Hãy là người đầu tiên thích bài này
DBD: Bidiphar sẽ bán 23,3 triệu cổ phiếu để xây thêm nhà máy

Bidiphar sẽ chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược dự kiến khoảng 23,3 triệu cổ phiếu, giá chào bán tối thiểu 50.000 VND/cổ phiếu, nhằm đầu tư đầu tư hai nhà máy mới.

Tăng trưởng tốt nhờ thị phần thuốc chống ung thư

CTCP Chứng khoán Phú Hưng (PHS) vừa dự báo CTCP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar; mã: DBD) sẽ ghi nhận doanh thu thuần trong năm 2024 tăng 9,1% và năm 2025 tăng 9,8%, tương ứng đạt từ hơn 1,8 nghìn tỷ đến gần 2 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp trong năm 2024 dự kiến tăng 4% và năm 2025 là 21%.

Theo PHS, sau chiến lược tái cấu trúc kể từ năm 2020, thông qua việc mở rộng tệp khách hàng nhà thuốc tại kênh bán lẻ, DBD ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng khá tốt. Đặc biệt, giai đoạn 2019 - 2023, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của DBD ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép lần lượt đạt 6%/năm và 14%/năm.

Riêng sau 9 tháng năm 2024, doanh thu thuần của DBD đạt gần 1.250 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế tăng nhẹ so với cùng kỳ, đạt hơn 254,3 tỷ đồng.

Thuốc kháng sinh, thuốc điều trị ung thư và dung dịch thẩm phân là 3 nhóm thuốc điều trị chính của DBD. Ảnh: DBD

Năm 2024, DBD đặt mục tiêu doanh thu 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 320 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp đã hoàn thành hơn 62,4% mục tiêu doanh thu, gần 79,5% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm.

Theo phân tích của PHS, Bidiphar đang sản xuất danh mục thuốc gần 400 sản phẩm được phân loại thành 19 nhóm thuốc điều trị. Trong đó, thuốc kháng sinh, thuốc điều trị ung thư và dung dịch thẩm phân là 3 nhóm thuốc điều trị chính của doanh nghiệp, đóng góp khoảng 65% tổng doanh thu và 51% lợi nhuận gộp của doanh nghiệp sau 9 tháng.

Tại Việt Nam, việc sản xuất thuốc điều trị ung thư đang đặt ra những rào cản đáng kể cho các doanh nghiệp dược phẩm nội địa do cần nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng với chi phí R&D rất cao… Do đó, khoảng 88% nguồn cung thuốc điều trị ung thư tại Việt Nam là từ ngoại nhập.

Hiện, DBD là doanh nghiệp dược phẩm nội địa chiếm thị phần thuốc chống ung thư cao nhất trong cơ cấu đấu thầu thuốc kênh bệnh viện, đạt 62% trong thuốc chống ung thư nhóm 4, 5 sản xuất tại Việt Nam trong năm 2023.

PHS đánh giá, mảng thuốc chống ung thư của DBD có dư địa tăng trưởng dài hạn rất lớn dựa trên triển vọng gia tăng nhu cầu thuốc chống ung thư khi bệnh này là gánh nặng rất lớn cho con người trong tương lai. DBD là doanh nghiệp dược phẩm nội địa dẫn đầu sở hữu nhiều hoạt chất điều trị ung thư nhất khi đấu thầu tại kênh bệnh viện…

Đối với thuốc kháng sinh, các sản phẩm của DBD đã được hơn 100 cơ sở y tế tuyến trung ương tin dùng như: Bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM, Bệnh viện Phổi TW, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội…

Thị trường thuốc kháng sinh tại Việt Nam là thị trường rất phân mảnh, tồn đọng rủi ro cạnh tranh khá cao với hơn 30 doanh nghiệp tham gia đấu thầu kênh bệnh viện tại nhóm 3, 4, do đây là dòng thuốc dễ bào chế.

Dù vậy, mảng thuốc kháng sinh của DBD vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tốt nhờ 70% thuốc kháng sinh được bào chế ở dạng thuốc tiêm phục vụ kênh bệnh viện.

Trong khi đó, dòng sản phẩm dung dịch thẩm phân có mức độ cạnh tranh trong ngành khá thấp. DBD đang đứng thứ 3 trong 5 doanh nghiệp này với thị phần chiếm 24% tại kênh ETC trong năm 2023; ngoài ra, sản phẩm của DBD có mức giá thấp hơn 2 - 5 lần so với các sản phẩm ngoại nhập, tạo nên lợi thế cạnh tranh.

Đầu tư trăm tỷ để xây thêm nhà máy

PHS còn cho hay, trong giai đoạn 2024 - 2028, Bidiphar có kế hoạch đầu tư xây dựng 2 nhà máy mới đáp ứng tiêu chuẩn EU-GMP tại Khu Kinh tế Nhơn Hội nhằm nâng cao năng lực sản xuất, gồm: Nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ và Nhà máy sản xuất thuốc rắn dạng uống (OSD) Non-Betalactam.

Theo đó, Nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ được xây dựng trên diện tích gần 25.000m2 với vốn đầu tư 840 tỷ đồng, chủ yếu sản xuất thuốc tiêm, thuốc nhỏ mắt và các dạng thuốc vô trùng khác.

Nhà máy này được xây dựng theo tiêu chuẩn EU-GMP với công suất dự kiến đạt 120 triệu sản phẩm/năm. DBD đã khởi công xây dựng dự án này vào quý III/2023, dự kiến đưa vào vận hành từ quý I/2027; hiện đã hoàn thành xây dựng phần tòa nhà chính của dự án.

Còn Nhà máy sản xuất thuốc rắn dạng uống (OSD) Non-Betalactam dự kiến được xây dựng trên diện tích 16.220m2 với tổng vốn đầu tư là 822 tỷ đồng, chủ yếu sản xuất thuốc dạng rắn Non-Betalactam gồm thuốc viên nén, viên nén bao phim, viên nang cứng, thuốc gói, viên sủi. Theo kế hoạch, nhà máy dự kiến được khởi công từ năm 2025, đưa vào vận hành từ quý I/2027.

Đáng chú ý, để có kinh phí xây dựng các dự án nhà máy mới này, DBD đang có phương án chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược với tổng số cổ phiếu dự kiến là 23,3 triệu cổ phiếu, giá chào bán tối thiểu 50.000 VND/cổ phiếu.

Dự kiến, đợt phát hành này sẽ diễn ra trong giai đoạn 2024 - 2025, sau khi có sự chấp thuận từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. DBD vẫn đang tiến hành đàm phán với 4 nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tiêu chí tìm kiếm đối tác chiến lược là mang lại giá trị mới, có thể chuyển giao công nghệ và đồng hành lâu dài cùng doanh nghiệp này.

Link gốc

Bình luận (10)

🤣🤣🤣 hèn gì kéo bất chấp
19:08
DBD mà cứ kéo ác liệt thì tự doanh BMS vui nhất đấy nhỉ?
19:09
Tím
19:27

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long