Hãy là người đầu tiên thích bài này
Doanh nghiệp bột sắn trên sàn đang làm ăn ra sao?

Trên sàn chứng khoán có 2 doanh nghiệp đang sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này gồm CTCP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi (APFCO, UPCoM: APF) và CTCP Nông Lâm sản thực phẩm Yên Bái (HNX: CAP).

Mới đây, CAP vừa công bố báo cáo tài chính tổng hợp quý II niên độ 2023 - 2024 (1/1-31/3/2024), doanh thu thuần của công ty này ghi nhận 102 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ở mức 9 tỷ đồng, giảm 74%.

Luỹ kế 2 quý đầu niên độ 2023-2024 (từ 1/10/2023 - 31/3/2024), doanh thu thuần CAP đạt 288,5 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của CAP gần 23 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ.

Trước đó, kết thúc niên độ 2022-2023, doanh nghiệp này báo doanh thu đạt 611 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 114 tỷ đồng, vượt kế hoạt đề ra.

Niên độ 2023-2024, CAP đặt kế hoạch doanh thu 560 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 70 tỷ đồng, giảm lần lượt 8% và 38% so với kết quả đạt được ở niên độ trước.

APFCO doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất tinh bột sắn và cồn Ethanol. Ảnh: APFCO.

Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của CAP ghi nhận 391 tỷ đồng, tăng 99 tỷ đồng so với con số đầu năm. Đáng chú ý, hàng tồn kho tăng mạnh ở mức 279 tỷ đồng, tăng gấp 9 lần so với đầu kỳ.

Trong khi đó, nợ phải trả của CAP cũng tăng nhanh trong 6 tháng qua, ghi nhận 159 tỷ đồng nợ phải trả, tăng gần 6 lần so với con số đầu kỳ.

CAP được biết đến là doanh nghiệp sản xuất vàng mã hiếm hoi trên sàn, nhưng nguồn thu chủ yếu đến từ kinh doanh tinh bột sắn - mặt hàng nông sản xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Từ khi niêm yết trên HNX năm 2008, CAP là một trong những doanh nghiệp duy trì việc trả cổ tức "đậm" đều đặn hàng năm. Mới đây, công ty này chốt quyền trả cổ tức niên độ 2022-2023 với tổng tỷ lệ 100%.

Trong đó, 50% được trả bằng tiền mặt (sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 5.000 đồng) và 50% được trả bằng cổ phiếu (sở hữu 100 cổ phiếu nhận thêm 50 cổ phiểu). Với hơn 10,05 triệu cổ phiếu đang lưu hành, CAP chi hơn 50 tỷ đồng và phát hành hơn 5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức lần này.

Tiếp theo, APFCO là một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất tinh bột sắn và cồn Ethanol. Hiện, các sản phẩm của APFCO chủ yếu phục vụ xuất khẩu đi các nước Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản.

Theo báo cáo hợp nhất I/2024, APFCO ghi nhận doanh thu thuần hơn 2.639 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 99 tỷ đồng, lần lượt tăng 32% và 125% so với cùng kỳ năm 2023.

Công ty này cho rằng, lợi nhuận quý I/2024 tăng 125% so với cùng kỳ năm trước là do doanh thu tài chính trong quý tăng so với cùng kỳ số tiền hơn 55,7 tỷ đồng, chủ yếu là lãi chênh lệch tỷ giá, đặc biệt là lãi chênh lệch tỷ giá giữa đồng USD với đồng Kíp Lào

Tính đến 31/3/2024, tổng tài sản của APFCO ghi nhận 3.958 tỷ đồng, tăng 790 tỷ đồng chỉ sau 3 tháng đầu năm 2024, chủ yếu là tăng tài sản ngắn hạn.

Đáng chú ý, nợ phải trả của APFCO tăng chóng mặt chỉ sau 3 tháng, ghi nhận 2.777 tỷ đồng, tăng 718 tỷ đồng so với đầu năm 2024. Riêng khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn ở mức 2.277 tỷ đồng, tăng 712 tỷ đồng.

Trước đó, kết thúc năm 2023, APFCO đạt 6.486 tỷ đồng doanh thu thuần và 170 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm lần lượt 10% và 53% so với năm 2022. Dù "hụt hơi" trong năm 2023, song có thể thấy rằng mức nền của năm 2022 là rất lớn khi doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 7.144 tỷ đồng và 365 tỷ đồng - con số kỷ lục từ trước đến nay.

Tại ĐHCĐ thường niên 2024, APFCO đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 ở mức 6.700 tỷ đồng, tăng 3%; lợi nhuận sau thuế đạt 150 tỷ đồng, giảm 12% so với kết quả đạt được năm 2023. Như vậy sau 3 tháng đầu năm, công ty đã thực hiện được 39% doanh thu và 66% lợi nhuận so với kế hoạch đề ra.

Vừa qua, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050".

Cụ thể, đến năm 2030, sản lượng sắn tươi cả nước đạt khoảng 11,5-12,5 triệu tấn. Diện tích trồng sắn sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt 40-50%. Diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%. Kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,8-2 tỷ USD.

Tầm nhìn đến năm 2050, ngành hàng sắn của Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, 70-80% diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững, sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính...) chiếm trên 90%, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 2,3-2,5 tỷ USD.

Thành Vân-Link gốc

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long