Trong bối cảnh giá cao su trên thị trường quốc tế tăng mạnh nhờ nguồn cung thiếu hụt và nhu cầu phục hồi, các cổ phiếu ngành cao su tại Việt Nam đang có những cơ hội sinh lời hấp dẫn.
Trong năm 2024, giá cao su trên thị trường thế giới đã chứng kiến đà tăng trưởng đáng kể. Giá cao su RSS3 và TSR20 – hai loại cao su chính – đã tăng lần lượt 83% và 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân xuất phát từ các hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt là tác động của El Nino dẫn đến tình trạng khô hạn và giảm lượng mưa tại các khu vực trồng cao su chính ở Đông Nam Á. Thêm vào đó, dịch bệnh rụng lá lan rộng tại Thái Lan, Indonesia và Malaysia – ba quốc gia sản xuất cao su hàng đầu – đã làm giảm sản lượng và chất lượng cao su, góp phần đẩy giá cao su lên cao hơn. Hiệp hội các Quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) đã điều chỉnh giảm dự báo sản lượng cao su năm 2024 xuống còn 14,5 triệu tấn, chỉ tăng trưởng 0,4% so với năm 2023.
Đà tăng giá cao su thế giới đã hỗ trợ tích cực cho kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam. Theo báo cáo, dù sản lượng xuất khẩu cao su trong 9 tháng đầu năm 2024 giảm 6%, song tổng kim ngạch xuất khẩu lại tăng 12%, nhờ giá xuất khẩu cao hơn. Trong tháng 9/2024, giá cao su xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt 1.697 USD/tấn, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Triển vọng xuất khẩu cao su của Việt Nam tiếp tục lạc quan nhờ vào nhu cầu tăng cao từ Trung Quốc – một trong những thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất.
Hiện nay, xu hướng chuyển đổi đất trồng cao su thành đất khu công nghiệp cũng ngày càng phổ biến. Ví dụ như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) đã được phê duyệt chuyển đổi hơn 23.000 ha đất cao su sang đất công nghiệp.
Trong khi đó, dự báo của ANRPC cho thấy, trong năm 2024, nhu cầu tiêu thụ cao su toàn cầu sẽ tăng 2,3% nhờ sự phục hồi của các ngành công nghiệp và chính sách kích thích kinh tế từ các quốc gia tiêu thụ lớn. Do đó, nhu cầu tăng và nguồn cung hạn chế có thể tiếp tục đẩy giá cao su lên mức cao hơn trong tương lai gần.
Các chuyên gia chứng khoán cho rằng, những yếu tố này sẽ tạo điều kiện tích cực về triển vọng cổ phiếu ngành cao su. Một số mã cổ phiếu đáng chú ý, có tiềm năng là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR), Công ty Cao su Phước Hòa (PHR), Công ty Cao su Tây Ninh (TRC)…
Trong đó, GVR là một trong những doanh nghiệp hưởng lợi lớn nhất từ đà tăng giá cao su. Với diện tích đất cao su lớn và quy mô hoạt động trải rộng, GVR được dự báo có lợi nhuận mảng cao su tăng trưởng 40% trong năm 2024.
PHR cũng là một doanh nghiệp lớn được dự báo có triển vọng sáng sủa trong năm 2024. Với giá bán cao su bình quân năm nay dự kiến tăng 25%, lợi nhuận từ mảng cao su của PHR có thể đảo ngược từ lỗ sang lãi, doanh thu của PHR từ mảng cao su ước tính tăng 30% so với năm 2023. TRC cũng là mã cổ phiếu hưởng lợi nhiều từ xu hướng tăng giá này. Trong 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu của TRC đã tăng hơn 35%, và lợi nhuận ròng tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. TRC đang đầu tư mở rộng thêm 4.000 ha đất cao su tại Campuchia, một chiến lược mở rộng nhằm khai thác tiềm năng thị trường khu vực.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng nên cân nhắc các rủi ro tiềm ẩn từ biến động giá dầu, rủi ro kinh tế toàn cầu và khả năng tăng cung trong các tháng cuối năm khi mùa thu hoạch cao điểm bắt đầu. Nhà đầu tư nên theo dõi sát tình hình kinh tế vĩ mô, đặc biệt là những yếu tố liên quan đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trần Hương
Bình luận (4)