Lần đầu tiên trong lịch sử, một người mới chỉ hơn 23 tuổi gia nhập Top 20 người giàu nhất thị trường chứng khoán, thậm chí là đang "sáng cửa" áp sát Top 10.
VN-Index kết thúc năm 2024 với mức tăng 12%. Tuy nhiên, năm vừa qua lại là năm không mấy vui của những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam khi phần lớn những doanh nhân trong Top 10 chứng kiến giá trị lượng cổ phiếu của mình tăng thấp hơn nhiều so với VN Index, thậm chí giảm.
Niềm vui chỉ đến với một số ít người như chủ tịch FPT Trương Gia Bình hay chủ tịch Thế giới di động Nguyễn Đức Tài.
Tổng tài sản của 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam tính đến cuối năm 2024 đạt 276.000 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 3000 tỷ so với năm trước và trải qua 3 năm liên tiếp con số này ở dưới mức 300 nghìn tỷ đồng và chưa bằng ½ so với mức đỉnh đạt được vào cuối năm 2021.
Mặc dù vẫn dẫn đầu nhưng khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đến cuối năm 2024 chỉ còn 91.000 tỷ đồng – giảm 9.000 tỷ so với năm trước và ghi nhận lần đầu tiên xuống dưới mức 100.000 tỷ đồng kể từ năm 2017.
Khối tài sản này bao gồm cả cổ phiếu Vingroup ông Vượng nắm giữ trực tiếp và gián tiếp thông qua các công ty như CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, GSM hay VMI.
Một người khác trong Top10 cũng chứng kiến lượng cổ phiếu sụt giảm nhẹ về giá trị là chủ tịch Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo, giảm 2% xuống 23.500 tỷ đồng.
Tài sản của vợ chồng chủ tịch Hòa Phát, chủ tịch Sunshine Đỗ Anh Tuấn cùng bộ đôi tỷ phú Nguyễn Đăng Quang – Hồ Hùng Anh chỉ tăng 1-7% so với năm trước, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng của chỉ số chung.
Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long ở vị trí thứ 2 với 44.000 tỷ đồng, tăng gần 5% so với năm trước. Các doanh nhân còn lại đều nắm giữ lượng cổ phiếu trị giá thấp hơn 25.000 tỷ đồng, tương đương mức 1 tỷ USD.
Trong khi tài sản của chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh chỉ tăng 7% lên 21.500 tỷ đồng thì tài sản của vợ ông, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy đã tăng gấp rưỡi lên hơn 9.000 tỷ đồng nhờ cổ phiếu TCB tăng 60% trong năm, qua đó thứ hạng trong top người giàu nhảy vọt từ 19 lên 10. Sự khác biệt này chủ yếu do tài sản của ông Hồ Hùng Anh phần lớn đến từ Masan Group.
Mức tăng trưởng tài sản ấn tượng nhất trong Top 10 thuộc về chủ tịch FPT Trương Gia Bình khi tăng 82%, tương ứng tăng thêm hơn 7.000 tỷ lên 15.600 tỷ đồng. Hòa cùng xu hướng tăng giá của cổ phiếu công nghệ toàn cầu, FPT đã tăng liên tục trong suốt cả năm 2024 và hiện là công ty tư nhân lớn nhất sàn chứng khoán với vốn hóa đạt 224.000 tỷ đồng. Năm nay 69 tuổi, ông Bình hiện cũng là người lớn tuổi nhất trong Top 10.
Tăng 40% so với năm trước, chủ tịch Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài cũng quay trở lại Top 10 với khối tài sản 11.300 tỷ đồng.
Hai người ra khỏi Top 10 so với thời điểm cuối năm 2023 là chủ tịch Phát Đạt Nguyễn Văn Đạt (hạng 9 xuống 12) và chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn (hạng 8 xuống 22) – phản ánh tình cảnh khó khăn chung của các doanh nghiệp địa ốc.
Trong các vị trí từ 11 đến 20, đáng chú ý có sự góp mặt của 2 người con của ông Hồ Hùng Anh là ông Hồ Anh Minh (sinh năm 1995) và bà Hồ Thủy Anh (sinh năm 2001), mỗi người sở hữu 8.500 tỷ đồng và chia sẻ vị trí thứ 13, tăng 9 bậc so với năm trước.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một người mới chỉ hơn 23 tuổi gia nhập Top 20 người giàu nhất thị trường chứng khoán, thậm chí là đang "sáng cửa" áp sát Top 10.
Các gương mặt còn lại trong Top 20 vẫn là những cái tên quen thuộc như chủ tịch Vicostone Hồ Xuân Năng, chủ tịch DGC Đào Hữu Huyền hay chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng…
Câu lạc bộ những doanh nhân sở hữu lượng cổ phiếu trị giá từ 1.000 tỷ đồng trở lên hiện có khoảng 120 người.
Gương mặt mới lần đầu góp mặt trên sàn chứng khoán đáng chú ý nhất là chủ tịch AIG Nguyễn Thiên Trúc, hiện sở hữu 2.400 tỷ đồng. AIG Group - doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nguyên liệu thực phẩm – là một trong những doanh nghiệp lớn hiếm hoi lên sàn trong năm qua.
Không phải là gương mặt xa lạ nhưng với việc mua thêm lượng lớn cổ phiếu SHB, phó chủ tịch SHB Đỗ Quang Vinh (con trai lớn của bầu Hiển) cũng lần đầu vào CLB nghìn tỷ với lượng cổ phiếu nắm giữ hiện có trị giá 1.200 tỷ đồng.
Việc các ngân hàng thực hiện quy định công bố các cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ trở lên cũng hé mở nhiều "đại gia" kín tiếng sở hữu khối tài sản lớn. Điển hình trong số này là bà Ngô Thu Thúy – chủ tịch công ty vận tải biển Âu Lạc nhưng lại có "đam mê" với cổ phiếu ngân hàng.
Hai người con của bà Thúy, Nguyễn Thiên Hương Jenny và Nguyễn Đức Hiếu Johnny hiện sở hữu lượng cổ phiếu ACB có trị giá lần lượt là 1.500 tỷ và 1.200 tỷ đồng.
Bình luận (7)