Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam vẫn có kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trong quý đầu năm.
Nhiều doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng cao trong quý đầu năm - Ảnh: Đình Đại.
Trong quý đầu năm, Tập đoàn Dệt May Việt Nam - Vinatex (UpCOM: VGT) ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 4.268 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ; Lợi nhuận hợp nhất đạt 172 tỷ đồng, tăng mạnh 372% so với cùng kỳ năm 2024.
Về đơn hàng, theo lãnh đạo VGT, hầu hết các doanh nghiệp thuộc tập đoàn đã nhận đủ đơn hàng đến hết quý II/2025 và đang giao dịch cho quý III/2025. Tuy nhiên, trong quý I, các đơn hàng có xu hướng đẩy nhanh tiến độ giao hàng để hạn chế tác động nếu có của chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump.
Đối với ngành sợi, hầu hết các đơn vị cũng đã có đơn hàng đến tháng 5/2025. Tuy nhiên, từ tuần cuối cùng của tháng 2/2025 đến nay, trước những căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã tác động trực tiếp đến mảng kinh doanh sợi, dẫn đến thị trường sợi giảm cả về giá và nhu cầu, trong khi giá bông liên tục giảm sâu.
Tương tự, Công ty CP May Sông Hồng (HoSE: MSH) ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 1.017 tỷ đồng, tăng gần 34,4% so với cùng kỳ, Lợi nhuận sau thuế đạt gần 86,3 tỷ đồng, tăng gần 51,4% so với cùng kỳ năm 2024.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, quý I/2025, công ty ký được nhiều đơn hàng nên doanh thu tăng. Đồng thời, công ty tiết kiệm chi phí nên lợi nhuận tăng so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, MSH là doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao nhất trong ngành dệt may Việt Nam. Doanh nghiệp này cũng kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc do ảnh hưởng chính sách thuế quan mới của Mỹ.
Tại Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (HoSE: TCM), trong quý đầu năm ghi nhận doanh thu tăng 8% so với cùng kỳ, lên gần 1.011 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 78,5 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2024. Doanh nghiệp cũng đã nhận 85% kế hoạch doanh thu trong quý II và đang chốt đơn hàng cho quý III/2025.
Hiện thị trường Mỹ chiếm 30% doanh thu xuất khẩu của TCM, so với các doanh nghiệp khác Công ty vẫn có tỷ trọng thấp hơn nên ít chịu nhiều tác động hơn. Để giảm bớt sự phụ thuộc ở thị trường Mỹ, TCM đang hướng đến phát triển thị trường tại Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu.
Báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty CP Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) cũng cho thấy, doanh thu thuần trong quý I/2025 ghi nhận đạt gần 376,4 tỷ đồng, tăng hơn 41,5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 36,6 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lợi nhuận chỉ hơn 711 triệu đồng của cùng kỳ năm 2024. Doanh nghiệp cho rằng, doanh thu và lợi nhuận trong kỳ tăng mạnh là do doanh số bán hàng và giá bán cao hơn so với cùng kỳ.
Một doanh nghiệp ngành dệt may khác là Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) cũng có kết quả kinh doanh tích cực. Theo đó, quý I/2025, TNG ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.511 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng đạt 43 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2024.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, đơn hàng từ Mỹ mặc dù có sự phục hồi, nhưng tỷ trọng còn thấp, chỉ khoảng 26%. Công ty đang đánh giá lại mức thuế Mỹ có thể áp, đồng thời thừa nhận đây là giai đoạn khó khăn nhất từng trải qua.
Kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh của các doanh nghiệp ngành dệt may trong quý đầu năm phản ánh đúng với bức tranh chung của toàn ngành dệt may Việt Nam.
Theo ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), trong quý I/2025, xuất khẩu toàn ngành dệt may ước đạt 12,5-12,7 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm, dự báo xuất khẩu dệt may của Việt Nam sẽ đạt mục tiêu khoảng trên 22 tỷ USD. Hầu hết các doanh nghiệp đã ký xong đơn hàng cho quý II và bắt đầu đàm phán đơn hàng cho quý III và quý IV/2025.
Theo Chủ tịch Vitas, trong năm 2025, ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn khi đang được thúc đẩy bởi các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTA), đây là cơ hội lớn nhất cho ngành dệt may Việt Nam. Đặc biệt, mới đây, Bộ Công thương đã có thông báo trong năm nay sẽ ký thêm một số FTA nữa, nâng tổng số FTA lên con số khoảng 22 FTA sẽ có hiệu lực trong năm 2025-2026.
“Đây sẽ là cơ hội lớn khi hàng loạt các FTA có thuế xuất bằng 0, tạo cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam phát triển chiến lược với 3 trụ cột chính là đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác khách hàng và đa dạng hóa sản phẩm”, ông Vũ Đức Giang đánh giá.
Đồng thời, ông cũng đánh giá, ngành dệt may Việt Nam vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn đến từ chính sách thuế quan của Mỹ và chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, ông nhận định xuất khẩu dệt may vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan và có thể đạt khoảng 48 tỷ USD trong năm 2025.
Chứng khoán Nhất Việt (VFS) cũng đánh giá, việc Mỹ áp thuế đối ứng cao lên tất cả các hàng nhập khẩu có xuất xứ Trung Quốc sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam mở rộng thị phần xuất khẩu vào Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may. Khi hàng hóa Trung Quốc trở nên đắt đỏ và kém cạnh tranh hơn, các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ có xu hướng tìm kiếm các đối tác thay thế có năng lực sản xuất ổn định, chi phí hợp lý và chính sách thương mại thuận lợi hơn, trong đó Việt Nam là một điểm đến ưu tiên.
Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc cho ngành dệt may. Trong bối cảnh Trung Quốc có khả năng tiếp tục phá giá đồng Nhân dân tệ nhằm thúc đẩy xuất khẩu và gia tăng lợi thế cạnh tranh về giá so với các quốc gia khác.
“Việc phụ thuộc nguyên liệu Trung Quốc và thặng dư thương mại với Mỹ tăng mạnh có thể khiến Việt Nam đối mặt nguy cơ bị cáo buộc “lẩn tránh thuế”, “gia công trung chuyển” và thậm chí bị đưa vào danh sách “thao túng tiền tệ”. Nếu không có các biện pháp minh bạch hóa xuất xứ và đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu, Việt Nam có thể phải đối mặt với nguy cơ bị Mỹ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại”, VFS nhận định.
Bình luận (4)





