Tính đến cuối năm 2021, cổ đông lớn duy nhất sở hữu 96,65% vốn của Tổng Bách Hóa là CTCP Đầu tư xây dựng Phú Thanh, một thành viên của tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Công ty duy nhất thuộc Tân Hoàng Minh trên sàn chứng khoán: Cổ phiếu đột nhiên tăng trần trong phiên 29/09, lãi bất ngờ trong lần cuối công bố BCTC
Cơ quan điều tra vừa đề nghị truy tố ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Kết quả điều tra đến nay xác định trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, ông Đỗ Anh Dũng và một số thuộc cấp đã sử dụng pháp nhân của ba công ty con gồm công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, CTCP đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil, CTCP Cung Điện Mùa Đông để thực hiện hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu.
Từ việc phát hành trái phiếu gian dối, nhóm bị can đã huy động tiền trái quy định pháp luật của nhiều nhà đầu tư. Trong số những người đề nghị bị truy tố cùng ông Dũng, còn có ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt.
Ngoài ra, ông Nguyễn Mạnh Hùng tại thời điểm trước khi bị tạm giam hồi giữa năm 2022 còn đang là Tổng giám đốc của CTCP Tổng Bách Hóa. Đây cũng là đơn vị thành viên duy nhất trong hệ sinh của Tân Hoàng Minh hiện diện trên sàn chứng khoán Việt Nam.
CTCP Tổng Bách Hoá tiền thân là Tổng công ty Bách Hoá được thành lập năm 1954 thuộc Bộ Công Thương. Năm 2004, doanh nghiệp trở thành công ty cổ phần. Sau nhiều lần tăng vốn, đến tháng 2/2021, công ty được chấp thuận phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược tăng vốn điều lệ lên 931,17 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2021, công ty có cổ đông lớn duy nhất sở hữu 96,65% vốn là CTCP Đầu tư xây dựng Phú Thanh, cũng là một thành viên cùng hệ sinh thái của tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Thực tế từ tháng 11/2014, nhóm nhà đầu tư gồm công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh và một số cá nhân đã gửi thông báo, tiến hành gom mua lượng lớn cổ phần của Tổng Bách Hóa với cam kết sẽ cho công ty này vay vốn để tái cơ cấu, giúp công ty vượt qua giai đoạn khó khăn.
Đến tháng 3/2015, khi Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) chào bán 516.060 cổ phần của công ty với mức giá bình quân 23.198 đồng/cp, nhóm Tân Hoàng Minh tiếp tục mua toàn bộ số cổ phần này và chính thức trở thành cổ đông chi phối Tổng Bách Hóa.
Tuy cổ phiếu TBH của Tổng Bách Hoá vẫn đang giao dịch trên UPCoM, nhưng lần cuối doanh nghiệp này công bố BCTC lần cuối là vào năm 2021. Lý do được công ty đưa ra là do ông Nguyễn Mạnh Hùng bị bắt tạm giam, nên chưa thể hoàn thành thủ tục thay đổi Tổng Giám đốc - người đại diện pháp luật và do đó công ty bị khuyết người đại diện pháp luật để điều hành, quyết định, phê duyệt các nội dung để tiến hành công bố báo cáo tài chính quý 2/2022.
Năm 2021 doanh thu thuần của Tổng Bách Hóa đạt 4,51 tỷ đồng, giảm 79,5% so với năm 2020. Trừ đi giá vốn hàng bán, công ty lỗ gộp gần 2,4 tỷ đồng, trong khi năm 2020 lãi gộp 12,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động tài chính của công ty đột nhiên tăng mạnh 791 tỷ đồng cùng với các khoản chi phí giảm đi đáng kể. Trong đó, đặc biệt chi phí lãi vay của TBH giảm 96,5% chỉ còn 1,4 tỷ đồng. Nguyên nhân vì trong năm nay, tổng nợ công ty đã giảm mạnh từ 1340 tỷ đồng của năm 2020 về 248 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính của Tổng Bách Hóa chủ yếu đến từ khoản đầu tư vào hai công ty CTCP Đầu tư Bất Động Sản Ngọc Viễn Đông và CTCP Cung Điện Mùa Đông.
Trong năm 2021, công ty đã mua lại 33,84 triệu cổ phiếu Ngọc Viễn Đông từ bà Phùng Thị Mai và bà Lê Hồng Trang với giá 10.000 đồng/cp, tổng giá trị là 338,4 tỷ đồng. Sau đó TBH bán lại số cổ phiếu trên cho hai cá nhân Trần Thị Hà và Lưu Hoàng Anh với giá 22.000 đồng/cp, thu về 744,5 tỷ đồng.
Tương tự, doanh nghiệp cũng mua hơn 20,58 triệu cổ phiếu Cung Điện Mùa Đông từ ông Lê Mạnh Dũng, ông Nguyễn Khoa Đức, ông Trần Hồng Sơn với giá 18.165 đồng/cp, tổng giá trị 373,8 tỷ đồng và bán lại với giá cao hơn là 22.489 tỷ đồng/cp, thu về 462,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong năm 2021 CTCP Cung Điện Mùa Đông đã chi trả cổ tức với tỷ lệ 125,11%/mệnh giá, đồng nghĩa với cổ đông sở hữu 1 cổ phần phổ thông nhận được 12.511 đồng. Với số lượng cổ phần nắm giữ là hơn 20,58 triệu cổ phần, như vậy Tổng Bách Hóa thu về 257,46 tỷ đồng tiền cổ tức Cung Điện Mùa Đông.
Tổng lợi ích mà Tổng Bách Hóa thu về từ việc đầu tư vào Ngọc Viễn Đông và Cung điện Mùa Đông lên tới 752,5 tỷ đồng. So với số vốn bỏ ra là 712,2 tỷ đồng, doanh nghiệp đã lãi 105,6% trong 3 tháng đầu tư.
Kết quả, TBH báo lãi sau thuế lên tới 709 tỷ đồng trong năm 2021 so với năm 2020 lỗ hơn 40 tỷ đồng.
Đặc biệt, tính đến hết năm 2020, công ty đang có số lỗ luỹ kế là 452 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 416 tỷ đồng. Nhờ khoản lãi năm 2021, tại thời điểm 31/12/2021, TBH đã xoá sạch lỗ luỹ kế và vốn chủ sở hữu cũng dương 1.193 tỷ đồng.
Trên sàn UPCoM, cổ phiếu TBH hiện đang thuộc diện hạn chế giao dịch. Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/9, cổ phiếu TBH tăng kịch biên độ lên mức 15.800 đồng/cp.
Cuối năm 2021, cổ phiếu này đã từng có giai đoạn ghi nhận chuỗi tăng giá phi mã từ 7.900 đồng khi lên sàn vào tháng 8/2021 lên mức đỉnh 108.000 đồng vào tháng 1/2022, tức gấp 13 lần sau 4 tháng.
Tuy nhiên, kể từ tháng đầu tháng 4/2022, thị giá của TBH cũng giảm từ vùng 85.000 đồng/cp về có lúc chỉ còn 5.000 đồng/cp. Mức giá hiện tại của cổ phiếu TBH cũng đã giảm 85% so với đỉnh và giảm 82% kể từ khi vụ án Tân Hoàng Minh xảy ra.
Bình luận (4)