Bất chấp biến động lên xuống của chỉ số chung, các cổ phiếu L14, VEF, VCF, WCS… luôn nằm trong top những mã có thị giá cao nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thị trường chứng khoán trong những phiên gần đây diễn biến giằng co và không kém phần gay cấn. Trước vùng 1.470 điểm, chỉ số VN-Index rung lắc khá mạnh, những nhịp điều chỉnh liên tục xuất hiện và khiến các cổ phiếu có đà tăng tốt đều bị chốt lời ngắn hạn. Dù vậy, bất chấp những biến động chung, thị giá cổ phiếu L14 của CTCP Licogi 14 vẫn vững vàng ở vị trí quán quân.
Được niêm yết trên sàn HNX từ năm 2011, L14 được xem là "hiện tượng lạ" khi tăng phi mã từ giá xấp xỉ 50.000 đồng vào hồi tháng 1/2021 lên mức mốc 484.000 đồng/CP (phiên sáng 13/1/2022) để trở thành mã có thị giá đắt đỏ nhất sàn chứng khoán. L14 đóng cửa phiên giao dịch 18/3 ở mức 377.000, tương ứng vốn hóa công ty xấp xỉ 10.116 tỷ đồng. Tuy nhiên trái với sự thăng hoa của giá cổ phiếu, thanh khoản trung bình của L14 lại khá thấp với chỉ khoảng trăm nghìn cổ phiếu khớp lệnh trong phiên.
Ngoài L14, thị trường chứng khóan Việt Nam hiện có rất nhiều mã chứng khoán đang giao dịch ở mức giá 3 chữ số.
Theo đó, vị trí cổ phiếu đắt đỏ thứ 2 trên sàn chứng khoán thuộc về VEF của CTCP Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam, một công ty con của Vingroup. VEF đóng cửa phiên cuối tuần trước ở mức 265.200 đồng/CP, tương ứng vốn hóa thị trường là 44.183 tỷ đồng.
Diễn biến giá cổ phiếu và vốn hóa thị trường của các cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán.
Đứng vị trí thứ ba là VCF của Vinacafe Biên Hòa. Hiện tại VCF đóng cửa phiên giao dịch 18/3 ở mức 239.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa doanh nghiệp khoảng 6.352 tỷ đồng, so với đầu năm 2022 thì thị giá cổ phiếu VCF đã tăng 2%.
HLB của CTCP Nước Giải khát Hạ Long cũng là một trong những cổ phiếu thường xuyên được nhắc đến trong nhóm cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán. Nhìn lại thời điểm đầu năm 2021 HLB giao dịch quanh mức 133.000 đồng/cổ phiếu và không có nhiều biến động lớn, song kể từ phiên 12/1/2022, HLB đã bật tăng và vượt 200.000 đồng/CP và chỉ mấy phiên sau đó đã lên mức 300.000 đồng/cổ phiếu (phiên 18/1) dù lượng cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên không nhiều. Tính đến phiên ngày 18/3, thị giá HLB ở mức 210.400 đồng/CP, tương ứng vốn hóa công ty xấp xỉ 631,2 tỷ đồng.
Cổ phiếu NTC của CTCP KCN Nam Tân Uyên đang giao dịch quanh tại mức 203.000 đồng/CP, tương ứng vốn hóa doanh nghiệp 4.872 tỷ đồng. Nếu xét về tỷ lệ tăng giá cổ phiếu, NTC thậm chí giảm so với đầu năm. Tuy nhiên Nam Tân Uyên là doanh nghiệp thường xuyên trả cổ tức tỷ lệ rất cao cho cổ đông và được xếp vào TOP những doanh nghiệp đạt chỉ số EPS cao hàng năm.
Cái tên đáng chú ý còn có GAB của CTCP Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC. Lên sàn từ năm 2019 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 12.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu GAB trải qua những phiên giao dịch khá êm đềm cho đến năm 2020, cổ phiếu này nhanh chóng bật tăng và vượt ngưỡng 100.000 đồng/cổ phiếu vào phiên 3/3/2020. Đà tăng của GAB vẫn không ngừng, và hiện đang tiệm cận vùng giá 200.000 đồng/cổ phiếu, đóng cửa phiên 18/3, thị giá cổ phiếu này mức 195.900 đồng/CP, vốn hóa thị trường đạt 2.919 tỷ đồng.
Bất ngờ nhất trong bảng xếp hạng thị giá chính là WCS của Bến xe Miền Tây - một doanh nghiệp "bé hạt tiêu" với vốn điều lệ 25 tỷ đồng. Hiện WCS giao dịch quanh mức 195.000 đồng/cổ phiếu – và trong năm 2021 đã có lúc vượt ngưỡng 220.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường ở mức 487,5 tỷ đồng.
TAG của Thế giới số Trần Anh cũng không hề kém cạnh khi kết phiên 18/3 ở mức 186.000 đồng/CP, tương ứng vốn hóa thị trường đạt 4.612 tỷ đồng. Nhắc đến TAG, nhà đầu tư cũng không quên chuỗi tăng điểm ấn tượng trong năm 2021 của cổ phiếu này, khi tăng từ mức 16.200 đồng/CP (phiên 12/11/2021) lên 187.000 đồng/CP chỉ sau 20 phiên. Lưu ý rằng, mặc dù tăng sốc, song thanh khoản của TAG chỉ vỏn vẹn vài trăm cổ phiếu được khớp lệnh mỗi phiên, nhiều nhất là 5.900 đơn vị được giao dịch trong phiên 26/11.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến DGC của Hóa chất Đức Giang với đà tăng trưởng ngoạn mục. Theo đó, DGC mở cửa phiên giao dịch đầu năm 2021 ở vùng giá 44.500 đồng/cổ phiếu và âm thầm tăng với biên độ nhỏ, đến 10/8/2021, cổ phiếu này vượt ngưỡng 100.000 đồng/cổ phiếu và duy trì ổn định giao dịch ở mức 3 chữ số. Hiện DGC đóng cửa phiên giao dịch 18/3/2022 ở mức 189.100 đồng/CP, tăng 18,7% so với thời điểm đầu năm. Thanh khoản thị trường duy trì quanh mức 2 triệu cổ phiếu khớp lệnh bình quân mỗi phiên và vốn hóa thị trường hiện ở mức 32.351 tỷ đồng.
Ngoài ra, cổ phiếu THD của Thaiholdings cũng là một trong những cổ phiếu nhận được nhiều sự chú ý của nhà đầu tư khi thị giá giữ ở mức cao và cổ phiếu có nhiều biến động. Theo đó, kể từ khi chào sàn HNX vào ngày 19/6/2020, THD chỉ mất hơn nửa năm để tăng lên mức 3 chữ số. Tính đến hết phiên giao dịch 1/3/2021, THD đạt 201.000 đồng/cổ phiếu, tăng trưởng gấp 46,4 lần so với ngày đầu lên sàn, trước khi rơi vào chuỗi giảm điểm. Hiện THD giao dịch quanh mức 168.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường xấp xỉ 58.800 tỷ đồng.
Bình luận (12)