Người phụ nữ này vô cùng hoang mang khi ngân hàng đã đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không hề hay biết.
Vướng rắc rối khi nâng cấp thẻ ngân hàng
Bà Giang (Thẩm Dương, Liêu Ninh, Trung Quốc) đã mở thẻ ngân hàng tại một nhà băng gần nhà. Người phụ nữ này cho biết do tiền lương được trả vào tài khoản này nên bà thường đến đây để giao dịch. Đồng thời, để thuận tiện quản lý, bà cũng gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng này luôn.
Vì hàng tháng thường ghé nhà băng để nhận tiền lương, nên bà Giang dần trở thành khách hàng quen thuộc. Từ đây, nhân viên đề xuất sẽ hỗ trợ bà nâng cấp thẻ ngân hàng lên hạng thẻ VIP. Sau khi nâng cấp, khách hàng sẽ được hưởng nhiều lợi ích về dịch vụ.
Ảnh minh hoạ
Nhân viên ngân hàng cho biết với tấm thẻ quyền lực của mình bà có thể xử lý giao dịch mà không cần phải chờ xếp hàng. Khi gửi tiền tiết kiệm, bà còn được hưởng ưu đãi tốt hơn so với những những cá nhân sử dụng hạng thẻ ngân hàng phổ thông.
Hấp dẫn bởi những ưu đãi được nhân viên ngân hàng giới thiệu song bà Giang cũng khá lo lắng về những khoản phí phải trả. Trước sự phân vân của nữ khách hàng này, nhân viên ngân hàng khẳng định bà sẽ không bị tính bất kỳ phí nào. Dưới sự thuyết phục của nhân viên, bà đã nâng cấp thẻ ngân hàng và sử dụng nó trong suốt thời gian dài.
Người phụ nữ này cho biết, sau khi nâng cấp thẻ ngân hàng, hàng tháng bà vẫn đến ngân hàng để gửi tiết kiệm đều đặn. Sau này, khi các con cần tiền để mua nhà, bà đã rút dần khoản tiền tiết kiệm và chỉ còn để lại trong tài khoản khoảng 100.000 NDT (gần 350 triệu đồng).
Cho đến năm 2023, sau 10 năm không gửi thêm bất kỳ khoản tiền nào, bà Giang quyết định rút số tiền tiết kiệm kể trên về. Điều bà không ngờ là khoản tiền này không sinh thêm được khoản lãi nào mà chỉ còn vỏn vẹn 50.000 NDT (khoảng 170 triệu đồng).
Điều này khiến bà Giang cảm thấy vô cùng khó hiểu. Bà lập tức yêu cầu nhân viên ngân hàng giải thích. Tuy nhiên, câu trả lời bà nghe được là số tiền 50.000 NDT cùng khoản lãi bị trừ là phí quản lý dịch vụ của hạng thẻ VIP khách hàng đang sử dụng.
Trước lời giải thích này, bà Giang vô cùng tức giận. Bà nhớ rõ khi nâng cấp từ thẻ ngân hàng hạng phổ thông lên thẻ VIP đã hỏi rõ về khoản phí phải trả. Thời điểm đó nhân viên khẳng định không phải mất khoản tiền nào. Vậy tại sao giờ lại tính phí.
Trước số tiền bị trừ một cách khó hiểu, bà Giang đã yêu cầu ngân hàng sao kê toàn bộ. Từ đây, bà phát hiện tài khoản ngân hàng VIP của bà không chỉ bị tính phí quản lý tiền gửi tiết kiệm mà chỉ cần số dư trong tài khoản không đạt được con số theo yêu cầu cũng sẽ bị thu phí hàng tháng.
Cảm thấy việc làm của ngân hàng đi trái lại nội dung hợp đồng, bà đã đưa ra biên bản từng ký kết giữa 2 bên nhằm đòi lại số tiền đã mất. Sau khi xem xong bản hợp đồng, giao dịch viên cho biết bản hợp đồng này đã bị vô hiệu hóa. Những điều khoản trong hợp đồng đã không còn giá trị.
Ngân hàng đã có thông báo về nội dung này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khi đó, ngân hàng cũng cho người sử dụng thẻ có quyền được tiếp tục sử dụng thẻ hay không. Bà Giang không tiếp nhận thông tin và không thực hiện những thay đổi tương ứng thì những khoản trừ phát sinh sẽ do chính khách hàng phải chịu.
Trước lập luận của ngân hàng, người phụ nữ này khẳng định chưa từng nhận được bất kỳ thông báo nào về nội dung này. Chính vì thế, bà yêu cầu ngân hàng cần hoàn trả lại số tiền đã trừ và khoản lãi tương ứng.
Do cuộc thương lượng giữa 2 bên không đạt được thỏa thuận. Người phụ nữ quyết định khởi kiện đơn vị ngân hàng này.
Toà phán quyết như thế nào?
Tại toà, nguyên đơn và bị đơn liên tục bảo vệ quan điểm của mình và đổ lỗi cho đối phương. Theo đó, bà Giang cho rằng ngân hàng không thể đơn phương chấm dứt hợp đồng. Dù ngân hàng đã công bố nội dung này công khai nhưng bản thân bà chưa từng nhận được thông tin này. Bà cho rằng ngân hàng cố tình để gây thiệt hại cho khách hàng. Vì thế, ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường.
Trước lập luận của nữ khách hàng, người đại diện ngân hàng cho biết nhà băng đã đưa ra thông báo công khai về những sửa đổi và thay đổi này. Họ đã tiến hành dán thông báo ở lối vào ngân hàng, đăng tải tin trên các phương tiện truyền thông để người gửi tiền có đủ thời gian quyết định. Điều này minh chứng nhà băng đã hoàn thành nghĩa vụ thông báo. Việc bà Giang không thực hiện các thủ tục thay đổi, đồng nghĩa, những thiệt hại sau đó phải do bà chịu trách nhiệm.
Ảnh minh hoạ
Sau quá trình xem xét vụ việc, toà án cho rằng theo điều 565 Bộ luật Dân sự Trung Quốc, nếu một bên yêu cầu chấm dứt hợp đồng thì phải thông báo cho bên còn lại. Bản hợp đồng này sẽ không bị chấm dứt cho đến khi bên kia nhận được thông báo.
Trong trường hợp này, ngân hàng đã tự ý huỷ hợp đồng với bà Giang. Nên việc ngân hàng tự ý trừ phí dịch vụ vào tài khoản tiết kiệm của khách hàng là không có căn cứ.
Cuối cùng, tòa án yêu cầu ngân hàng phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã tịch thu cho khách hàng.
(Theo Toutiao)
Đinh Anh
Bình luận (1)