Khối chứng khoán đang hút hàng nghìn tỷ đồng thông qua các đợt chào bán cổ phiếu. Làn sóng này vẫn đang tiếp diễn, thêm nhiều công ty công bố triển khai phương án tăng vốn.
Khối chứng khoán hút hàng nghìn tỷ đồng qua kênh bán cổ phiếu sơ cấp. Nguồn: PV
Thị trường chứng khoán trong ngắn hạn đang bị ảnh hưởng của yếu tố tỷ giá căng thẳng, khối ngoại rút ròng mạnh. Tuy nhiên, xét về dài hạn, nhiều yếu tố hỗ trợ như môi trường vĩ mô dần cải thiện, làn sóng giảm lãi suất trên toàn cầu cùng triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán theo mục tiêu của Chính phủ trong năm 2025.
Trong bối cảnh đó, để chuẩn bị cho giai đoạn mới, các công ty chứng khoán cấp tập triển khai kế hoạch tăng vốn. Như Chứng khoán MB (mã: MBS) vừa hoàn tất đợt chào bán gần 110 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nâng vốn điều lệ từ 4.377 tỷ đồng lên 5.471 tỷ đồng vào tháng 9. Doanh nghiệp huy động được hơn 1.000 tỷ đồng để mở rộng quy mô cho vay ký quỹ và tự doanh.
Hiện nay, tức chỉ 2 tháng sau, doanh nghiệp tiếp tục triển khai tiếp đợt chào bán 25,7 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho 4 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, vốn dự kiến tăng lên 5.728 tỷ đồng. Với giá 23.040 đồng/cp, Chứng khoán MBS kỳ vọng huy động được 591 tỷ đồng để bổ sung cho hoạt động tự doanh (100 tỷ đồng) và cho vay margin (493 tỷ đồng). Cổ phiếu chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.
Ngày 4/12 tới đây, Chứng khoán TP. HCM (mã: HCM) sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường theo hình thức trực tuyến để bàn phương án tăng vốn. Cụ thể, công ty sẽ phát hành gần 360 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 50% để tăng vốn lên trên 10.800 tỷ đồng.
Với giá chào bán dự kiến 10.000 đồng/cp, công ty sẽ thu về khoảng 3.600 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho biết dụng 2.520 tỷ đồng để bổ sung vốn cho hoạt động cho vay ký quỹ và 1.080 tỷ đồng bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh.
Vào ngày 21/10, Ngân hàng TMCP Á Châu (mã: ACB) công bố Nghị quyết HĐQT tăng vốn cho công ty con năm giữ 100% vốn – Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) từ 7.000 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong vòng 4 năm, ACB rót tổng cộng 8.500 tỷ đồng để giúp ACBS tăng vốn từ 1.500 tỷ lên 10.000 tỷ đồng.
Mới đây, “anh cả” ngành chứng – Công ty Chứng khoán SSI (mã: SSI) vừa hoàn tất đợt chào bán 151 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Trong đó, cổ đông đăng ký mua 145,6 triệu đơn vị và phần còn lại phân phối lại cho cán bộ chủ chốt của công ty.
Với mức giá 15.000 đồng/cp, Chứng khoán SSI có thêm 2.267 tỷ đồng để bổ sung cho hoạt động đầu tư chứng chỉ tiền gửi và cho vay giao dịch ký quỹ.
Đồng thời, công ty cũng thực hiện phát hành 302,2 triệu cổ phiếu thưởng để tăng vốn tỷ lệ 20%. Qua 2 đợt phát hành, công ty đã tăng vốn lên 19.620 tỷ đồng.
Cùng thời điểm, Chứng khoán Tecombank (TCBS) thông báo hoàn tất phương án phát hành hơn 1,7 tỷ cổ phiếu từ thặng dư vốn và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để tăng vốn từ 2.179 tỷ đồng lên 19.613 tỷ đồng. Qua đó, Tecombank vào tốp đầu vốn điều lệ của ngành chứng khoán, chỉ đứng sau anh cả Chứng khoán SSI một chút.
Công ty Chứng khoán Vietcap (mã: VCI) vào ngày 15/11 cũng đã có báo cáo kết quả chào bán 143,63 triệu cổ phiếu riêng lẻ giá 28.000 đồng/cp, thu về hơn 4.000 tỷ đồng. Nhờ đó, vốn điều lệ công ty tăng từ 5.744 tỷ đồng lên 7.181 tỷ đồng.
Chứng khoán là lĩnh vực mà hoạt động kinh doanh phụ thuộc nhiều vào quy mô vốn điều lệ, như quy mô cho vay ký quỹ - một mảng ăn nên làm ra của công ty chứng khoán không được vượt qua 200% vốn chủ sở hữu.
Trong năm 2023 và 2024, trong bối cảnh tín dụng vào nền kinh tế còn chậm, một phần dòng vốn ngân hàng đã chảy vào thị trường chứng khoán gián tiếp qua cho công ty chứng khoán vay ngắn hạn. Hàng loạt công ty tận dụng môi trường lãi suất thấp và thanh khoản dư thừa để gia tăng nợ vay tài trợ cho hoạt động cho vay ký quỹ và tự doanh.
Do vậy, việc tăng vốn bên cạnh đem lại nguồn lực mới thì còn giúp công ty chứng khoán có thêm dư địa để gia tăng hạn mức vay, phục vụ việc mở rộng hoạt động kinh doanh, lấy thêm thị phần.
Bình luận (30)