Chứng khoán HSC khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu DGC với giá mục tiêu 135.100 đồng/cp và tiềm năng tăng giá 17%.
Theo báo cáo mới cập nhật về Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC), Chứng khoán HSC cho biết đây là doanh nghiệp hóa chất hàng đầu tại Việt Nam với triển vọng tích cực.
Thành lập năm 1963, DGC chuyên sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm từ phốt pho bao gồm phốt pho vàng, axit photphoric, phân bón và phụ gia thức ăn chăn nuôi. Khởi đầu là một doanh nghiệp nhà nước, DGC được cổ phần hóa vào năm 2004, niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vào năm 2014 và sau đó chuyển sang Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HSX) vào năm 2020. DGC đã trở thành doanh nghiệp hóa chất hàng đầu tại Việt Nam, hoạt động tích cực trong toàn bộ chuỗi giá trị phốt pho. Vốn hóa thị trường của DGC là 1,7 tỷ USD; theo đó, đây là một trong 30 công ty lớn nhất trên HSX.
DGC ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục trong năm 2022, nhờ giá phốt pho vàng (P4) tăng mạnh. Kể từ đó, lợi nhuận đã suy yếu, giảm 44% trong năm 2023 và lợi nhuận thuần nhiều khả năng sẽ đi ngang trong năm 2024.
Tuy nhiên, HSC nhận định lợi nhuận của DGC sẽ cải thiện đáng kể từ quý 4/2024 nhờ nhu cầu/giá P4 phục hồi, trong khi các gói kích thích kinh tế ở Trung Quốc cùng với triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ ở khu vực châu Á (đặc biệt là Nhật Bản/Hàn Quốc) sẽ tiếp tục thúc đẩy KQKD của DGC trong dài hạn. Lợi nhuận thuần dự báo tăng trưởng với tốc độ tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR 2) năm đạt 16% nhờ các sản phẩm từ phốt pho và các dự án mới, chẳng hạn như dự án Eethanol và dự án Nghi Sơn.
Được biết Hoá chất Đức Giang hiện là doanh nghiệp có sản lượng xuất khẩu lớn nhất châu Á về phốt pho vàng - vật liệu quan trọng trong công nghệ sản xuất chất bán dẫn và trong ngành F&B.
Việt Nam sở hữu các mỏ quặng apatit phù hợp để sản xuất P4. Việc DGC sở hữu các mỏ apatit ở Lào Cai mang lại lợi thế đáng kể về chi phí, vì quặng apatit chiếm 23% đến 30% chi phí sản xuất P4. Khả năng tự cung tự cấp này (lên đến 90%) cho phép DGC kiểm soát tốt hơn lợi nhuận của mình, nhất là trong bối cảnh thị trường biến động.
DGC hiện đang vận hành khai trường 25, với trữ lượng 3,7 triệu tấn và sở hữu giấy phép khai thác mỏ này từ năm 2021 đến cuối năm 2026. Sản lượng khai thác hằng năm của mỏ này sẽ vào khoảng 670.000 tấn, bao gồm cả loại 1 và loại 3. Chất lượng quặng apatit từ mỏ này có độ tinh khiết cao và tạo lợi thế rất lớn cho DGC trong việc sản xuất P4 chất lượng cao để xuất khẩu.
Mặc dù các quốc gia như Trung Quốc và một số bang ở Mỹ có trữ lượng phù hợp để sản xuất P4 nhưng các khu vực này không tích cực tham gia vào thị trường toàn cầu do những thách thức như giá điện cao, thuế xuất khẩu và chiến lược tập trung vào việc tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn sử dụng P4 làm nguyên liệu đầu vào chính.
Điện chiếm hơn 40% chi phí sản xuất P4. Giá điện cho doanh nghiệp của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cạnh tranh nhờ các chính sách của Chính phủ nhằm hỗ trợ tăng trưởng công nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài. Lợi thế về chi phí này giúp DGC có vị thế thuận lợi trên thị trường P4 toàn cầu.
Bên cạnh đó, thuế suất thuế TNDN hiện hành thấp. DGC đã nhận được những ưu đãi về thuế rất lớn, với thuế suất TNDN hiện hành chỉ là 7% trong năm 2023 và 8,4% trong 9 tháng đầu năm 2024. Các ưu đãi thuế này đã hỗ trợ mạnh mẽ để DGC đạt được tỷ suất lợi nhuận thuần ấn tượng trong vài năm qua. Tuy nhiên, đến năm 2030, HSC ước tính thuế suất TNDN hiện hành sẽ vào khoảng 17%, vẫn thấp hơn mức thuế suất TNDN tiêu chuẩn quốc gia là 20%.
Yếu tố cạnh tranh mà DGC đang chiếm ưu thế đó là sở hữu công nghệ sử dụng quặng apatit dạng bột để sản xuất P4. DGC là công ty duy nhất trên toàn cầu sở hữu công nghệ tự phát triển để sản xuất P4 từ cả quặng apatit dạng cục và dạng bột. Năng lực này cho phép Công ty tối ưu hóa chi phí nguyên liệu thô, mang lại sự linh hoạt và hiệu quả cao hơn trong quy trình sản xuất.
Ảnh minh họa
Động lực tăng trưởng trong dài hạn quan trọng cho DGC đó là nhu cầu chip bán dẫn toàn cầu dự báo sẽ tăng trưởng mạnh do sự mở rộng nhanh chóng của các ngành công nghiệp chủ chốt như xe điện, trí tuệ nhân tạo và thiết bị điện tử tiêu dùng tiên tiến. Khi quá trình chuyển đổi số tăng tốc trên các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, viễn thông và sản xuất, nhu cầu về chip hiệu suất cao trở thành một nhu cầu thiết yếu. Các công nghệ mới nổi như 5G, điện toán đám mây và Internet vạn vật (IoT) cũng đang giúp thúc đẩy nhu cầu.
Thị trường bán dẫn toàn cầu dự báo sẽ đạt giá trị hơn 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030, tương đương tốc độ tăng trưởng CAGR giai đoạn 2024-2030 là 8,6%.
Thực tế cho thấy doanh thu bán dẫn hằng quý trên toàn cầu đã dần cải thiện đáng kể, tăng 18% so với cùng kỳ (và 9% so với quý trước) đạt 150 tỷ USD trong quý 2/2024. Điều này được dẫn dắt bởi sự phục hồi mạnh mẽ 17,4% so với cùng kỳ (và 3,7% so với quý trước) ở thị trường châu Á Thái Bình Dương (nơi tiêu thụ hầu hết phốt pho vàng của Việt Nam).
Theo đó, tính đến cuối quý 2/2024, doanh thu bán dẫn tại thị trường châu Á Thái Bình Dương đóng góp 54,5% doanh thu toàn cầu. HSC tin rằng đà tăng trưởng mạnh mẽ ở châu Á Thái Bình Dương sẽ giúp hỗ trợ nhu cầu P4 nói chung và DGC nói riêng vì các thị trường chính tiêu thụ P4 của DGC bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và UAE.
Một bước tiến đáng chú ý khác của Đức Giang đó là nhà máy ethanol dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động thương mại vào quý 4/2024. Công ty dự kiến sẽ có lợi nhuận từ HĐKD mới này nhờ nhu cầu mạnh mẽ đối với cả ethanol lẫn CO2 lỏng. Chứng khoán HSC dự báo doanh thu hằng năm của nhà máy này nếu hoạt động với công suất 70% và 100% cho năm 2025, 2026 sẽ tạo ra doanh thu hàng năm khoảng 1.000 đến 1.300 tỷ đồng với tỷ suất lợi nhuận thuần trong khoảng 10-15%.
Đồng thời Dự án Nghi Sơn sẽ khởi công xây dựng vào tháng 12/2024. Với thời gian thi công khoảng một năm, việc sản xuất thử nghiệm dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối năm 2025. DGC đã đặt hàng xong các máy móc cho dự án. Do đó, DGC kỳ vọng hoạt động thương mại sẽ bắt đầu từ đầu năm 2026 và sẽ sớm đạt công suất hoạt động tối đa vào khoảng năm 2027. HSC cũng đồng thời dự báo doanh thu hằng năm của nhà máy này nếu hoạt động với công suất 70% và 90% cho năm 2026, 2027 sẽ tạo ra doanh thu hàng năm khoảng 1.000 đến 1.300 tỷ đồng với tỷ suất lợi nhuận thuần trong khoảng 10-15%.
Dựa trên điều kiện kinh doanh hiện tại, Chứng khoán HSC dự báo, năm nay, Hóa chất Đức Giang sẽ ghi nhận tổng doanh thu là 10.515 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2023; lợi nhuận thuần đi ngang ở mức 3.125 tỷ đồng.
Cho năm 2025-2026, lợi nhuận thuần dự báo đạt lần lượt 3.678 tỷ đồng (tăng trưởng 18%) và 4.189 tỷ đồng (tăng trưởng 13,9%).
Chứng khoán HSC ra khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu DGC của Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang với giá mục tiêu 135.100 đồng/cp và tiềm năng tăng giá 17%.
Bình luận (10)