Hãy là người đầu tiên thích bài này
Cơn sốt đầu tư và khoảng trống kiến thức

Thị trường chứng khoán Việt Nam những năm gần đây chứng kiến làn sóng gia nhập mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân.

Lớp “sương mù” trong “cơn say” đầu tư 

Số liệu từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) đến ngày 30/6, tổng số tài khoản giao dịch trong nước đã vượt mốc 10,22 triệu tài khoản, trong đó chủ yếu thuộc về nhà đầu tư cá nhân. Khi so với tổng dân số, con số này cho thấy một tỉ lệ đáng kể người dân đã và đang tham gia vào các hoạt động đầu tư tài chính, tương đương 10% dân số. Không chỉ đông đảo về số lượng, tốc độ tăng trưởng nhà đầu tư cá nhân cũng rất ấn tượng, đặc biệt trong giai đoạn thị trường có những biến động mạnh hoặc khi các kênh đầu tư truyền thống tỏ ra kém hấp dẫn. 

Năm 2024 chứng kiến hơn 2 triệu tài khoản chứng khoán được mở mới. Sự gia tăng này phản ánh sự quan tâm ngày càng lớn của công chúng đối với các kênh đầu tư tài chính, như một phương tiện gia tăng tài sản và tìm kiếm cơ hội sinh lời. Sự bùng nổ của nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là những người mới tham gia thị trường (thường được gọi là nhà đầu tư "F0"), diễn ra trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như tiền gửi tiết kiệm có lãi suất kém hấp dẫn hoặc do ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế vĩ mô như đại dịch COVID-19 làm thay đổi dòng chảy thu nhập và tìm kiếm kênh đầu tư mới.

Theo chia sẻ của ông Phạm Đức Thắng, CFA, Khối Đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ PVI (PVI AM), trái ngược với sự tham gia sôi động, mức độ hiểu biết tài chính của người dân Việt Nam lại ở mức đáng báo động. Khảo sát về Mức độ Hiểu biết Tài chính Toàn cầu của Standard & Poor’s (S&P Global Finlit Survey) năm 2014 chỉ ra rằng chỉ có 24% người trưởng thành Việt Nam được coi là có hiểu biết về tài chính, xếp hạng rất thấp, thứ 118 trên tổng số 144 quốc gia được khảo sát. Kết quả này cho thấy một khoảng cách lớn so với nhiều quốc gia khác, kể cả trong khu vực.

Một nghiên cứu khác của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng đưa ra kết quả tương tự, với chỉ số hiểu biết tài chính của Việt Nam chỉ đạt 11,6 điểm, thấp hơn nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á và chỉ nhỉnh hơn Campuchia (11,5 điểm). Điều này phản ánh một thực tế rằng phần lớn nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam còn thiếu những kiến thức tài chính cơ bản và các kỹ năng cần thiết để đưa ra quyết định đầu tư một cách hiệu quả và an toàn. Họ thường có xu hướng đầu tư theo cảm tính, dựa vào tin đồn hoặc tâm lý đám đông, thiếu một chiến lược đầu tư dài hạn và bài bản.

Nghiên cứu về tâm lý nhà đầu tư tại Việt Nam cũng chỉ ra các yếu tố như sự tự tin thái quá (overconfidence), lạc quan quá mức, hành vi bầy đàn (herd behavior), tâm lý đối với rủi ro và sự bi quan đều có những ảnh hưởng nhất định đến các quyết định đầu tư. Đáng chú ý, một khảo sát cho thấy gần 67% người trẻ Việt Nam cảm thấy bối rối khi quản lý tài chính cá nhân và 33% gặp khó khăn cụ thể trong việc quản lý danh mục đầu tư của mình. Thực trạng này một phần xuất phát từ một nền văn hóa có xu hướng ưu tiên việc kiếm tiền mà chưa chú trọng đúng mức đến tầm quan trọng của việc trang bị kiến thức tài chính và kỹ năng lập kế hoạch đầu tư dài hạn.

Hệ lụy của khoảng trống kiến thức 

Theo ông Thắng, về phía cá nhân, hậu quả trực tiếp và dễ thấy nhất của việc thiếu hiểu biết tài chính là các quyết định đầu tư sai lầm, dễ bị cuốn theo các phong trào, đầu tư theo tin đồn mà không có lập trường, nguyên tắc hay kỷ luật rõ ràng, dẫn đến việc mua bán cổ phiếu dựa trên cảm xúc thay vì phân tích cơ bản. Kết quả là đa số các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm và kiến thức thường phải chịu thua lỗ, đặc biệt khi thị trường có những biến động mạnh.

Bên cạnh đó, sự thiếu hiểu biết cũng khiến người dân dễ dàng trở thành "miếng mồi ngon" cho các hoạt động tín dụng đen với lãi suất cao và các hình thức lừa đảo tài chính ngày càng tinh vi. 

“Về phía thị trường, sự thiếu hiểu biết tài chính của một bộ phận lớn nhà đầu tư cá nhân không chỉ gây hại cho chính họ, mà còn tạo ra những tác động tiêu cực đến sự ổn định và phát triển lành mạnh của thị trường tài chính. Khi phần lớn các quyết định mua bán được đưa ra dựa trên tâm lý đám đông, tin đồn và kỳ vọng ngắn hạn thay vì phân tích cơ bản và đánh giá dài hạn, thị trường trở nên thiếu sự đa dạng về chiến lược đầu tư và dễ bị chi phối bởi các yếu tố tâm lý hơn là các yếu tố kinh tế thực chất. Điều này dẫn đến tình trạng giá cổ phiếu biến động mạnh và thanh khoản thị trường trở nên thất thường”, ông Thắng nhận định. 

Giai đoạn thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua những cú sụt giảm mạnh, VN-Index mất tới 42% giá trị từ đỉnh tháng 01/2022 xuống đáy vào tháng 11/2022, một phần phản ánh sự mong manh của thị trường khi đối mặt với các thông tin bất lợi và sự thay đổi nhanh chóng trong tâm lý nhà đầu tư.

Cũng theo chuyên gia của PVI AM, một thị trường với tính bất ổn cao và bị chi phối bởi các dòng tiền đầu cơ ngắn hạn sẽ trở nên kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là các quỹ đầu tư nước ngoài có tầm nhìn dài hạn và yêu cầu cao về tính minh bạch, ổn định. Điều này có thể lý giải một phần hiện tượng khối ngoại có những giai đoạn bán ròng kéo dài trên thị trường chứng khoán Việt Nam, như số liệu ghi nhận việc khối ngoại bán ròng hơn 90.311 tỉ đồng trên sàn HOSE trong năm 2024. 

“Sự thiếu vắng các nhà đầu tư dài hạn, chuyên nghiệp càng làm cho thị trường dễ bị tổn thương trước các yếu tố tâm lý, duy trì tình trạng bất ổn và biến động cao, cản trở thị trường chứng khoán thực hiện tốt vai trò cốt lõi là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế”, ông Thắng nói thêm. 

Link gốc

Bình luận (8)

Riêng cái phái sinh đã là nơi bất ổn cho cơ sở rồi, nhưng cũng phải duy trì theo thế giới. Cá nhân thì mua bán theo cảm xúc, thứ dễ bị thao túng.
08:08
kiếm đc tiền là ok rồi. Còn kiến thức thì có các B Rô Ka thiên tài rồi :))))
08:16
 1
rồi, hôm nay chúng nó úp bô lên đầu rồi, té ngay ATO còn kịp nhá. chiều nhốt sàn cả đống cho coi.
08:20

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long