Hãy là người đầu tiên thích bài này
Dệt may “toả sáng” quý 3: Loạt DN báo lợi nhuận tăng trưởng 3 chữ số, triển vọng tương lai ra sao?

"Anh cả" của ngành dệt may Việt Nam - Vinatex (VGT) báo lãi sau thuế 230 tỷ đồng, tăng 186% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 9/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam đạt 2,98 tỷ USD, tăng 16% so với tháng 9/2023. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 27,4 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Bộ Công Thương đánh giá việc kinh ngạch xuất khẩu tăng trong 9 tháng năm 2024 cho thấy hoạt động xuất khẩu ngành dệt may đang cải thiện tích cực, khi tốc độ tăng trưởng ngày càng mở rộng so với những tháng đầu năm. Trong đó. Những thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng. Thị trường ASEAN, Nga, Canada… đang là điểm sáng tiềm năng để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may. Tuy nhiên xuất khẩu sang EU vẫn chậm.

Cũng theo Bộ Công Thương, tín hiệu đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may trong nước khá tích cực. Việt Nam là nước duy nhất trong bốn quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới có thị phần tăng trưởng ở các quốc gia. Trong đó, thị trường Mỹ tăng từ 17,6% lên 18,3%; châu Âu tuy nhập khẩu dệt may giảm khoảng 5,5% nhưng xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn giữ được thị phần ở thị trường này khoảng 4,4%, …

Với những tín hiệu tích cực từ bối cảnh chung của ngành, các doanh nghiệp trong nhóm dệt may đã ghi nhận kết quả tăng trưởng mạnh. Thậm chí, có nhiều cái tên báo lãi tăng bằng lần, lập những kỷ lục mới trong kết quả kinh doanh. 

"Anh cả" của ngành dệt may Việt Nam - Vinatex (VGT) công bố BCTC hợp nhất quý 3/2024 với doanh thu thuần đạt 4.588 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Khấu trừ các khoản chi phí, công ty báo lãi sau thuế 230 tỷ đồng, tăng 186% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất của doanh nghiệp này từ quý 3/2022 tới nay.

Theo giải trình từ phía công ty, lợi nhuận tăng trưởng mạnh là do sự phục hồi tốt của thị trường. Ngành may có sự cải thiện cả về giá và số lượng đơn hàng do tận dụng được sự dịch chuyển từ các thị trường Trung Quốc, Bangladesh và Myanmar. Ngành sợi thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, song các đơn vị sợi luôn bám sát thị trường, nhiều thời điểm chốt được giá bông, sợi tốt.

Hay có thể kể đến trường hợp của May Sông Hồng (MSH), quý 3/2024 công ty này ghi nhận doanh thu 1.748 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi các chi phí, May Sông Hồng lãi ròng hơn 130 tỷ đồng, hơn 2,5 lần cùng kỳ. Đây là mức lãi hàng quý cao nhất mà MSH đạt được kể từ quý 4/2019.

Ban lãnh đạo May Sông Hồng cho biết, kết quả kinh doanh quý 3/2024 tăng trưởng tích cực là nhờ công ty ký được nhiều đơn hàng trong quý và một số đơn hàng trong quý 2/2024 được xuất hàng vào đầu tháng 7/2024.

Ngoài những cái tên kể trên Việt Tiến, TNG, Dệt May Thành Công, Sợi Thế Kỷ... báo lợi nhuận tăng bằng lần. 

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hiện tình hình kinh tế vĩ mô đang khá thuận lợi, lượng tồn kho của các hãng thời trang giảm xuống đang cho thấy tín hiệu tích cực về đơn hàng dệt may trong những tháng cuối năm. Lạm phát ở Mỹ thấp, đã có tín hiệu một đợt giảm lãi suất vào tháng 9 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), có thể cuối năm sẽ có một đợt giảm lãi suất nữa. Lãi suất của Anh vừa giảm lần thứ 2 vào ngày 1/8 kể từ tháng 3/2020 với mức giảm 0,25%, hy vọng sức cầu của thị trường sẽ tăng lên.

Cùng với đó, mức giảm tồn kho của các hãng thời trang lớn trên thế giới cũng khá tích cực trong quý 2 vừa qua, đơn cử Nike giảm tới 11%, Levi’s giảm 7%, kết quả kinh doanh cũng như lợi nhuận của các hãng được cải thiện ở mức khá bền vững. Vì vậy, Bộ Công Thươmg cho rằng các doanh nghiệp dệt may đang đặt nhiều hy vọng giá đơn hàng sẽ được cải thiện, các doanh nghiệp dệt may sẽ có hiệu quả tích cực hơn so với năm trước.

Năm 2024, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD. Với những tín hiệu tích cực của thị trường, Bộ Công Thương đánh giá mục tiêu nêu trên có thể đạt được. Tuy nhiên ngành dệt may vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức do nhuầu thị trường chưa cải thiện ổn định, cước vận tải biển, chi phí sản xuất… được dự báo tiếp tục tăng tác động trực tiếp đến hiệu suất sản xuất, kinh doanh.

Bộ Công Thương cũng dự báo xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam tiếp tục cải thiện trong những tháng cuối năm và đầu năm 2025, nhờ yếu tố chu kỳ, đơn hàng dồi dào. Trong đó, xuất khẩu sang các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đang hồi phục tốt, riêng EU vẫn còn yếu. 

Còn theo chứng khoán VNDirect, CTCK này cho rằng ngành dệt may Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh với thế giới. VNDirect nhận định tính linh hoạt, nhanh nhạy và đa dạng sản phẩm là lợi thế lớn nhất của dệt may Việt Nam.

Theo khảo sát mới nhất của Hiệp hội Ngành Thời trang Hoa Kỳ (USFIA), ngành dệt may Việt Nam cạnh tranh nhất về tính linh hoạt và nhanh nhạy trong việc cung ứng dệt may, bao gồm việc đáp ứng thời hạn giao hàng, khối lượng và sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng. Việt Nam có hệ thống cảng biển lớn, lợi thế về địa lý và chính trị ổn định so với Bangladesh.

Việt Nam có chi phí vận chuyển đến Hoa Kỳ thấp hơn so với Ấn Độ, Indonesia và Sri Lanka, nhưng cao hơn Mexico. Tuy nhiên, Việt Nam vượt trội hơn Mexico nhờ nhân công rẻ hơn và kỹ năng sản xuất cao.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang dẫn đầu về khả năng sản xuất linh hoạt và đa dạng sản phẩm, nhờ vào việc đầu tư máy móc tiên tiến và lao động có tay nghề cao, theo USITC. So với Bangladesh, Việt Nam có khả năng cung cấp các sản phẩm giá trị cao và đa dạng như áo gile, áo khoác mùa đông và đồ bơi, trong khi Bangladesh chủ yếu sản xuất hàng loạt áo thun cơ bản.

Lợi thế thứ hai là việc chuyển đổi số mạnh mẽ. Theo FPT Digital, mức độ sẵn sàng cho chuyển đổi số của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam còn thấp, mặc dù chúng ta tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Theo ông Nguyễn Thế Phương, chuyên gia tư vấn tại FPT Digital, có tới 90% doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang nằm ngoài xu hướng chuyển đổi số. Khó khăn lớn nhất được đưa ra là vốn đầu tư, việc triển khai và duy trì các giải pháp công nghệ số do chi phí cao và hiệu quả về năng suất chưa thể hiện rõ trong ngắn hạn.

Lợi thế thứ 3 là việc VNDirect kỳ vọng có thể thu hút thêm khách hàng từ sự dịch chuyển nguồn cung ra khỏi Trung Quốc. Các công ty thời trang Mỹ đang lên kế hoạch đẩy nhanh việc “giảm thiểu sự phụthuộc vào Trung Quốc”, theo USFIA. Theo khảo sát mới nhất của USFIA, 80% số người tham gia khảo sát có kế hoạch cắt giảm nguồn cung hàng may mặc từ Trung Quốc trong hai năm tới.

Việt Nam, Bangladesh và Ấn Độ là những điểm đến phổ biến nhất mà các nhà khảo sát sẽ lựa chọn để thay thế. Những quốc gia này nhìn chung có năng lực sản xuất quy mô lớn và kinh nghiệm lâu năm trong sản xuất dệt may. VNDirect kỳ vọng ngành dệt may Việt Nam sẽ hưởng lợi không chỉ từ xu hướng này mà còn từ những lợi thế của chúng ta như đã đề cập ở trên.

Link gốc
 

Bình luận (5)

Tng đâu lều báo
08:04
Thê mà thằng vgt lái dìm hàng quá, nay làm cây trần xem nào, xác nhận tăng hết q4
08:09
MEDIA BƠM.RA RÔI TÍM CHO NHỎ LẺ CHÓT LÃI ĐI LÁI LỢN
08:14

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long