Kết quả kinh doanh tích cực, đơn hàng còn kéo dài có thể ví như "tiếng thoi đưa rộn ràng" trở lại, là niềm vui chung của nhóm dệt may.
Niềm vui đã quay trở lại với các doanh nghiệp ngành dệt may - Ảnh: Đình Đại.
Kết quả kinh doanh khởi sắc
Kết thúc quý II/2024, Công ty CP Dệt may Hòa Thọ (HoSE: HTG) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.094 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ giá vốn, doanh nghiệp thu về 151 tỷ đồng lãi gộp, tăng mạnh tới 69% so với cùng kỳ năm 2023. Biên lãi gộp qua đó cũng tăng từ mức 8,6% cùng kỳ lên 13,8%.
Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng 35% so với cùng kỳ, lên hơn 25 tỷ đồng. Chi phí tài chính cũng tăng tương ứng 32%, lên hơn 22 tỷ đồng. Các chi phí khác trong kỳ cũng tăng mạnh, trong đó chi phí bản hàng tăng mạnh nhất 43% so với cùng kỳ, lên 26,4 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 19% so với cùng kỳ, lên 42,5 tỷ đồng.
Sau khi trừ chi phí, HTG lãi ròng 70 tỷ đồng trong quý II, tăng 109% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lãi cao nhất trong 7 quý qua của doanh nghiệp ngành dệt may này.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, HTG ghi nhận tổng doanh thu thuần đạt hơn 2.273 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 114 tỷ đồng, tăng 70% so với nửa đầu năm 2023.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, từ đầu quý II đến nay, thị trường dệt may đã có những chuyến biến tích cực và bắt đầu tăng trưởng, nhu cầu và giá bán của ngành sợi được cải thiện so với cùng kỳ.
Tương tự, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) mang về gần 2.174 tỷ đồng doanh thu trong quý II/2024, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức doanh thu tính theo quý cao nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp này, do khai thác các dòng hàng khó, phức tạp và đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường mới. Giá vốn trong kỳ tăng chậm hơn doanh thu, nên doanh nghiệp thu về hơn 358 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng 38% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm 18% về dưới 24 tỷ đồng, ngược lại chi phí tài chính cao hơn 72% so với cùng kỳ lên gần 124 tỷ đồng. Các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng cao, lần lượt hơn 32 tỷ đồng và gần 112 tỷ đồng, tăng 34% và 14% so với cùng kỳ.
Kết quả, TNG lãi ròng hơn 86 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ, đây cũng là mức lãi cao nhất gần 2 năm qua của doanh nghiệp này.
Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của TNG đạt gần 3.527 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 129 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp thực hiện được 42% mục tiêu lợi nhuận năm.
Trong khi đó, đối với Công ty CP Dệt may - Thương mại – Đầu tư Thành Công (HoSE: TCM), trong nửa đầu năm 2024, Công ty mẹ TCM mang về gần 74,4 triệu USD, tương đương gần 1.900 tỷ đồng doanh thu, tăng 12% so với cùng kỳ và thực hiện được 47% kế hoạch năm. Lãi sau thuế tăng 29% lên hơn 5,8 triệu USD (gần 148 tỷ đồng), thực hiện được 85% kế hoạch năm.
Riêng tháng 6, doanh thu đạt gần 10,3 triệu USD (gần 261 tỷ đồng), tăng 10% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế hơn gấp 6 lần cùng kỳ, đạt hơn 1,1 triệu USD (gần 28 tỷ đồng).
6 tháng đầu năm, xuất khẩu của Công ty sang thị trường châu Á chiếm tới 70,2%, dẫn đầu là Hàn Quốc (28,4%), Nhật Bản (21,4%)... Tiếp đó, châu Mỹ chiếm 25,2%, châu Âu chỉ 4,2%.
Doanh thu dệt may 6 tháng đầu năm của TCM đến từ 3 mảng chính, trong đó, sản phẩm may chiếm 74%, vải chiếm 14% và sợi chiếm 8% tổng doanh thu.
TCM cho biết, hiện đã nhận khoảng 90% kế hoạch doanh thu đơn hàng quý III và 86% kế hoạch quý IV/2024. Công ty kỳ vọng tình hình đơn hàng năm nay khả quan hơn năm trước và đạt kế hoạch doanh thu 157,7 triệu USD.
Kim ngạch xuất khẩu đứng top đầu cả nước
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), dệt may là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu đứng top đầu cả nước trong 6 tháng đầu năm nay, khi đạt gần 21 tỷ USD, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu theo tháng cũng tăng trưởng trở lại trong tháng 6 với kim ngạch đạt 3,16 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ nhờ sự tăng trưởng 2% tại thị trường Mỹ, trong khi các thị trường khác vẫn còn yếu.
Chứng khoán VPS (VPS) cho rằng, hiện ngành dệt may đang được trợ lực bởi nhiều yếu tố trong nước cũng như quốc tế, kết hợp với những điều kiện thuận lợi hứa hẹn 2024 là một năm sáng giá của ngành dệt may nói chung.
Theo VPS, khu vực FDI đang nắm giữ vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp dệt may, đóng góp khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Một số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư lớn gồm: Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc... Trong đó, Hàn Quốc là quốc gia số một trong đầu tư vào ngành dệt may ở Việt Nam.
Bên cạnh trợ lực từ doanh nghiệp FDI, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng đóng góp không nhỏ trong việc hỗ trợ sự khởi sắc của ngành dệt may. Chuyên gia của VPS cho rằng, trong bối cảnh các nền kinh tế lớn dần hồi phục, ECB có động thái hạ lãi suất, các Hiệp định thương mại như: EVFTA, CPTPP và RCEP tiếp tục tạo ra cơ hội lớn cho xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang các thị trường lớn như EU và Nhật Bản. Những hiệp định này giúp giảm thuế và mở rộng thị trường xuất khẩu cho ngành dệt may Việt Nam.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu như dệt may, đơn hàng có thể đủ trong quý III nhưng quý IV vẫn là thách thức khi sức cầu chưa phục hồi hoàn toàn. Quý cuối năm vẫn là thời gian khó khăn với doanh nghiệp xuất khẩu như dệt may.
“Trong khi đơn hàng phục hồi về số lượng còn giá bán chưa phục hồi và lạm phát tại các quốc gia lớn đang giảm phản ánh sức cầu tiêu thụ yếu đi. Liệu doanh nghiệp có tăng trưởng trong quý IV và năm sau hay không còn trông chờ vào các thị trường lớn như Mỹ hồi phục, đơn hàng tích cực trở lại”, ông Nguyễn Thế Minh nhận định.
Bình luận (9)