Hãy là người đầu tiên thích bài này
Đề xuất cấp khí LNG cho các doanh nghiệp và Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình

 Đây là một trong những nội dung được lãnh đạo Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) báo cáo đề xuất việc nghiên cứu, khảo sát đầu tư xây dựng dự án cung cấp khí LNG với tỉnh Thái Bình.

Chiều 16/4, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức buổi làm việc, nghe Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) báo cáo đề xuất việc nghiên cứu, khảo sát đầu tư xây dựng dự án cung cấp khí LNG tại địa bàn.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng khí đốt phục vụ sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế của Thái Bình không ngừng tăng. Năm 2023, sản lượng tiêu thụ khí của các doanh nghiệp đạt 62,8 triệu Sm3, dự kiến năm 2024 hơn 63 triệu Sm3 và năm 2025 hơn 69 triệu Sm3 khí. Giai đoạn đến năm 2030, tỉnh được quy hoạch Nhà máy nhiệt điện LNG công suất 1.500MW, công suất tiêu thụ khoảng 1,2 triệu tấn/năm.

Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình có tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD, với tổng công suất thiết kế 1.500 MW. Nhiên liệu sử dụng chính là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), địa điểm đặt tại xã Thái Đô, huyện Thái Thụy.

Theo quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh được quy hoạch 1 kho LNG để bảo đảm nguồn cung nhiên liệu ổn định cho Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình.

Tại buổi làm việc, đại diện PV GAS đã giới thiệu một số thông tin về quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh của đơn vị.

Hiện PV GAS đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư, phát triển hạ tầng kho tại miền Bắc. Về phương án cấp khí LNG cho dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình, PV GAS đề xuất giai đoạn 1 sẽ đầu tư kho nổi FSRU đặt ngoài khơi, kết nối cấp khí vào đường ống Thái Bình hiện hữu; giai đoạn 2 có tính dài hạn cấp khí từ kho LNG của PV GAS tại Nam Định hoặc Hải Phòng, kết nối vào đường ống Thái Bình hiện hữu. Ngoài ra, PV GAS cũng đang tích cực phối hợp với PVEP nhằm đưa vào phát triển nguồn khí nội địa từ mỏ Kỳ Lân – lô 103 và 107 nằm ở ngoài khơi biển Thái Bình.

Với phương án này, PVGAS cho rằng việc vận chuyển khí sẽ tối ưu, cung cấp ổn định và lâu dài, giá cả cạnh tranh nhất hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả, thúc đẩy kinh tế của Thái Bình phát triển mạnh mẽ. Nếu được triển khai, dự án sẽ có doanh thu dự kiến khoảng 1 tỷ USD/năm, đóng góp ngân sách nhà nước cho tỉnh khoảng 2.500 tỷ đồng/năm.

Lãnh đạo PV GAS mong muốn lãnh đạo tỉnh ủng hộ cho phép PV GAS là nhà phát triển hạ tầng cấp khí LNG cho các doanh nghiệp địa bàn tỉnh và Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Bình tặng quà lãnh đạo PVGas.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải nhấn mạnh, quan hệ giữa Thái Bình với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng như PV GAS luôn gắn bó và có nhiều sự hợp tác tốt đẹp. Vì vậy, các nội dung PV GAS đề xuất, tỉnh luôn ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để Tổng Công ty nghiên cứu đầu tư. Dự án này cũng phù hợp với xu hướng, định hướng phát triển và sẽ đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị PV GAS cân nhắc hoạch định chiến lược, đầu tư có tính dài hạn, quy mô phát triển đáp ứng năng lượng không riêng cho Thái Bình mà cả khu vực miền Bắc.

Về đề xuất cấp khí cho dự án nhiệt điện LNG Thái Bình, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, PV GAS chủ động trao đổi, đàm phán với liên danh nhà đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình, tỉnh sẽ hỗ trợ kết nối để các bên có thể gặp gỡ, đàm phán thỏa thuận hợp tác với nhau.

Các sở, ngành, địa phương của tỉnh sẽ hỗ trợ PV GAS nghiên cứu quy hoạch và các thủ tục pháp lý về đầu tư trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất để PV GAS có thể triển khai dự án tại Thái Bình trong thời gian tới.

Trần Anh - Mạnh Tùng

Link gốc

Bình luận (1)

Năm nay được mùa bán cho nhiệt điện
14:05

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long