Hãy là người đầu tiên thích bài này
Đổ tiền lập trung tâm dữ liệu: Việt Nam tăng tốc đón đầu cuộc đua tỷ USD

Theo ACBS, mặc dù quy mô thị trường trung tâm dữ liệu vẫn nhỏ hơn nhiều so với các nước trong khu vực nhưng Việt Nam đang tăng tốc, thúc đẩy vị thế và nắm bắt cơ hội từ nhu cầu AI ngày càng tăng.

Nhiều kế hoạch được hé lộ

Lĩnh vực trung tâm dữ liệu (Data Center) tại Việt Nam cuối năm 2024 ghi nhận hàng loạt kế hoạch đầu tư lớn với sự tham gia của cả doanh nghiệp trong nước và các tập đoàn quốc tế. Gần đây nhất, Công ty cổ phần Kết nối số Toàn cầu HP đã đề xuất đầu tư dự án Trung tâm dữ liệu tại Khu công nghiệp Quán Ngang, Quảng Trị, với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD (tương đương 4.800 tỷ đồng). Dự án này được chính quyền tỉnh Quảng Trị hoan nghênh và ủng hộ vì nằm trong danh mục các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của địa phương, đồng thời thể hiện chiến lược phát triển lĩnh vực công nghệ mới.

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng DCH cũng công bố kế hoạch triển khai dự án "siêu" trung tâm dữ liệu Digital Hub. Với tổng vốn đầu tư lên tới 35.000 tỷ đồng, dự án có quy mô lớn hơn nhiều so với dự án của Công ty Kết nối số Toàn cầu HP.

Digital Hub dự kiến được xây dựng trên diện tích 100ha tại huyện Châu Đức, bao gồm 5 tòa nhà trung tâm dữ liệu với tổng công suất 6.000 racks, mỗi rack có công suất bình quân 15kW. Dự án được thiết kế đạt tiêu chuẩn TIA-942 cấp 4, một trong những tiêu chuẩn khắt khe nhất toàn cầu, và sẽ được triển khai qua hai giai đoạn chính, từ 2025 đến 2028 và từ 2028 trở đi.

(Ảnh minh hoạ)

Không chỉ các doanh nghiệp trong nước, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam còn thu hút sự quan tâm của các tập đoàn quốc tế. Tháng 12/2024, NVIDIA đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Việt Nam để thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển AI, đồng thời xây dựng trung tâm dữ liệu AI, nhằm thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo và tạo thêm cơ hội việc làm trong nước.

Trước đó, vào tháng 8/2024, báo chí quốc tế cũng đưa tin Google đang xem xét phát triển một trung tâm dữ liệu quy mô lớn tại Việt Nam, dự kiến đặt gần TP. HCM. Trung tâm này sẽ có khả năng lưu trữ lớn và năng lực tính toán vượt trội hơn các trung tâm dữ liệu thông thường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các khách hàng dịch vụ đám mây trong và ngoài Việt Nam. Nếu đúng như nguồn tin này, đây sẽ là khoản đầu tư lớn đầu tiên của Google tại Việt Nam, được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế số và lượng khách hàng tiềm năng.

Theo Savills và Cloudscene, dung lượng của các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam được ước tính đạt khoảng 80MW tính đến quý I/2024, với 33 trung tâm dữ liệu và 49 nhà cung cấp dịch vụ. Trong đó, Hà Nội và TP. HCM dẫn đầu với lần lượt 15 và 16 trung tâm dữ liệu hiện diện.

Nắm giữ 70% thị phần (theo số lượng trung tâm dữ liệu) là các công ty công nghệ và viễn thông trong nước gồm Viettel, VNPT, CMC Telecom – thành viên của Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC (HoSE: CMG), Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom, UPCoM: FOX) – thành viên của Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT) và Công ty Cổ phần VNG Corp (UPCoM: VNZ).

Tăng tốc để nắm bắt xu hướng

Chủ tịch Jensen Huang của NVIDIA cho rằng trí tuệ nhân tạo (AI) là công nghệ mới đang thay đổi dữ liệu của tất cả các quốc gia, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp mới, dịch vụ mới, sản phẩm mới và doanh nghiệp mới. Theo ông, dữ liệu cần được coi là nguồn tài nguyên quốc gia. Trong đó Việt Nam cần xử lý dữ liệu của riêng mình và biến dữ liệu thành AI Việt Nam, cho các ngành công nghiệp và xã hội Việt Nam.

Trên thế giới, hiện Mỹ vẫn là thị trường trung tâm dữ liệu lớn nhất thế giới chiếm xấp xỉ 43% dung lượng của các trung tâm dữ liệu đang vận hành toàn cầu tính đến quý IV/2023, theo sau là khu vực châu Á Thái Bình Dương (xấp xỉ 30%) và châu Âu (21%), dựa trên các thông tin từ DB Byte và Mapletree.

Theo Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), Việc dịch chuyển dần sang các thị trường cấp hai và cấp ba được các công ty thúc đẩy do hạn chế về tài nguyên ở một số thị trường trưởng thành. Trong khi Mỹ và nhiều thị trường châu Âu đã tương đối trưởng thành, khu vực châu Á Thái Bình Dương – với tăng trưởng CAGR 2018-2023 đạt 19,1% so với mức 16,7% của châu Mỹ và 13,6% của nhóm EMEA (khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi) – vẫn là điểm đến thích hợp cho các nhà đầu tư trung tâm tài chính dữ liệu nhờ ít căng thẳng tài nguyên hơn và chi phí phát triển thấp hơn.

Trung tâm dữ liệu (Ảnh minh hoạ)

Theo Cushman & Wakefield, dung lượng các trung tâm dữ liệu đang vận hành của thị trường châu Á Thái Bình Dương đạt gần 12GW với khoảng 1,3GW nguồn cung mới được bổ sung trong 6 tháng đầu năm 2024, mức bổ sung lớn nhất trong thời gian gần đây.

Bên cạnh các thị trường truyền thống như Úc, Trung Quốc, Nhật Bản và Singapore,..., khu vực Đông Nam Á đang tăng tốc (CAGR 2018- 2023 đạt 70% theo DB Byte) do các nhà đầu tư trong và ngoài khu vực quan tâm đến việc thiết lập và gia tăng sự hiện diện tại khu vực này, cộng với nhu cầu chuyển đổi số và xây dựng nền kinh tế số của các nước trong khu vực gia tăng. Singapore là thị trường trung tâm dữ liệu truyền thống của khu vực theo quan sát của DB Byte, tuy nhiên tiềm năng tăng trưởng hiện bị thu hẹp bởi quỹ đất và nguồn cung điện hạn chế.

Trong khi đó, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam (SEA-5) nổi lên là những thị trường đầy hứa hẹn tiếp theo. DB Byte ước tính thị trường SEA-5 sở hữu tổng dung lượng DC 6GW (tính đến quý I/2024) bao gồm cả đang vận hành và sẽ triển khai, trong đó nổi bật nhất là Malaysia, trong khi Việt Nam vẫn còn non trẻ như một thị trường cận biên.

Theo ACBS, mặc dù quy mô thị trường vẫn nhỏ hơn nhiều so với các nước trong khu vực nhưng Việt Nam đang tăng tốc thúc đẩy vị thế và nắm bắt cơ hội từ nhu cầu AI ngày càng tăng. Sự ủng hộ của chính phủ và các khoản đầu tư của các doanh nghiệp vào việc triển khai AI và hạ tầng là những điểm nổi bật trong năm 2024.

“Việt Nam được đánh giá có tiềm năng thu hút nhiều khoản đầu tư hơn vào lĩnh vực trung tâm dữ liệu bởi định hướng trở thành trung tâm công nghệ của khu vực, thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số cùng với các động lực pháp lý như Luật Viễn thông 2023 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024) nới lỏng các quy định về tỷ lệ sở và đầu tư hữu nước ngoài vào lĩnh vực DC, Nghị định 53/2022/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật An ninh mạng yêu cầu lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam”, các chuyên gia của ACBS cho biết.

Cùng với đó, Việt Nam có các lợi thế như chi phí thấp hơn, việc triển khai mạng 5G cùng với sự mở rộng mạng lưới cáp quang là những yếu tố hỗ trợ cho triển vọng tăng trưởng của mảng này. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, tốc độ tăng trưởng sẽ được quyết định bởi khả năng đáp ứng các yêu cầu về nguồn cung điện, đất đai, nước một cách ổn định cùng các yếu tố khác. Hơn nữa, việc cân bằng giữa tăng trưởng và phát triển bền vững cũng là vấn đề thu hút sự quan tâm.

ACBS dự báo giá trị thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam được dự báo sẽ đạt 1,04 tỷ USD vào năm 2028, từ mức 561 triệu USD năm 2022, tương đương CAGR 10,7% theo cập nhật của Savills vào tháng 5/2024.

Link gốc

Bình luận (2)

Cho về bờ với a lai
09:53
Fox tiềm năng
11:18

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long