Hãy là người đầu tiên thích bài này
DHM: Muốn vay ngân hàng 300 tỷ đồng

Khoáng sản Dương Hiếu vừa thông qua phương án vay vốn, phát hành bảo lãnh, LC,.. tại BIDV Nam Thái Nguyên với giá trị hạn mức 300 tỷ đồng.

Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), Công ty CP Thương mại và Khai thác khoáng sản Dương Hiếu (Khoáng sản Dương Hiếu, MCK: DHM) đã ban hành Nghị quyết số 04/2025/NQ-HĐQT về kế hoạch hạn mức vay vốn, phát hành bảo lãnh, LC tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - CN Nam Thái Nguyên (BIDV Nam Thái Nguyên).

Giá trị hạn mức cho vay, phát hành bảo lãnh LC là 300 tỷ đồng; mục đích bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh.

Thời hạn hiệu lực của hạn mức tín dụng là 12 tháng kể từ ngày ký Hợp đồng tín dụng hạn mức; thời hạn cho vay/khế ước nhận nợ tối đa 4 tháng/món vay.

Khoáng sản Dương Hiếu cũng thông qua việc dùng các tài sản thuộc sở hữu của công ty hoặc cá nhân, tổ chức khác (nếu có);... để đảm bảo cho tất cả các nghĩa vụ trả nợ và các nghĩa vụ tài chính khác phát sinh từ các văn bản/thỏa thuận/hợp đồng mà công ty ký kết với BIDV Nam Thái Nguyên.

Trước đó, ngày 24/2/2025, HĐQT DHM cũng ban hành Nghị quyết về việc vay vốn, phát hành bảo lãnh tại Ngân hàng TMCP Quân đội - CN Thái Nguyên (MBBank Thái Nguyên).

Tổng giá trị hạn mức cho vay, hạn mức bảo lãnh thanh toán và hạn mức LC tối đa là 300 tỷ đồng. Mục đích là để cấp tín dụng phục vụ hoạt động kinh doanh thương mại théo, phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất thép và thiết bị điện của công ty.

Các tài sản được dùng để bảo đảm cho nghĩa vụ thanh toán, trả nợ của Khoáng sản Dương Hiếu tại MBBank Thái Nguyên theo các hợp đồng thế chấp được ký kết gồm: 2 bất động sản tại quận Hải Châu (Đà Nẵng); sổ tiết kiệm do Vietinbank phát hành ngày 22/12/2022, kỳ hạn 12M lãi trả sau cho bà Nguyễn Thị Dung- Tổng Giám đốc DHM; hợp đồng tiền gửi do MB phát hành đứng tên Khoáng sản Dương Hiếu.;....

Theo tìm hiểu, Khoáng sản Dương Hiếu tiền thân là Công ty TNHH Thương mại Dương Hiếu được thành lập năm 2003 với vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2012.

DHM là doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong lĩnh vực phân phối gạch chịu lửa, vật liệu chịu lửa và các thiết bị điện.

Theo giới thiệu trên website, hiện tại, công ty đã có 5 chi nhánh tại Hà Nội, Thái Nguyên, TP.HCM, Đà Nẵng và Quảng Nam.

Tại đăng ký thay đổi gần đây nhất (tháng 1/2025), vốn điều lệ của doanh nghiệp ở mức hơn 345 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Dung (SN 1981) là Tổng Giám đốc, đại diện theo pháp luật. Bà Dung đảm nhiệm vị trí này thay ông Dương Hữu Hiếu từ hồi tháng 1/2022.

Về tình hình kinh doanh, theo BCTC năm 2024 (Đã kiểm toán), doanh thu thuần của DHM ở mức hơn 3.426 tỷ đồng; tăng 694 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn cũng tăng mạnh lên gần 3.400 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp của DHM chỉ ở mức hơn 26 tỷ đồng.

Khấu trừ các khoản thuế phí, Khoáng sản Dương Hiếu báo lãi ròng năm 2024 vỏn vẹn gần 2,8 tỷ đồng; giảm 53% so với khoản lợi nhuận sau thuế gần 6 tỷ đồng năm 2023.

Tính đến ngày 30/9/2024, tổng cộng tài sản của DHM ở mức gần 980 tỷ đồng, tăng 5% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn 766 tỷ đồng, hầu hết là các khoản phải thu ngắn hạn; hàng tồn kho giảm đáng kể từ 146 tỷ đồng về gần 39 tỷ đồng.

Bên kia bảng kế toán, nợ phải trả tại thời điểm 31/12/2024 tăng từ 580 tỷ đồng lên gần 625 tỷ đồng; toàn bộ đều là nợ ngắn hạn; trong đó, khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 542 tỷ đồng.

Cũng theo BCTC năm 2024, Khoáng sản Dương Hiếu ghi nhận khoản đầu tư vào chứng khoán kinh doanh hơn 53,5 tỷ đồng gồm: đầu tư mua cổ phiếu của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco, MCK: TIS) 51,15 tỷ đồng và đầu tư mua cổ phiếu Công ty CP B.C.H (MCK: BCA) 2,35 tỷ đồng.

Nguồn: BCTC DHM

Ngoài ra, Khoáng sản Dương Hiếu cũng phát sinh khoản phải thu ngắn hạn của Tisco hơn 1 tỷ đồng; Công ty CP B.C.H gần 203,9 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại Thái Hưng (Thái Hưng) hơn 132,8 tỷ đồng,... DHM còn ghi nhận khoản trả trước cho Thái Hưng 32,2 tỷ đồng.

Đáng chú ý, từ Khoáng sản Dương Hiếu đến Tisco, B.C.H đều có mối quan hệ mật thiết với Thái Hưng- "ông lớn" ngành thép tại tỉnh Thái Nguyên.

Đầu tiên phải kể đến mối quan hệ giữa Thái Hưng với Tisco. Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024 đã kiểm toán của Tisco thể hiện, tính đến ngày 31/12/2024, Thái Hưng nắm giữ 20% vốn Gang thép Thái Nguyên. Báo cáo này cũng thể hiện, Tisco phát sinh nhiều giao dịch với cổ dông lớn của mình là Công ty Thái Hưng.

Được biết, ông Lê Hồng Khuê là thành viên HĐQT TIS từ tháng 4/2019, tái bổ nhiệm ngày 19/4/2024 và được Thái Hưng ủy quyền nắm giữ gần 22,6 triệu cổ phần của Tisco.

Theo Báo cáo quản trị năm 2024 của Tisco, ông Lê Hồng Khuê được biết đến là con rể vợ chồng doanh nhân Nguyễn Quốc Thái - Nguyễn Thị Cải, hai nhà sáng lập của Thái Hưng.

Ngoài ra, ông Khuê còn là Chủ tịch HĐQT Công ty CO Đầu tư Eco Valley Việt Nam và Công ty CP Đầu tư Le Mont.

Đầu tư Eco Valley Việt Nam có trụ sở tại Khu đô thị Crown Villas (Đường Cách Mạng Tháng Tám, Phường Gia Sàng, TP.Thái Nguyên, Tỉnh Thái Nguyên) - dự án do Thái Hưng làm chủ đầu tư.

Khu đô thị Crown Villas - dự án do Thái Hưng làm chủ đầu tư.

Thời điểm mới thành lập, vốn điều lệ của Eco Valley Việt Nam là 65 tỷ đồng, trong đó bà Nguyễn Thị Vinh (vợ ông Lê Hồng Khuê) nắm giữ tới 75% vốn; 10% vốn thuộc về bà Lê Thị Hồng Hạnh (con gái ông Khuê) và 15% còn lại do ông Hoàng Quốc Bình sở hữu.

Còn Đầu tư Le Mont được thành lập vào tháng 7/2020, cũng đặt trụ sở tại Khu đô thị Crown Villas. Vốn điều lệ ban đầu là 20 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: bà Lê Thị Hồng Hạnh (60%), Lê Đăng Khoa (20%) và bà Phạm Thị Cẩm Thương (20%).

Tính đến tháng 9/2023, vốn điều lệ của Đầu tư Le Mont là 350 tỷ đồng.

Theo giới thiệu trên website của Đầu tư Le Mont, doanh nghiệp này là chủ đầu tư Cụm công nghiệp Le Mont Xuân Phương (Xã Xuân Phương, Huyện Phú Bình, Tỉnh Thái Nguyên). Dự án có diện tích 75ha, mục đích phát triển khu đô thị tổng hợp và cụm công nghiệp.

Quay trở lại với mối quan hệ giữa Thái Hưng và các doanh nghiệp được "nhắc tên" trong BCTC của Khoáng sản Dương Hiếu, B.C.H và "ông lớn" ngành thép Thái Nguyên cũng có nhiều liên hệ mật thiết với nhau.

Tháng 5/2024, Thái Hưng mua vào gần 1,9 triệu cổ phiếu BCA của Công ty CP B.C.H; nâng tỷ lệ sở hữu lên 9,83% và trở thành cổ đông lớn của doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa BCA và Thái Hưng không phải mới bắt đầu từ đây. Tháng 12/2023, CTCP B.C.H đã mua lại Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang (TQIS) từ nhà đầu tư nước ngoài. Đáng chú ý, người được BCA ủy quyền nắm giữ 100% vốn (hơn 2.167 tỷ đồng) tại TQIS chính là ông Nguyễn Duy Luân - Phó Tổng Giám đốc Thái Hưng.

Không chỉ đứng tên tại một số doanh nghiệp trong "hệ sinh thái" của Thái Hưng, ông Luân từng là Chủ tịch HĐQT BCA, đến tháng 6/2022, vị trí này được chuyển sang cho ông Phạm Bá Phú.

Giống như ông Phạm Duy Luân, ông Phú cùng 2 nhân sự cấp cao khác của BCA là Tổng Giám đốc Đặng Ngọc Hưng và thành viên HĐQT Nguyễn Tống Thắng đều là thể nhân có liên quan với Thái Hưng.

Ngoài ra, BCTC hợp nhất năm 2024 đã kiểm toán của BCA thể hiện, tính đến ngày 31/12/2024, doanh nghiệp này nắm giữ lượng cổ phiếu có giá trị gần 9,8 tỷ đồng của Khoáng sản Dương Hiếu. Đây cũng là mã cổ phiếu duy nhất mà B.C.H đầu tư tại thời điểm cuối năm 2024.

Bạch Hiền-Link gốc

Đang tải nội dung...

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long