Đề xuất của Bộ Tài chính về việc thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán (CNCK) đang nhận được sự quan tâm lớn từ giới đầu tư. Nhiều ý kiến lo ngại việc đóng thuế cao sẽ giảm sức hút nguồn vốn vào thị trường.
Nhà đầu tư theo dõi biến động của thị trường chứng khoán tại văn phòng giao dịch KIS Việt Nam. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đề xuất thu thuế 20% lợi nhuận
Tại dự thảo sửa đổi Luật Thuế TNCN, Bộ Tài chính đề xuất, thuế TNCN đối với thu nhập từ CNCK của cá nhân cư trú được xác định bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất 20%. Thu nhập tính thuế được xác định bằng giá bán trừ giá mua và các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ CNCK trong kỳ tính thuế (theo năm). Trường hợp không xác định được giá mua và chi phí liên quan đến việc CNCK thì thuế được xác định bằng giá bán chứng khoán nhân với thuế suất 0,1% theo từng lần chuyển nhượng. Riêng đối với cá nhân không cư trú, thuế TNCN đối với thu nhập từ CNCK được xác định bằng giá CNCK nhân với thuế suất 0,1%.
Bộ Tài chính cho biết, trước đây, Luật Thuế TNCN 2007 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2009) quy định 2 phương pháp thu thuế đối với CNCK. Cụ thể, hoặc theo thuế suất 20% trên thu nhập năm (giá bán trừ đi giá mua và các chi phí liên quan); hoặc nếu không xác định được giá vốn, các chi phí liên quan và có chứng từ chứng minh thì nộp thuế 0,1% trên giá bán từng lần và không phải quyết toán thuế khi kết thúc năm tính thuế. Trường hợp cá nhân áp dụng phương pháp thu thuế theo thuế suất 20%, có kỳ tính thuế theo năm thì mỗi lần chuyển nhượng cá nhân tạm nộp thuế TNCN 0,1% trên giá bán chứng khoán từng lần, cuối năm quyết toán được trừ số tiền đã tạm nộp trong năm. Đến cuối năm, nếu cá nhân CNCK có yêu cầu quyết toán thuế theo thuế suất 20% trên thu nhập và có đầy đủ chứng từ chứng minh giá vốn và các chi phí liên quan thì thực hiện khai quyết toán thuế trực tiếp với cơ quan thuế. Tuy nhiên, quy định này được sửa đổi từ ngày 1-1-2015, thống nhất một phương pháp tính thuế TNCN đối với CNCK theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng từng lần.
Chưa thực sự phù hợp
Liên quan đến đề xuất của Bộ Tài chính, nhiều ý kiến cho rằng, mức thuế 20% trên lợi nhuận chuyển nhượng là quá cao, sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, thị trường sẽ kém hấp dẫn. Ông Phan Lê Thành Long, Chủ tịch AFA Group, đặt vấn đề, dự thảo Luật Thuế TNCN mới quy định 2 phương pháp tính thuế nhưng đối với mua bán chứng khoán, việc xác định giá mua, giá bán và chi phí giao dịch không khó. Vì vậy, sẽ buộc phải tính theo phương án 20%. Ông Long lấy ví dụ, một nhà đầu tư bán danh mục 2 tỷ đồng, nếu tính 0,1% thì nộp 2 triệu đồng (dù lãi hay lỗ). Còn nếu tính thuế 20% trên lãi, nếu lãi 7% thì nộp thuế 28 triệu đồng, còn lỗ không nộp thuế. Tổng thuế phải đóng là 28 triệu đồng, tương đương 0,7%, cao hơn mức 0,1% hiện tại. Còn đối với các quỹ đầu tư, nếu đầu tư 100 tỷ đồng vào cổ phiếu chưa niêm yết, sau khi lên sàn thành 5.000 tỷ đồng thì nếu tính thuế 0,1% hiện hành chỉ đóng 5 tỷ đồng; còn áp thuế 20% trên lãi thì tiền thuế phải đóng lên đến 980 tỷ đồng. “Mức thuế 20% trên lợi nhuận là quá cao, không phù hợp với thị trường với hơn 99% nhà đầu tư là cá nhân, dễ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và làm giảm sức hút thị trường. Đặc biệt, việc này sẽ ảnh hưởng lớn đến các quỹ đầu tư, đặc biệt là những quỹ đầu tư vào doanh nghiệp chưa niêm yết hoặc quỹ đầu tư mạo hiểm, trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến việc nâng hạng thị trường và phát triển chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế”, ông Phan Lê Thành Long nhận định.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích khối khách hàng cá nhân tại Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, dự thảo luật nói trên phù hợp thông lệ quốc tế khi hầu hết các loại thu nhập từ vốn ở nhiều quốc gia đều bị đánh thuế. Tuy nhiên, một số nước áp dụng chính sách miễn hoặc giảm thuế cho đầu tư dài hạn để khuyến khích dòng vốn ổn định vào thị trường. Mức thuế suất 20% như đề xuất hiện tại là khá cao và chưa thực sự phù hợp với tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam. Do đó, nên điều chỉnh thuế suất theo thời gian nắm giữ cổ phiếu, tương tự như quy định trong dự thảo về chuyển nhượng bất động sản. Cùng nhận định, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam, cho rằng, để tránh tác động tiêu cực đến dòng vốn, nhất là từ nhà đầu tư nước ngoài, chính sách thuế cần hướng đến hỗ trợ và tạo thuận lợi cho cả nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức khi tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đề xuất, chỉ nên áp dụng thuế trên phần lợi nhuận đối với giao dịch CNCK cho các công ty niêm yết. Phương pháp này dễ triển khai do có thể xác định giá mua, giá bán bình quân mà không phụ thuộc vào hạ tầng công nghệ. Ưu điểm của cách tính này là đã khấu trừ giá vốn, khắc phục bất cập khi khoảng 70% nhà đầu tư thua lỗ vẫn phải nộp thuế. Để thúc đẩy thị trường và thu hút cả nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp, VAFI đề xuất mức thuế suất hợp lý là 3%, tính trên phần chênh lệch giữa giá bán và giá mua bình quân. Còn đối với nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam, VAFI kiến nghị áp dụng cơ chế thuế tương tự như nhà đầu tư cá nhân trong nước.
HẠNH NHUNG - MAI HOA
Bình luận (26)





