Trong bối cảnh kết quả kinh doanh của ngành xi măng vẫn phủ sắc xám, bộ đôi cổ phiếu HT1 và BCC đã xuất hiện những gam màu tươi sáng.
Do thiếu sự đồng thuận giữa các nhóm ngành, thị trường chứng khoán vẫn chưa thể chạm tay vào mốc 1.300 điểm trong tuần giao dịch 8/7 - 12/7. Xét toàn thị trường, nhóm cổ phiếu bất động sản ghi nhận diễn biến tích cực khi đi lên từ đáy. Mặt khác, nhóm công nghệ, hóa chất, hay vận tải biển hiện đã dần chững nhịp sau đà tăng nóng.
Tuần qua, bộ đôi HT1 và BCC là một trong số ít cổ phiếu ghi nhận đà tăng vượt trội hơn chỉ số VN-Index. Cụ thể, HT1 và BCC lần lượt tăng 10,5% và 11,5%.
Trong đó, HT1 khép lại tuần giao dịch tại mức giá 14.180 đồng/cp, qua đó vượt đỉnh 3 tháng, đưa vốn hóa của Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên vượt ngưỡng 5.300 tỷ đồng. Còn BCC của Công ty CP Xi măng Bỉm Sơm đạt 9.400 đồng/cp, tương ứng giá trị vốn hoá thị trường đạt 1.158 tỷ đồng.
Biến động thị giá cổ phiếu HT1, BCC và chỉ số VN-Index 3 tháng gần đây
Đáng nói, đà tăng tích cực của 2 cổ phiếu trên diễn ra trong bối cảnh bức tranh toàn ngành xi măng hiện vẫn còn thiếu những gam màu tươi sáng khi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp có phần đi lùi so với năm ngoái.
Bức tranh ngành xi măng còn nhiều u ám
Theo dự báo của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), ngành xi măng sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2024. Xuất khẩu xi măng và clinker sẽ gặp trở ngại do thị trường bất động sản Trung Quốc chưa phục hồi và nguồn cung xi măng Trung Quốc dư thừa, dẫn đến cạnh tranh gay gắt với xi măng Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu như Philippines, Trung Mỹ, và Nam Phi.
Thị trường nội địa cũng ảm đạm với mức tiêu thụ khoảng 60 triệu tấn/năm, trong khi khả năng sản xuất thực tế có thể đạt tới 130 triệu tấn. Nếu không thể xuất khẩu, nguy cơ phá sản sẽ gia tăng. Ngược lại, khi kinh tế phục hồi và nhu cầu tăng, có thể xảy ra tình trạng thiếu xi măng như giai đoạn trước năm 2010.
Theo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 của 6 doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc Bộ Xây dựng được công bố mới đây, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) - công ty mẹ của Xi măng Vicem Hà Tiên là một trong hai đơn vị thua lỗ. Thậm chí, khoản lỗ nặng 863 tỷ đồng của VICEM lỗ nặng đã "thổi bay" thành quả của các thành viên còn lại. Sau cùng, lợi nhuận nhóm 6 doanh nghiệp nói trên chuyển âm.
Năm 2023, VICEM ghi nhận lỗ hơn 1.100 tỷ đồng, khi nhu cầu tiêu thụ xi măng giảm mạnh.
Cũng do hoạt động kinh doanh thua lỗ, Bộ Tài chính đã quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế tại Tổng Công ty Xi măng Việt Nam và 3 công ty con.
Lợi nhuận các doanh nghiệp đã tạo đáy?
Trước khó khăn của toàn ngành, Xi măng Bỉm Sơn và Xi măng Vicem Hà Tiên đều lên kế hoạch kinh doanh một cách đầy thận trọng. Thậm chí, Xi măng Bỉm Sơn còn không dám "mơ" đến viễn cảnh có lãi mà chỉ hy vọng giảm lỗ. Doanh nghiệp đặt mục tiêu lỗ sau thuế 159 tỷ đồng. Trong khi đó, Xi măng Vicem Hà Tiên đặt mục tiêu lãi sau thuế hơn 23 tỷ đồng, tăng
Mặc dù chỉ đặt mục tiêu ở mức khiêm tốn, tuy nhiên cả 2 doanh nghiệp vẫn chưa thể thoát lỗ trong quý I.
Trong đó, Xi măng Vicem Hà Tiên tiếp tục lỗ 25 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 86 tỷ đồng. SSI Research nhận định, lợi nhuận của doanh nghiệp này sẽ bắt đầu phục hồi trong quý II.
Một trong những động lực giúp Xi măng Vicem Hà Tiên có thể sớm tăng trưởng trở lại xuất phát từ các gói thầu của đại dự án sân bay Long Thành. Đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này đã cung cấp khoảng 60.000 tấn xi măng trên tổng khối lượng dự toán là 850.000 - 900.000 tấn và dự kiến sẽ cung cấp thêm khoảng 50% tổng khối lượng này, tương đương khoảng 400.000 - 500.000 tấn.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, lãnh đạo Xi măng Vicem Hà Tiên cho hay, giá bán xi măng hiện rất “chua chát”, chỉ trên giá thành một chút, nhưng doanh nghiệp vẫn phải cung cấp vì thương hiệu. Bên cạnh đó, tiến độ thi công của một số công trình thuộc dự án thành phần 1 và dự án thành phần 4 đang triển khai chậm. Vì vậy, kỳ vọng vào sự trở lại của HT1 trong nửa cuối năm nay sẽ có phần hơi lạc quan.
Không khá hơn, kết thúc quý I, Xi măng Bỉm Sơn báo lỗ ròng gần 49 tỷ đồng, nối dài chuỗi thua lỗ lên con số 7 quý liên tiếp của doanh nghiệp. Tại ngày 31/3/2024, Xi măng Bỉm Sơn ghi nhận tổng nợ ở mức 2.068 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn. Trong đó, nợ vay ngắn hạn lên tới 846 tỷ đồng, tăng 8% so với hồi đầu năm.
Tới nay, cả 2 doanh nghiệp vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý II. Tuy nhiên, giá cổ phiếu đã "chạy" trước. Điều này thể hiện kỳ vọng của dòng tiền vào việc cả 2 doanh nghiệp đã tạo đáy lợi nhuận.
Xét trên góc nhìn kỹ thuật, hai cổ phiếu HT1 và BCC đều đã xác nhận tạo đáy trên thị trường chứng khoán. Đối với BCC, cổ phiếu hiện đang ở vùng cản trung hạn. Tuy nhiên, với khối lượng tăng cao, thể hiện sự nhập cuộc của dòng tiền, BCC hoàn toàn có thể vượt cản trong tuần giao dịch tới. Có phần tích cực hơn, HT1 hiện đã vào xu hướng tăng giá và khá sáng cửa để trở lại vùng đỉnh 16.000 đồng cách đây 1 năm.
Bình luận (14)