Sau năm 2023 khá ảm đạm, hoạt động M&A ghi nhận phục hồi đáng kể ngay trong quý đầu năm. Các chuyên gia cho rằng còn yếu tố bất định về kinh tế cản trở sự ấm lên của thị trường M&A, song xu hướng giảm lãi xuất và định giá về mức hấp dẫn sẽ là động lực cho thị trường.
Hoạt động M&A nóng lên trong quý đầu năm. Nguồn: TACA
Sôi động trở lại
Theo dữ liệu gần nhất từ Dealogic, tổng giá trị các thương vụ M&A trên toàn cầu đã tăng khoảng 30% lên 755,1 tỷ USD trong quý I. Số lượng giao dịch trị giá hơn 10 tỷ USD đã tăng lên 14 giao dịch, so với con số 5 giao dịch cùng kỳ năm trước.
Một số thương vụ nổi bật tại Mỹ như Ngân hàng Capital One mua lại Công ty dịch vụ tài chính Discover Financial với giá 35,3 tỷ USD, Synopsys thâu tóm đối thủ phần mềm thiết kế Ansys với giá 35 tỷ USD, hay thương vụ sáp nhập trị giá 26 tỷ USD giữa 2 công ty năng lượng Diamondback Energy và Endeavour Energy.
Tại Việt Nam, thị trường M&A cũng sôi động hơn với nhiều thương vụ lớn được công bố ngay trong quý đầu năm. Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG) vào đầu tháng 4 công bố bán thành công 5% vốn Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ Bách Hóa Xanh – đơn vị sở hữu chuỗi bán lẻ hàng tiêu dùng Bách Hóa Xanh. Đối tượng mua là Quỹ đầu tư CDH Investments (Trung Quốc).
Giá trị thương vụ chưa được tiết lộ. Theo nguồn tin của Reuters hồi tháng 2, định giá Bách Hóa Xanh lên đến 1,7 tỷ USD. Tạm tính, giá trị thương vụ có thể đạt trên 2.000 tỷ đồng.
Dệt may Thành Công (mã: TCM) công bố đã chi khoảng 468 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế VAT) để mua Công ty TNHH Dệt may SY Vina từ Tập đoàn E-Land – cổ đông lớn sở hữu 47% vốn TCM. Dệt may SY Vina nằm tại khu công nghiệp Nhơn Trạch II, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai có diện tích gần 7,5 ha, có nhà máy dệt thoi, nhuộm, nhà máy may và vẫn còn dư địa mở rộng thêm.
Trao đổi với Tạp chí Nhà đầu tư, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch TCM cho biết mua SY Vina giúp tận dụng lợi thế trong chuỗi sản xuất bao gồm dệt, nhuộm và may - 3 công đoạn dự kiến sẽ mở rộng trong thời gian tới. Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị cho việc di dời nhà máy tại quận Tân Phú trong tương lai sau khi TP.HCM có chủ trương di dời các nhà máy sản xuất ra khỏi nội thành để thực hiện dự án dân cư và phức hợp theo quy hoạch.
Thời gian trước, công ty có kế hoạch mở rộng thông qua qua đầu tư nhà máy Vĩnh Long 3 và 4. Tuy nhiên, dịch bệnh kèm nhu cầu xuống thấp năm ngoái, kế hoạch đầu tư bị hoãn lại. Đến hiện nay, HĐQT Dệt may Thành Công xét thấy chi phí đầu tư mới không hiệu quả bằng việc mua lại nhà máy SY Vina.
Vào đầu năm, Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (mã: CTD) công bố hoàn tất thủ tục mua lại 100% vốn góp 2 công ty là Công ty TNHH Sinh Nam Metal (Việt Nam) và Công ty TNHH Cơ và Điện UG Việt Nam, giá trị thương vụ không được tiết lộ. Việc thâu tóm 2 doanh nghiệp trên phù hợp với định hướng phát triển của công ty.
Ông Võ Hoàng Lâm, Tổng giám đốc cho biết, cấu trúc của Coteccons gồm Unicons (sở hữu 100% vốn) là đơn vị dẫn đầu về sản phẩm nhà xưởng, khách sạn; FCC (sở hữu 42,4%) là công ty chuyên về hạ tầng và đã xây dựng đường tránh Phủ Lý tại Hà Nam. Đồng thời, công ty cũng đã thành lập một công ty con ở Mỹ, đặt văn phòng tại bang Florida. 2 doanh nghiệp vừa thâu tóm là về Facade (nhôm kính, cung cấp nguyên liệu làm bề mặt công trình) và ME (cơ điện).
Công ty cổ phần BCG Energy - thành viên của Tập đoàn Bamboo Capital (mã: BCG) công bố đã ký hợp đồng nguyên tắc về việc mua bán cổ phần với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa. Tâm Sinh Nghĩa động hoạt động dưới hình thức nhà máy xử lý, phân loại và đốt rác tại tại TP.HCM, Long An, Kiên Giang.
Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Bamboo Capital chia sẻ, sau hơn 1 năm tìm hiểu thị trường và phân tích chính sách, công ty quyết định đầu tư vào điện rác thông qua M&A, tiếp cận dự án đã có giấy phép sẵn trên thị trường. Tập đoàn dự kiến triển khai dự án điện rác ở 4 tỉnh thành tại Việt Nam.
Một thương vụ lớn khác được công bố trong quý đầu năm là Tập đoàn Home Credit ký thỏa thuận khung có điều kiện để chuyển nhượng 100% phần vốn góp trong Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam. Bên mua là The Siam Commercial Bank Public Company Limited (SCB), thành viên của SCBX Public Company Limited (SCBX). Thỏa thuận chuyển nhượng trị giá khoảng 800 triệu euro và quá trình chuyển giao dự kiến sẽ hoàn tất trong nửa đầu năm 2025, sau khi có chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và Thái Lan.
Định giá về mức hấp dẫn hỗ trợ hoạt động M&A
Dù thị trường M&A quý đầu năm tương đối sôi động nhưng nhiều chuyên gia bày tỏ không nên quá lạc quan. Trao đổi với Tạp chí Nhà đầu tư, ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng Giám đốc Công ty KPMG Việt Nam cho rằng thị trường M&A quả thực có sự ấm lên và hy vọng kéo dài. Tuy nhiên, sự ấm lên này rất chậm và gặp nhiều khó khăn. Do vậy, vị chuyên gia dự báo năm nay tiếp tục là năm khó khăn của thị trường M&A.
Tương tự, ông Đing Quang Hoàn, Phó Tổng Giám đốc Chứng khoán Vietcap (mã: VCI) nhận định các hoạt động IPO, M&A trong năm nay chưa có nhiều chuyển biến tích cực khi kinh tế vẫn gặp nhiều thách thức. Song, lãi suất đang có xu hướng giảm, định giá doanh nghiệp đã vào vùng hấp dẫn sẽ là yếu tố giúp thị trường vốn 2024 khởi sắc hơn 2023.
Thực tế thì nhiều doanh nghiệp có tiềm lực tài chính đang “rục rịch” chuẩn bị nguồn lực để mở rộng hoạt động kinh doanh, trong đó không loại trừ con đường M&A như một giải pháp tiết kiệm chi phí.
Haxaco – nhà phân phối Mercedes-Benz công bố dành ngân sách khoảng 200 tỷ đồng để đầu tư góp vốn hoặc mua cổ phần công ty con, công ty có cùng ngành nghề và tiềm năng phát triển sản xuất. Mục tiêu là để tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh, thời điểm thực hiện 2024 – 2025. Tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2024, ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch Haxaco úp mở về khả năng mua lại một doanh nghiệp trong mảng vận tải hành khách nhằm tận dụng hệ thống kinh doanh xe cũ.
Tập đoàn Bất động sản An Gia (mã: AGG) cho biết với tình hình tài chính bền vững sẽ không ngừng gia tăng quỹ đất sạch để triển khai dự án trong tương lai, đón đầu chu kỳ phát triển mới của thị trường. Công ty nhắm tới mở rộng quỹ đất tại khu vực quận 8, Thủ Đức, Bình Chánh (TP.HCM, Bình Dương – những khu vực đang được giới chuyên gia đánh giá vô cùng tiềm năng trong việc đáp ứng nhu cầu sản phẩm nhà ở thực, giá hợp lý).
Tại Tập đoàn Hà Đô (mã: HDG), ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch HĐQT tái khẳng định chiến lược tập trung vào lĩnh vực bất động sản và năng lượng. Trong giai đoạn trước, tập đoàn thực hiện mua lại nhiều dự án năng lượng và hoạt động này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh năm nay. Ở mảng bất động sản, bên cạnh triển khai M&A các dự án bất động sản khu đô thị, tập đoàn sẽ đẩy mạnh đầu tư các dự án khu công nghiệp tại các tỉnh miền Bắc (Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh...), mở rộng lĩnh vực hoạt động kinh doanh, tạo động lực tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, khó khăn là lúc thích hợp để nhiều doanh nghiệp trong nước nhìn nhận lại chiến lược, tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới, tập trung tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng dài hạn hơn, bền vững hơn. Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng các chiến lược, kế hoạch bài bản để tìm kiếm đối tác chung tay phát triển và M&A là một con đường được ưu tiên lựa chọn.
Mỹ Hà