Hãy là người đầu tiên thích bài này
Cổ phiếu thép nào ảnh hưởng nặng nhất khi Mỹ đánh thuế 25%?

Xuất khẩu là động lực tăng trưởng của các doanh nghiệp thép trong năm 2024, đặc biệt là thị trường Mỹ và EU. Việc Mỹ đánh thuế 25% sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Mỹ áp thuế lên nhôm, thép nhập khẩu, không có ngoại lệ. Ảnh minh họa: HPG

Mỹ chính thức áp thuế 25% lên nhôm, thép nhập khẩu

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp thuế với toàn bộ nhôm, thép nhập khẩu vào Mỹ là 25%, không có ngoại lệ. Thuế mới có hiệu lực từ ngày 4/3.

Ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đánh giá việc áp dụng bổ sung thuế 25% với nhôm và thép nhập khẩu sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các nước xuất khẩu nhôm thép vào Mỹ. Đặc biệt, từ sau năm 2018, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã thay thế vị trí của Trung Quốc trong xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ, như Canada, Mexico, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Brazil. Mỹ hiện nay phụ thuộc vào nhu cầu nhập khẩu thép chiếm 12 - 15% và nhôm chiếm tới 40 - 45%.

Với riêng Việt Nam, Thống kê hải quan Mỹ cho biết năm 2024 nước ta đã xuất khẩu khoảng 983 triệu USD thép và sản phẩm thép, tăng gần 159% so với năm 2023; trong khi với mặt hàng nhôm có kim ngạch là 479 triệu USD, tăng 9,5%. Hiện nay, mặt hàng nhôm và thép của Việt Nam vẫn đang phải chịu mức thuế lần lượt là 10% và 25% theo Mục 232 mà Mỹ áp dụng từ năm 2018 với hầu hết các nước.

Bên cạnh đó, sản phẩm nhôm thép của Việt Nam là đối tượng thường xuyên trong các vụ kiện phòng vệ thương mại. Với sản phẩm thép, Mỹ đã điều tra hơn 34 vụ, chiếm hơn 50% tổng số vụ kiện mà Mỹ điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam còn với sản phẩm nhôm là 2 vụ việc.

Do vậy, ông Hưng đánh giá Mỹ áp dụng thuế 25% với toàn bộ hàng nhập khẩu, sản phẩm thép Việt Nam vẫn có cơ hội tiếp tục xuất khẩu khi năng lực của các nhà sản xuất thép, nhôm của Mỹ chưa thể đáp ứng ngay. Dù vậy, biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm xuống.

Cùng với đó, khó khăn xuất khẩu vào Mỹ sẽ khiến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, khi các nước tìm đường xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Nhiều công ty thép quay lại thị trường nội địa khiến các nước tăng cường bảo hộ, cũng gây ảnh hưởng tới các quốc gia xuất khẩu thép như Việt Nam.

Việc áp thuế cũng được nhận định sẽ khiến lạm phát của nước Mỹ tăng lên khi nhôm và thép là những mặt hàng cơ bản, nhu cầu sử dụng lớn tại nước này. Vì thế, với lợi thế của hàng Việt Nam là giá cạnh tranh, chất lượng tốt, sẽ bổ trợ cho nền kinh tế Mỹ, góp phần giúp giảm lạm phát, bổ trợ cơ cấu ngoại thương hai nước.

Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ khuyến cáo doanh nghiệp thép Việt Nam cần đánh giá tình hình để có chiến lược kinh doanh phù hợp, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường có FTA với Việt Nam, tránh phụ thuộc vào một thị trường. Doanh nghiệp cũng cần tuân thủ các quy định của Mỹ về nguồn gốc xuất xứ và luôn sẵn sàng tham gia đầy đủ quá trình giải trình của cơ quan điều tra Mỹ các vụ việc phòng vệ thương mại.

Cổ phiếu thép bị ảnh hưởng

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBankS nhận định một số cổ phiếu có thể chịu ảnh hưởng sẽ là HPG, NKG, HSG, GDA. Trong đó, những cổ phiếu chịu ảnh hưởng nhiều nhất là nhóm tôn mạ (NKG, HSG, GDA) bởi tỷ trọng sản lượng xuất khẩu của nhóm tôn mạ sang Mỹ là rất lớn.

Theo tìm hiểu của nhadautu.vn, giai đoạn 2020 trở về trước, tiêu thụ nội địa vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu của Tôn Đông Á với khoảng 70%, song thị trường nội địa chững lại và giảm dần. Do vậy, công ty tích cực đẩy mạnh xuất khẩu để bù đắp, trong năm 2021, doanh thu xuất khẩu tăng đột biến, thậm chí vượt nội địa với tỷ trọng đóng góp trên 51%. Trong đó, châu Âu và châu Mỹ là 2 thị trường trọng điểm, chiếm đến 93% doanh thu xuất khẩu.

Trong các năm qua, Tôn Đông Á vẫn tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, sản phẩm đã tiến vào hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ. Doanh nghiệp đặt mục tiêu mở rộng hơn nữa, đặc biệt là chinh phục thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.

Báo cáo của Tôn Đông Á cho hay trong 10 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng tiêu thụ đạt 743.470 tấn, tăng 18,6% so với cùng kỳ 2023. Động lực đến từ xuất khẩu 448.943 tấn, tăng 26% và chiếm tỷ trọng 60%; đặc biệt là các thị trường phát triển ghi nhận tăng trưởng mạnh.

Doanh nghiệp kỳ vọng, hướng đến năm 2025, sự phục hồi của ngành xây dựng tại Việt Nam dự kiến là một trong những động lực chính thúc đẩy nhu cầu thép mạ. Dù vậy, thị trường toàn cầu vẫn phải đối mặt với những yếu tố bất ổn, như sự chậm lại trong lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc và nguồn cung thép dư thừa, cùng với những biến động ngắn hạn từ các biện pháp kích thích kinh tế nội địa của Trung Quốc. Trên thị trường quốc tế, căng thẳng địa chính trị và bất ổn kinh tế tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng. Tuy nhiên, các chính sách chống bán phá giá tại Mỹ và châu Âu đang tạo lợi thế cạnh tranh cho các nhà sản xuất như Tôn Đông Á.

Tương tự, giai đoạn 2020 trở về trước, tỷ trọng doanh thu xuất khẩu và nội địa của Thép Nam Kim lần lượt 40,5% và 59,5%. Nhưng từ 2021 trở đi, xuất khẩu tăng vọt và thành động lực tăng trưởng chính của doanh nghiệp. Năm 2024, công ty ghi nhận 20.662 tỷ đồng doanh thu, tăng 12,3%; trong khi nội địa chững lại ở mức 7.251 tỷ đồng thì xuất khẩu tăng 22% lên 13.410 tỷ đồng, tỷ trọng 64,9%. Sản lượng tiêu thụ vượt 1 triệu tấn, tăng 11,6% so với 2023.

Trong bối cảnh bảo hộ thương mại ngày càng gay gắt, doanh nghiệp thép đã chủ trương mở rộng thị trường xuất khẩu đến hơn 65 quốc gia, vùng lãnh thổ; EU và Bắc Mỹ là các thị trường chính, Asean là thị trường truyền thống, Trung Mỹ là thị trường mới.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, các doanh nghiệp thép đã đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ và EU trong năm qua. Tôn Đông Á đã xuất khẩu 192.226 tấn sản phẩm qua Mỹ, tăng 16,6% so với năm trước và tương đương 21,4% tổng sản lượng bán hàng (số liệu ước tính).

Thép Nam Kim nâng khối lượng xuất khẩu vào Mỹ tăng từ 32.053 tấn lên 100.189 tấn, tức gần gấp 3 lần và tương đương khoảng 10% tổng sản lượng. Tập đoàn Hoa Sen cũng nâng sản lượng xuất khẩu vào Mỹ gấp 4,1 lần lên 140.758 tấn, tương đương tỷ trọng khoảng 7%. Sản lượng xuất khẩu sang Mỹ của Hòa Phát tăng mạnh từ 7.908 tấn lên 80.114 tấn nhưng chiếm không bao nhiêu trong tổng sản lượng tiêu thụ 8,1 triệu tấn năm qua.

Trên thị trường chứng khoán, các cổ phiếu thép đã có phản ứng tiêu cực vào phiên 10/2 sau thông tin Mỹ áp thuế bổ sung sản phẩm thép, nhôm nhập khẩu. Trong phiên ngày 11/2, cổ phiếu HPG đã lấy lại sắc xanh trong khi các cổ phiếu còn lại như NKG, HSG, GDA giảm nhẹ từ 100 đồng đến 400 đồng.

Ngọc Điểm

Link gốc

Bình luận (6)

Không có cái nào cả
13:52
Trong một diễn biến mới, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ nhìn nhận chính sách thuế mới cũng có cơ hội cho các nước, trong đó có Việt Nam.

Thực tế, kể từ năm 2018, xuất khẩu thép của Việt Nam s...Thêm
13:53
 3
Tuổi mày Mượn gió bẻ măng thôi chứ liên quan đeo gì
13:59

FIREANT MEDIA AND DIGITAL SERVICE JOINT STOCK COMPANY

Giấy phép MXH số 251/GP-BTTTT do Bộ TTTT cấp ngày 23/05/2022
Chịu trách nhiệm nội dung: Ngô Minh Long