi về thuế quan cũng có thể gây ra những thách thức mới cho các ngành nông nghiệp, dệt may và sản xuất nhẹ của Lào, vốn phụ thuộc vào Mỹ.
Trong nhiều năm qua, Lào đã nỗ lực mở rộng cơ sở xuất khẩu của mình, và Mỹ nổi lên như một đối tác thương mại quan trọng. Các mặt hàng xuất khẩu chính của nước này sang Mỹ bao gồm giày dép, đồ gỗ, hàng dệt may và linh kiện điện tử. Với mức thuế quan mới áp dụng, các doanh nghiệp Lào có thể phải đối mặt với sự sụt giảm đáng kể các đơn đặt hàng từ người mua Mỹ.
Cà phê Lào, một trong những mặt hàng xuất khẩu đặc trưng của đất nước, cũng nằm trong danh sách này. Mỹ là nước tiêu thụ ngày càng nhiều cà phê Lào chất lượng cao, nhưng chi phí tăng thêm từ thuế quan có thể đẩy người mua sang các nhà cung cấp thay thế như Colombia.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, vẫn cần phải đợi thêm xem liệu rằng Mỹ có thực sự áp mức thuế “khắc nghiệt” này lên các quốc gia Đông Nam Á không. Việc công bố những con số này giống như một cách để Mỹ buộc chính phủ các nước phải ngồi vào bàn đàm phán và chấp nhận nhượng bộ cho lợi ích kinh tế của Mỹ thay vì là một lời “tuyên án” không thể thay đổi.
Theo The Diplomat, X, CNBC, Laotian Times
Bình luận (12)





