Dàn lãnh đạo SSI, FPT, Hòa Phát, MB... gây chú ý với loạt phát ngôn đáng chú ý về cổ tức, AI, dòng tiền và chiến lược phát triển tại Đại hội đồng cổ đông 2025.
Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Quân Đội năm 2025 với số lượng cổ đông tham gia kỷ lục. Ảnh: Quốc Huy
Đặt việc quản trị rủi ro lên cao nhất
Mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2025 ghi nhận nhiều phát ngôn đáng chú ý từ lãnh đạo các doanh nghiệp lớn, phản ánh định hướng phát triển và cách ứng phó trước bối cảnh kinh tế nhiều biến động.
Tại Chứng khoán SSI (Mã: SSI), ĐHĐCĐ diễn ra chiều 18.4, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Duy Hưng chia sẻ: "Kế hoạch kinh doanh đã được xây dựng từ tháng 11.2024 trước khi xảy ra những sự kiện gần đây. Chúng tôi cũng rất lo về thuế quan từ Mỹ. Trước đó vốn ngoại rút rất nhiều nhưng lãnh đạo Việt Nam có những bước đi mạnh mẽ để doanh nghiệp phát triển, với các cam kết đó thì không có lý do gì thay đổi kế hoạch kinh doanh”.
Với kết quả quý I, doanh nghiệp càng tự tin với kế hoạch kinh doanh, thậm chí có thể vượt. Ông Hưng cũng nhấn mạnh: "SSI đặt việc quản trị rủi ro lên cao nhất trong hàng chục năm, không có hệ quả gì sau mỗi lần thị trường biến động mạnh, không thể nói trước là không có vấn đề gì, nhưng chúng ta cố gắng để hoàn thành kế hoạch".
Tại ĐHĐCĐ thường niên CTCP Fecon (Mã: FCN) diễn ra sáng 28.4, giải đáp thắc mắc của cổ đông về việc ưu tiên vào mảng đầu tư hay thi công, ông Phạm Việt Khoa - Chủ tịch HĐQT cho biết: "Theo chiến lược đặt ra, Fecon có kế hoạch tăng trưởng cả hai mảng thi công và đầu tư. Giai đoạn 4 - 5 năm qua, mảng đầu tư rất khó khăn trong việc hiện thực hoá doanh thu và lợi nhuận, song công tác triển khai dự án thì tích cực. Điểm rơi lợi nhuận sẽ là từ năm 2025 tới 2027, đặc biệt năm 2027 kết quả sẽ rất khả quan khi bán xong dự án Square City và hai khu công nghiệp".
Tuy nhiên, ông Khoa cũng khẳng định nghề cốt lõi của Fecon vẫn là xây dựng, với kế hoạch từ 2028 - 2029 trở đi, mảng thi công tiếp tục chiếm 60% lợi nhuận, còn mảng đầu tư chiếm 40%.
"Lúc nào cũng có khoảng 25.000 tỉ tiền mặt"
Đối với CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG), trước câu hỏi về khả năng chi trả lãi vay và gốc vay của tập đoàn, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long cho biết: "Hiện tập đoàn có cơ cấu vay lành mạnh, tổng thực vay của Hoà Phát trên vốn chủ là 0,5 cuối năm 2024 và tăng lên 0,6 cuối quý I/2025. Đây là mức tỷ suất vay thấp, an toàn so với quy chuẩn trên thế giới. Hiếm có tập đoàn lớn nào có tỷ suất vay thấp như Hoà Phát. Kế hoạch trả nợ tập đoàn đã có sẵn. Lúc nào chúng tôi cũng có khoảng 25.000 tỉ đồng tiền mặt".
Đối với phương án chi trả cổ tức, theo tờ trình ban đầu, Hòa Phát dự kiến chia cổ tức tổng tỷ lệ 20% gồm 5% tiền mặt và 15% cổ phiếu. Tuy nhiên, ông Long cho biết trước chính sách áp thuế đối ứng của Mỹ, Hội đồng quản trị đã quyết định không chia cổ tức tiền mặt mà trả toàn bộ bằng cổ phiếu "trên cơ sở thận trọng và đảm bảo nguồn vốn tiền mặt trước những biến động ở tầm quốc tế".
Đây là năm thứ ba liên tiếp Hòa Phát không chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông. Ông Long cam kết: "Từ 2026, Hoà Phát sẽ chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông nếu nền kinh tế không có thêm bất ổn".
Mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20% là kỷ luật
Đáng chú ý, tại ĐHĐCĐ thường niên CTCP FPT (Mã: FPT), chiều 15.4, Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình phát biểu: "Mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20%/năm là kỷ luật của FPT, bằng mọi cách phải làm được".
Ông Bình đánh giá mục tiêu tăng trưởng 20% là một thách thức và cho rằng: "Giá cổ phiếu phụ thuộc vào nhiều chuyện, chúng tôi không có ý định tác động đến giá cổ phiếu. Chúng tôi sẽ đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận và quan hệ cổ đông tốt nhất trên thị trường. Hy vọng hai yếu tố này sẽ tác động tích cực đến giá cổ phiếu của FPT".
Về mảng trí tuệ nhân tạo, ông Bình cho biết: "AI càng phổ cập, bình dân hóa thì nhu cầu nhà máy AI càng lớn. Dựa trên nhu cầu thực tế của khách hàng, chúng tôi sẽ có kế hoạch mở rộng các nhà máy phù hợp".
Chuyển đổi số tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của nhiều doanh nghiệp tại mùa đại hội năm nay. Tại Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB), Chủ tịch Hội đồng quản trị Lưu Trung Thái nhấn mạnh: "Chuyển đổi số không phải để cắt người, mà để tăng năng suất lao động".
MB ưu tiên tự động hóa quy trình, tái đào tạo nhân lực cho các vị trí có giá trị gia tăng cao, đồng thời đầu tư khoảng 80% ngân sách công nghệ hai năm tới vào bảo mật và ngân hàng số MBV.
Trong bối cảnh nhiều ngân hàng thời gian qua ghi nhận xu hướng cắt giảm nhân sự nhằm tối ưu chi phí và thích ứng với chuyển đổi số, phát biểu của ông Lưu Trung Thái thu hút sự chú ý.





