Trong bối cảnh cả nước thực hiện chuyển đổi số, miếng bánh thị trường Cloud đang cạnh tranh khốc liệt, nhiều “ông lớn” công nghệ đang đầu tư mạnh mẽ để chiếm lĩnh thị phần.
Trung tâm dữ liệu của CMC tại Tân Thuận, quận 7 (TP.HCM)
Thị trường tỉ USD
Dịch vụ đám mây (Cloud) đã trở thành một yếu tố quan trọng đối với cá nhân và doanh nghiệp. Dịch vụ này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, mà còn cung cấp sự linh hoạt và khả năng mở rộng nhanh chóng.
Việt Nam, với tốc độ phát triển kinh tế và sự hội nhập quốc tế ngày càng cao, đã trở thành một thị trường tiềm năng cho các nhà cung cấp dịch vụ Cloud cả trong và ngoài nước.
Theo nghiên cứu của Frost & Sullivan, năm 2023 thị trường dịch vụ Cloud tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng 20- 30%, trong đó Việt Nam nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.
Trong những năm gần đây, thị trường dịch vụ Cloud tại Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, dự báo sẽ đạt khoảng 1 tỉ USD vào năm 2025 và hơn 1,2 tỉ USD vào năm 2030. Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của dịch vụ Cloud tại Việt Nam dự kiến đạt gần 30% trong giai đoạn 2020-2025.
Nhu cầu sử dụng dịch vụ Cloud bắt nguồn từ sự gia tăng của các công ty công nghệ, khởi nghiệp, trong khi các doanh nghiệp truyền thống đang dần chuyển đổi sang mô hình kinh doanh số hóa.
Việt Nam có dân số trẻ, thông thạo công nghệ, tốc độ phổ cập Internet nhanh. Chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành, đặc biệt là các chính sách về quản lý và lưu trữ dữ liệu, chẳng hạn như Nghị định 53/2022/NĐ-CP về nội địa hóa dữ liệu, hay Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Những yếu tố này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường dịch vụ Cloud tại Việt Nam.
Những "tay chơi" lớn trên thị trường
Thị trường Việt Nam hiện có hơn 40 doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ Cloud, trong đó có các "tay chơi" lớn như Google, Microsoft, Amazon, Huawei... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước như FPT, Viettel, CMC, VNG và VNPT cũng không ngừng mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ của mình. Hiện tại, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn chiếm phần lớn thị phần dịch vụ Cloud tại Việt Nam.
Cụ thể, Amazon Web Services (AWS) hiện là công ty chiếm thị phần lớn nhất (33%) tại thị trường dịch vụ Cloud ở Việt Nam. Công ty này cung cấp nhiều dịch vụ linh hoạt, từ lưu trữ dữ liệu, phân tích dữ liệu lớn đến trí tuệ nhân tạo.
Cạnh tranh trực tiếp với AWS, Microsoft Azure tập trung vào việc cung cấp các giải pháp tích hợp với hệ sinh thái Microsoft, thu hút các doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm của Microsoft. Hiện thị phần của Microsoft là 21%.
Google Cloud cũng chiếm thị phần là 21%. Công ty này tập trung vào việc cung cấp các giải pháp dữ liệu và phân tích mạnh mẽ.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp như Alibaba, Digital Ocean và Vultr chiếm thị phần không đáng kể, khoảng 3%.
Về Huawei, dù chưa có con số chính thức cụ thể về thị phần của Huawei Cloud tại Việt Nam, công ty đã thể hiện sự cam kết mạnh mẽ đối với khu vực thông qua việc hợp tác với hơn 200 đối tác địa phương, hỗ trợ 5 nhà mạng lớn và phục vụ hơn 400 khách hàng doanh nghiệp. Sự mở rộng và cam kết của Huawei Cloud trong việc phát triển các giải pháp dịch vụ điện toán đám mây đã thu hút nhiều sự chú ý từ các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Trong khi đó các doanh nghiệp Việt hiện chỉ chiếm 22% thị phần dịch vụ Cloud tại Việt Nam, trong đó Viettel chiếm tỷ lệ 25%, CMC là 15%, FPT 12%, VNPT 10%, VC Corp 6% và các nhà cung cấp khác chiếm tỷ lệ 22%.
Cuộc đua xây trung tâm dữ liệu
Một trong những yếu tố quan trọng cấu thành nên dịch vụ đám mây chính là các trung tâm dữ liệu. Các trung tâm dữ liệu đạt chuẩn quốc tế, ngoài việc được sử dụng để cho thuê máy chủ hoặc đáp ứng nhu cầu xử lý công việc nội bộ, thì còn được sử dụng để cung cấp các dịch vụ Cloud, đặc biệt là dịch vụ Cloud tích hợp AI.
Theo thống kê của Savills, Việt Nam hiện có 33 trung tâm dữ liệu với tổng số 48 nhà cung cấp dịch vụ và ước tính công suất khoảng 80MW tính đến quý I/2024. Trong đó có 16 trung tâm đặt ở Hà Nội và 13 ở TP.HCM. Quy mô thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam dự kiến sẽ có tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 10,68% trong giai đoạn 2022-2028, đạt 1,037 tỉ USD vào năm 2028.
Trong vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp nội địa đã đầu tư hàng nghìn tỉ đồng, thậm chí hàng chục nghìn tỉ đồng để xây dựng các trung tâm dữ liệu.
Đầu tiên phải kể đến Viettel khi doanh nghiệp này hồi tháng 4 vừa qua đã khai trương trung tâm dữ liệu thứ 14 của họ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Trung tâm này được thiết kế với 60.000 máy chủ, hơn 2.400 tủ rack, 21.000 m2 diện tích mặt sàn, tổng công suất điện tiêu thụ lên đến 30MW - quy mô lớn gấp 2 lần trung tâm dữ liệu lớn nhất đang được khai thác tại Việt Nam. Trung tâm này được thiết kế và triển khai đảm bảo an toàn vật lý 5 lớp, đây là mức cao nhất hiện nay. Được biết, tổng vốn đầu tư của trung tâm này lên tới 6.000 tỉ đồng.
Theo tiết lộ của ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel, đến năm 2025 doanh nghiệp này sẽ đầu tư thêm 10.000 tỉ đồng để mở rộng quy mô trung tâm dữ liệu và đến năm 2030 sẽ nâng mức đầu tư lên 40.000 tỉ đồng, nâng số lượng tủ rack lên mức 34.000 tủ.
Trung tâm dữ liệu của Viettel tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc
Trong khi đó, trung tâm dữ liệu của CMC đặt tại Tân Thuận (TP.HCM) cũng là một trung tâm dữ liệu hiện đại hàng đầu Việt Nam. CMC đã đầu tư hàng nghìn tỉ xây dựng trung tâm dữ liệu theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng các yêu cầu cao nhất về dịch vụ dữ liệu và Cloud cho các doanh nghiệp. Hiện CMC Telecom đang nắm 40% thị phần dịch vụ dữ liệu cho các ngân hàng nội địa.
Hồi tháng 8/2023, VNPT cũng đưa vào hoạt động trung tâm dữ liệu thứ 8 của mình với diện tích mặt sàn còn lớn hơn cả Viettel - 23.000m2 so với 21.000m2. Tuy nhiên, số tủ rack ít hơn, chỉ khoảng 2.000 tủ. Trung tâm này đã đạt chứng chỉ Tier 3, cấp gần cao nhất sau Tier 4. Đây là tiêu chuẩn quốc tế đánh giá về các tiêu chí như thiết kế, vận hành, quản lý... của một trung tâm dữ liệu.
Theo báo cáo của Tập đoàn bất động sản và quản lý đầu tư JLL, chi phí xây dựng trung tâm dữ liệu ở Việt Nam từ 6 triệu USD (hơn 150 tỉ đồng) tới 13 triệu USD (hơn 300 tỉ đồng) mỗi MW.
FPT sắp khánh thành trung tâm dữ liệu thứ 4 của mình tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Hiện tại, FPT đang có 3 trung tâm dữ liệu với tổng diện tích mặt sàn là 17.000m2 và 4.000 tủ rack.
VNG cũng mới đưa vào hoạt động một trung tâm dữ liệu với quy mô diện tích sàn là 12.400m2, có sức chứa 1.600 tủ rack, đạt tiêu chuẩn Tier 3. Đây là sự hợp tác của VNG với một doanh nghiệp của Singapore là ST Telemedia Global Data Centres (STT GDC) nhằm xây dựng và vận hành 2 trung tâm dữ liệu theo tiêu chuẩn quốc tế tại TPHCM. Trung tâm dữ liệu thứ 2 dự kiến đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2026.
Tính đến hiện tại, MobiFone đang sở hữu 4 trung tâm dữ liệu đặt tại các thành phố lớn. Với mục tiêu đa dạng hóa dịch vụ bên cạnh sản phẩm chủ lực là viễn thông, MobiFone đặt mục tiêu sở hữu 7 trung tâm dữ liệu vào năm 2025.
Trung tâm dữ liệu tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã được MobiFone khởi công từ năm 2023 với quy mô 1.000 tủ rack, đạt tiêu chuẩn Tier 3 cũng sắp được khánh thành.
MobiFone đang triển khai cung cấp dịch vụ đám mây với thương hiệu MobiFone Cloud. Công ty này ưu tiên phát triển trung tâm dữ liệu trở thành không gian mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh, với mục tiêu doanh thu năm 2028 đạt hơn 150 triệu USD và tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2023 –2028 là 97%.
Chuyên gia nói gì?
Chia sẻ với VietTimes về cuộc đua xây trung tâm dữ liệu trị giá hàng nghìn tỉ đồng của các doanh nghiệp nội địa, ông Nguyễn Ngọc Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm giải pháp tích hợp hệ thống - Công ty Công nghệ thông tin VNPT, nhận định đây là một tín hiệu tốt, phản ánh xu hướng và biến chuyển chiến lược trong lĩnh vực công nghệ và kinh doanh.
Ông Nguyễn Ngọc Khánh
Cụ thể, việc xây dựng trung tâm dữ liệu phản ánh nhu cầu gia tăng về hạ tầng số trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam, đồng thời chuẩn bị cho tương lai với 5G và IoT. Đây cũng là bước đi chiến lược của các nhà cung cấp dịch vụ Cloud và Data Center (Trung tâm dữ liệu) trong nước để tăng cường tự chủ công nghệ và cạnh tranh hiệu quả với các nhà cung cấp quốc tế.
Data Center chính là nền tảng, nếu không có Data Center sẽ không có Cloud.
Các trung tâm dữ liệu mới giúp các nhà cung cấp mở rộng hạ tầng, cung cấp các giải pháp Cloud mạnh mẽ hơn, quốc tế hóa, đồng thời đáp ứng nhu cầu lưu trữ và xử lý dữ liệu của khách hàng doanh nghiệp. Đây là chiến lược để đáp ứng cả việc nâng cao chất lượng dịch vụ hiện tại và mở rộng thị phần trong lĩnh vực điện toán đám mây.
Cũng theo ông Khánh, việc đầu tư vào các Data Center nội địa giúp các khách hàng doanh nghiệp Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào hạ tầng dữ liệu quốc tế.
Sự đầu tư này không chỉ phản ánh niềm tin vào tiềm năng kinh tế số của Việt Nam mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế chung, tạo ra nền tảng cho các doanh nghiệp trong nhiều ngành khác nhau, từ tài chính, giáo dục, y tế đến sản xuất, từ đó đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong cả nền kinh tế.
Ông Nguyễn Khương Duy, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ hạ tầng điện toán đám mây - Công ty FPT Smart Cloud, nói rằng nhu cầu về Trung tâm dữ liệu tại Việt Nam nói riêng và khu vực Châu Á nói chung đang tăng trưởng mạnh mẽ do áp lực chuyển đổi số, AI và xu hướng sử dụng dữ liệu ngày một gia tăng.
Thị trường Data Center thế giới tăng trưởng trung bình 7-9% hàng năm, riêng khu vực Châu Á lên tới 19%. Trong khi đó, Việt Nam có chi phí xây dựng và điện thuộc top giá rẻ, vị trí trung tâm Đông Nam Á, cơ bản là có lợi thế cho việc đặt trung tâm dữ liệu, ông Duy cho biết.
Theo ông Duy, mục tiêu của các doanh nghiệp khi xây dựng trung tâm dữ liệu là để cho thuê dưới dạng Collocation (cho thuê chỗ đặt máy chủ), hoặc cho thuê máy chủ, phát triển dịch vụ Cloud. Ngoài ra, một số đơn vị xây dựng trung tâm dữ liệu để phục vụ nhu cầu nội bộ (như các ngân hàng, các công ty viễn thông).
Ông Đoàn Hữu Hậu, Giám đốc tư vấn chuyển đổi số - Công ty FPT Digital, cho rằng sự đầu tư mạnh mẽ vào các trung tâm dữ liệu không phải ngẫu nhiên, mà là kết quả của nhiều yếu tố thúc đẩy.
Đầu tiên phải kể đến Việt Nam có một thị trường tiềm năng với nền kinh tế số phát triển nhanh chóng. Sự bùng nổ của thương mại điện tử, dịch vụ trực tuyến và quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp truyền thống đã tạo ra nhu cầu lớn về lưu trữ và xử lý dữ liệu. Điều này đã tạo ra một cơ hội to lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ đám mây và trung tâm dữ liệu để phát triển.
Đặc biệt, dân số Việt Nam với lực lượng lao động trẻ, năng động và am hiểu công nghệ cũng là một yếu tố quan trọng. Với sự tiếp cận công nghệ nhanh chóng, họ đang trở thành nhân lực chất lượng cho sự phát triển các dịch vụ dựa trên nền tảng đám mây.
Ông Đoàn Hữu Hậu, Giám đốc tư vấn chuyển đổi số - FPT Digital
Chính phủ Việt Nam cũng đã có những chính sách hỗ trợ đáng kể nhằm tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi. Những cải cách về thuế, đất đai, và thủ tục hành chính đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin tại Việt Nam.
Theo ông Hậu, một yếu tố quan trọng khác là chi phí vận hành tại Việt Nam tương đối hợp lý. Mặc dù có những lo ngại về nguồn cung điện, nhưng nhìn chung, chi phí điện năng tại Việt Nam vẫn ở mức ổn định và hợp lý, điều này là yếu tố không thể bỏ qua khi quyết định đầu tư vào các trung tâm dữ liệu.
Cơ sở hạ tầng tại Việt Nam đang dần được cải thiện, đặc biệt là trong lĩnh vực viễn thông. Việc đầu tư nâng cấp mạng lưới viễn thông không chỉ tăng cường kết nối mà còn đảm bảo chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện cho các trung tâm dữ liệu hoạt động hiệu quả hơn.
Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng điện toán hiệu năng cao phục vụ cho nghiên cứu và ứng dụng AI sẽ có lợi thế cạnh tranh vượt trội. Sự sẵn sàng và tiềm năng phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực này đang mở ra những cơ hội mới không chỉ cho các doanh nghiệp trong nước mà còn cho các tập đoàn quốc tế tìm kiếm sự mở rộng và phát triển tại thị trường Đông Nam Á - ông Hậu nhấn mạnh.
Mặc dù lép vế trước tiềm lực về tài chính và công nghệ so với các ông lớn nước ngoài, nhưng các doanh nghiệp nội địa đang từng bước vươn lên mạnh mẽ bằng những "chiêu thức" riêng. Mời độc giả đón đọc bài 2 "Cuộc đua giành thị phần dịch vụ Cloud tại Việt Nam: Doanh nghiệp nội trong cuộc đua với các "ông lớn" nước ngoài".
Đăng Khoa
Bình luận (2)