Lợi nhuận của các công ty thép sẽ đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2024 từ mức nền thấp năm 2023 nhờ sản lượng tiêu thụ cải thiện.
Các doanh nghiệp thép đang đứng trước cơ hội kinh doanh khi lĩnh vực bất động sản có kỳ vọng hồi phục nhờ các luật sửa đổi liên quan đến bất động sản như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024 và cùng đó, xuất khẩu thép được dự báo sẽ tích cực nhờ động lực từ thị trường Bắc Mỹ và châu Âu.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV) cho rằng, thị trường tiêu thụ thép nội địa sẽ khả quan nhờ bất động sản hồi phục do tháo gỡ vướng mắc pháp lý. Cụ thể, số lượng các dự án cấp phép mới và đang triển khai có xu hướng cải thiện theo từng quý, song nhìn chung vẫn khá thấp so với trung bình giai đoạn 2020-2022. Thêm nữa, tín hiệu sớm đến từ tăng trưởng tín dụng đối với xây dựng và bất động sản tăng lên trong những tháng đầu năm 2024 trên mặt bằng lãi suất thấp.
Dây chuyền sản xuất thép của Hòa Phát tại Dung Quất. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Bên cạnh đó, tăng trưởng trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng chiếm 16% tổng nhu cầu thép cả nước. Với việc vốn đầu tư công đang được Chính phủ đẩy mạnh giải ngân năm 2024, các dự án đều đã xong khâu đấu thầu và trong giai đoạn thi công. Việc huy động lớn lượng vật liệu xây dựng sẽ là động lực quan trọng với ngành thép. Những dự án chủ lực như cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành... kỳ vọng sẽ hoàn trong giai đoạn 2025 - 2028.
Ngoài ra, giá nguyên liệu đầu vào (quặng sắt, than cốc) được các tổ chức lớn như Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Citibank... dự báo giảm dần trong năm 2024 và năm 2025 do bối cảnh dư cung và chính sách phát thải từ nhiều quốc gia.
Giá thép cuộn cán nóng (HRC) được dự báo sẽ tăng nhẹ trong năm 2024 do nguồn cung ổn định hơn và nhu cầu xây dựng hồi phục, đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ, Bắc Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Trong nước, giá thép có sự tương quan nhất định với giá thép thế giới và nhu cầu ấm lên nhờ động lực từ chính sách hỗ trợ có thể giúp thị trường bất động sản phục hồi từ giữa năm 2024.
Theo Tập đoàn CBRE, nguồn cung căn hộ có thể tăng 20%; đầu tư cơ sở hạ tầng của Chính phủ tiếp tục được đẩy mạnh sẽ tác động tích cực tới ngành thép. Nhờ đó, giá bán phục hồi và giá nguyên vật liệu hạ nhiệt sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp ngành thép cải thiện biên lợi nhuận năm 2024. Cùng đó, kim ngạch xuất khẩu được kỳ vọng có thể tiếp tục quán tính tích cực trong các quý tiếp theo, do giá thép ở khu vực châu Âu và Bắc Mỹ cao hơn giá thép ở Việt Nam và Trung Quốc.
Hiệp hội Thép thế giới (WSA) nhận định: Nhu cầu tiêu thụ thép toàn cầu sẽ tăng 1,7% lên 1.793 tỷ tấn trong năm 2024 và tăng 1,2% lên 1.815 tỷ tấn trong năm 2025. Điều này sẽ hỗ trợ cho sản lượng thép xuất khẩu của Việt Nam hồi phục, kỳ vọng là điểm sáng của toàn ngành năm 2024.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) dự báo: Hoạt động sản xuất thép của Việt Nam năm 2024 có thể tăng 10% và năm 2025 tăng 8%, khi nhu cầu sử dụng thép của các ngành kinh tế trong nước phục hồi, một phần là nhờ hoạt động giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông. Sang năm 2024, ngành thép được dự báo sẽ có những bước dài tăng trưởng, kéo theo sự hồi phục lợi nhuận các doanh nghiệp trong ngành.
Sản phẩm thép chất lượng cao Hòa Phát. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Thực tế cũng cho thấy, những tín hiệu hồi phục tích cực thấy rõ của ngành thép được thể hiện ở báo cáo kết quả kinh doanh. Cụ thể, Công ty cổ phần Thép Tấm lá Thống Nhất (mã chứng khoán: TNS) là doanh nghiệp thép đầu tiên vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024.
Theo đó, doanh thu thuần của TNS tăng tới 656%, đạt 920 tỷ đồng. Chi phí giá vốn cũng cao gấp 7,5 lần, xấp xỉ 900 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp đạt 21 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp ở mức 2%.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí, lãi sau thuế của công ty đạt hơn 13 tỷ đồng, con số này đảo chiều ngoạn mục so với khoản lỗ hơn 1 tỷ đồng của quý II năm 2023. Đây cũng là mức lãi theo quý cao nhất doanh nghiệp thép này trong vòng gần 7 năm tính từ quý III/2017.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của công ty đạt hơn 1.700 tỷ đồng, gấp 7 lần con số của cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 19 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2023, công ty lỗ gần 3 tỷ đồng.
Trong báo cáo vừa công bố, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) nhận định: Ngành vật liệu cơ bản sẽ tiếp tục duy trì đà phục hồi trong quý II với điểm sáng nổi bật từ nhóm các doanh nghiệp thép.
Theo MBS, tiềm năng tăng trưởng của sản lượng và giá thép xây dựng nội địa đến từ nguồn cung căn hộ dự kiến cải thiện, tác động tích cực đến nhu cầu thép; vốn đầu tư cơ sở hạ tầng dự đoán tăng 12% so với cùng kỳ.
Vận hành máy móc gia công sản xuất thép lá tại Khu công nghiệp Tân Tạo. Ảnh: TTXVN
Nguồn cung căn hộ dự kiến cải thiện trong năm 2024 và theo đó, khu vực Hà Nội tăng hơn 33% vào năm 2024, đạt 20.000 căn hộ, Tp. Hồ Chí Minh sẽ tăng 31%, đạt khoảng 1.000 căn . Vì vậy, tình hình nguồn cung bất động sản thuận lợi có thể tác động tích cực đến các hoạt động mang tính xây dựng góp phần thúc đẩy tiêu thụ thép. Hơn nữa, việc giải ngân đầu tư công ước đạt 26 tỷ USD tăng 12% so với cùng kỳ tác động tích cực tới nhu cầu tiêu thụ thép.
Nhờ sự phục hồi của ngành xây dựng và tăng trưởng đầu tư công, MBS dự báo giá thép cây đạt trung bình 15 triệu đồng/tấn, tăng 8% so với cùng kỳ và sản lượng đạt 10,5 triệu tấn, tăng 9% so với cùng kỳ.
Công ty cổ phần Chứng khoán SSI dự báo: Lợi nhuận của các công ty thép sẽ đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2024 từ mức nền thấp năm 2023 nhờ sản lượng tiêu thụ cải thiện. Đặc biệt là Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) và Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) với biên lợi nhuận gộp tăng trở lại từ mức thấp trong nhiều năm, do giá thép nhiều khả năng đã kết thúc xu hướng giảm của những năm trước.
SSI cũng cho rằng, mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn trong nửa đầu năm 2024 nhờ mức nền lợi nhuận thấp trong nửa đầu năm 2023. Xu hướng phục hồi có thể được duy trì sau năm 2024, mặc dù nhu cầu tiêu thụ và biên lợi nhuận doanh nghiệp thép vẫn còn khả năng biến động.
Bình luận (16)