Hãy là người đầu tiên thích bài này
Dấu ấn của ông Phương Hữu Việt tại Việt Phương Group và VietABank

Dưới sự dẫn dắt của ông Phương Hữu Việt, Việt Phương Group đã không ngừng mở rộng quy mô, xây dựng hệ sinh thái đa ngành với 4 lĩnh vực chính là khoáng sản; ngân hàng - tài chính; bất động sản và năng lượng.

Hệ sinh thái 4 trụ cột Việt Phương Group

Ông Phương Hữu Việt sinh năm 1964, tại tỉnh Bắc Ninh. Trình độ Tiến sĩ Kinh tế. Xuyên suốt từ năm 1997 đến 2017, ông là Đại biểu quốc hội, ủy viên Uỷ ban Kinh tế ngân sách Quốc hội.

Một trong những cột mốc làm nên tên tuổi ông Việt là là việc sáng lập và đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương.

Ông Phương Hữu Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (VPG) tiền thân là Công ty TNHH Thương mại, Đầu tư và Du lịch Việt Phương, được thành lập ngày 05/01/1996, với lĩnh vực kinh doanh chính là bất động sản và vận tải hành khách công cộng.

Hiện người đại diện pháp luật của doanh nghiệp này là Tổng Giám đốc Phương Minh Huệ. Bà Phương Minh Huệ là cháu gái ông Việt, từng là thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank).

Từ năm 2001, công ty bắt đầu đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau và đến, VPG là tập đoàn đa ngành với nhiều vị trí và nhiệm vụ khác nhau.

Trên website của mình, 4 lĩnh vực kinh doanh chính của doanh nghiệp này là Khoáng sản; Ngân hàng - Tài chính; Bất động sản và Năng lượng.

Các lĩnh vực hoạt động chính của Việt Phương Group.

Trong lĩnh vực khoáng sản, các dự án của Việt Phương Group trải rộng từ Bắc vào Nam. Tại Huế, VPG sở hữu Mỏ cát trắng Phong Điền với trữ lượng 27 triệu tấn. Công suất khai thác hơn 1 triệu tấn/năm. Tại Quảng Nam, Công ty MINCO với khả năng khai thác 180 nghìn tấn/năm với các sản phẩm Cát khuôn đúc và Kính xây dựng.

Đối với lĩnh vực bất động sản, một trong những dự án đầu tư sớm nhất của Việt Phương Group là Sơn Trà Resort&Spa, thuộc Công ty CP Sơn Trà, tọa lạc tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Dự án có quy mô 14ha đất và 20ha mặt biển, trải dài 1,3km bờ biển Sơn Trà.

Bên cạnh những doanh nghiệp được Việt Phương Group thông tin trên website, một doanh nghiệp có liên quan là Công ty TNHH Capella Group ra đời tháng 7/2015 có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, thời điểm đó thuộc sở hữu của ông Phương Hữu Việt.

Tuy nhiên sau đó, Chủ tịch VietABank đã thoái vốn khỏi Capella Group. Dù vậy, theo Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tại thời điểm thay đổi năm 2022, 2 cổ đông họ Phương là ông Phương Minh Tuấn đang nắm 30% vốn và bà Phương Thùy Liên đang có 40% vốn tại Capella Group.

Danh sách cổ đông Capella Group (Ảnh: Cổng Thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp).

Bà Phương Thùy Liên là chị gái của ông Phương Thành Long - Chủ tịch VietABank, cháu ông Phương Hữu Việt.

Về Capella Group, doanh nghiệp này có đơn vị thành viên là CTCP Bất động sản Capella (Capella Land), chuyên đầu tư và phát triển khu công nghiệp với các dự án như: KCN Gia Bình, Bắc Ninh (306,9ha); KCN Thanh Liêm với 150ha đã được cơ bản lấp đầy trong giai đoạn 1, nhiều dự án đầu tư lớn của Tập đoàn Hoa Sen, Tập đoàn Tân Hiệp Phát, Tân Á Đại Thành…

Bên cạnh đó, Capella Group còn là cổ đông sáng lập, góp 50% vốn điều lệ của CTCP Tập đoàn LEC (LEC Group) được thành lập vào tháng 11/2018, với quy mô vốn điều lệ ban đầu ở mức 300 tỷ đồng.

Capella Group là cổ đông sáng lập, góp 50% vốn điều lệ của CTCP Tập đoàn LEC (LEC Group).

LEC Group hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực logistics, bao gồm các dịch vụ cảng, kinh doanh kho bãi, vận chuyển.

Theo giới thiệu trên website, doanh nghiệp này đang có mối hợp tác với nhiều cảng lớn, trải dài khắp 3 miền trên cả nước, trong đó nổi bật là cảng Phú Thái (Hải Dương), cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế) và cảng Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu).

Bên cạnh đó, LEC Group còn là đơn vị vận chuyển, nhập khẩu dăm gỗ, viên nén gỗ, than đá (từ các quốc gia Indonesia, Nga, Úc) vào Việt Nam.

10 năm thăng trầm của "thuyền trưởng" Phương Hữu Việt tại VietABank

Trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng, Việt Phương Group là cổ đông lớn nhất của VietABank. VietABank được thành lập vào ngày 04/07/2003 trên cơ sở hợp nhất Công ty tài chính cổ phần Sài Gòn và Ngân hàng TMCP nông thôn Đà Nẵng.

Năm 2011, sau khi Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC)- cô đông lớn của VietABank chính thức thoái toàn bộ vốn khỏi VietABank, CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương của ông Phương Hữu Việt trở thành cổ đông lớn nhất, sở hữu 11,62% vốn điều lệ ngân hàng.

Tháng 8/2011, ông Phương Hữu Việt chính thức đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT VietABank. Trong năm này, ngân hàng cũng hoàn thành kế hoạch tăng vốn lên 3.098 tỷ đồng.

Ngày 19/10 vừa qua, VietABank đã công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của ngân hàng. Trong đó, cổ đông tổ chức lớn nhất vẫn là Tập đoàn đầu tư Việt Phương với gần 66 triệu cổ phiếu, tương ứng 12,21% vốn. Người có liên quan của Việt Phương sở hữu 41 triệu cổ phiếu, tương ứng 7,63% vốn.

Việt Phương Group là cổ đông lớn nhất của VietABank.

Về phía cổ đông cá nhân, ông Phương Hữu Việt là người nắm giữ lượng cổ phiếu lớn nhất hơn 24 triệu cổ phiếu, tương ứng lệ 4,55%, người liên quan cổ đông này cũng đang sở hữu 14,05% vốn điều lệ tại ngân hàng.

Kể từ khi ông Phương Hữu Việt nắm giữ chức vị Chủ tịch HĐQT VietABank, tại ngân hàng này đã diễn ra nhiều sự thay đổi. Năm 2012, thu nhập lãi thuần của ngân hàng giảm 18% so với năm trước. Ngân hàng báo lãi sau thuế 164 tỷ đồng, giảm 35%. Tỉ lệ nợ xấu ngân hàng trong năm này là 4,65%.

Từ năm 2013-2018, VietABank quyết liệt triển khai Dự án chiến lược và tái cấu trúc ngân hàng. Năm 2023, tỉ lệ nợ xấu tại ngân hàng được kiểm soát về mức 2,88%.

Những năm sau đó, kết quả kinh doanh của của VietABank liên tục được cải thiện. Lợi nhuận của ngân hàng tăng lên nhanh chóng. Trong vòng 10 năm, lợi nhuận của VietABank leo từ vùng trũng 47 tỷ đồng trong năm 2014 lên 654 tỷ đồng năm 2021.

Trong năm 2021, VietABank cũng thành công đem toàn bộ 445 triệu cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cp) lên giao dịch trên sàn UPCoM với mã VAB.

Cuối năm 2021, sau một thập kỷ gắn bó, ông Phương Hữu Việt từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT VietABank. Ông Phương Thành Long, cháu trai ông Việt chính thức được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT ngân hàng nhiệm kỳ 2018-2023.

Sau khi người đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT VietABank thay đổi, năm 2022, VietABank báo lãi sau thuế tăng 36,2% so với cùng kỳ do hoạt động, bán tài sản cấn trừ nợ mang lại hiệu quả, nhờ đó thu lãi thuần khác tăng 43,2% so với cùng kỳ.

Kết thúc quý III/2024, ngân hàng ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 462 tỷ đồng, tăng 3,2 lần so với cùng kỳ. Đối với khoản thu ngoài lãi của VietABank, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng cũng tăng 3 lần lên 41 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, VietABank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 1.514 tỷ đồng, tăng 40%. Ngân hàng báo lãi ròng trước thuế 793 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 639 tỷ đồng, tăng 32% so với 9 tháng đầu năm 2023.

Năm 2024, VietABank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.058 tỷ đồng. như vậy, kết thúc 3 quý năm 2024, ngân hàng đã thực hiện được 75% chỉ tiêu đề ra.

Link gốc

Bình luận

Chưa có bình luận
Hãy là người đầu tiên bình luận cho bài viết này.

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long