Đối mặt với áp lực bồi thường lớn, nhà đầu tư chứng khoán có xu hướng bán mạnh cổ phiếu bảo hiểm do lo ngại về khả năng chi trả và tổn thất tài chính của các doanh nghiệp này.
Siêu bão Yagi "cuốn bay" hàng ngàn tỷ đồng của các công ty bảo hiểm
Sau nhiều ngày, cơn bão số 3 (Yagi) – cơn bão có tốc độ tăng cấp nhanh nhất lịch sử các cơn bão hoạt động trên Biển Đông với sức tàn phá vô cùng khó lường và diễn biến phức tạp, hiếm gặp tiếp tục gây ra nhiều hậu quả nặng nề, tàn phá các tỉnh miền núi phía Bắc. Những con số mất mát, thiệt hại về con người, tài sản vẫn tiếp tục tăng lên từng giờ.
Tính đến chiều ngày 11/9/2024, Bảo hiểm PVI (mã: PVI) ghi nhận hơn 500 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, ước tổng mức khiếu nại tổn thất hơn 2.000 tỷ đồng (không bao gồm tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới và con người). Đây có thể là tổn thất lịch sử không mong muốn của ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung và Bảo hiểm PVI nói riêng.
Không chỉ PVI, mà một loạt các doanh nghiệp bảo hiểm khác trên sàn chứng khoán đang phải chịu cơn “bão” bảo hiểm, bồi thường thiệt hại sau bão lũ gây ra.
Bảo hiểm Bảo Việt cũng cho biết đến ngày 12/9 đã tiếp nhận 692 vụ tổn thất với tổng bồi thường ước tính 950 tỉ đồng. Các yêu cầu bồi thường tập trung vào bảo hiểm xe ô tô, nhà tư nhân, các công trình xây dựng, nhà xưởng, kho bãi, máy móc thiết bị, cầu cảng và hàng hóa.
Đồng thời, Tổng Công ty Bảo hiểm Quân đội (MIC) cũng ghi nhận khoảng 900 vụ tổn thất bao gồm tài sản, xe cơ giới và hàng hải, ước tính tổng bồi thường 230 tỉ đồng, theo thống kê sơ bộ đến ngày 11/9.
Tại Tổng Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC), tính đến 10/9, có gần 500 vụ tổn thất với tổng số tiền bồi thường ước tính gần 200 tỉ đồng...
Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến ngày 12/9, qua số liệu báo cáo từ doanh nghiệp bảo hiểm, các doanh nghiệp đã tiếp nhận thông tin khoảng hơn 9.000 số vụ thiệt hại về tài sản và xe cơ giới; ghi nhận 14 trường hợp tử vong, 18 vụ thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe. Tổng số tiền phải chi trả thiệt hại về con người và tài sản ước tính khoảng 7.000 nghìn tỷ đồng.
Cổ phiếu bảo hiểm nhanh chóng "lao dốc"
Đối mặt với áp lực bồi thường lớn, nhà đầu tư chứng khoán có xu hướng bán cổ phiếu bảo hiểm do lo ngại về khả năng chi trả và tổn thất tài chính của các doanh nghiệp này.
Ngắn hạn, điều này còn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của công ty trong các quý tiếp theo, làm giảm kỳ vọng về khả năng sinh lời ngắn hạn.
Do đó, kể từ khi bão Yagi đổ bộ (chốt phiên 6/9) tới nay, thị giá nhiều cổ phiếu ngành bảo hiểm đã sụt giảm khá mạnh. Phải kể tới BVH (Tập đoàn Bảo Việt) giảm 2,23%; BMI (TCT Bảo Minh) và PVI đồng thời sụt giảm gần 5%, VNR (Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam) cũng "đi lùi" tới 5,2%; Thậm chí, BIC (BICO), ABI (ABIC) và MIG (MIC) còn “bốc hơi” từ 7% đến 9% giá trị sau khoảng 2 tuần.
"Trong nguy có cơ"?
Chi trả khoản tiền không hề nhỏ, tuy nhiên số tiền bồi thường được các doanh nghiệp bảo hiểm trích ra từ Quỹ dự phòng dao động lớn (bồi thường cho thiên tai thảm họa) được trích lập hằng năm của các năm trước.
Nhờ đó, tình hình tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm không có biến động quá lớn. Lợi nhuận thuần của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ sẽ không chịu ảnh hưởng bởi những yêu cầu bồi thường sau bão do các đơn vị này đã trích lập dự phòng với các khoản thu và một phần rủi ro sẽ được tái bảo hiểm chi trả.
Không những vậy, ở góc độ khác, nhiều ý kiến chuyên gia thậm chí đưa ra nhận định ngành bảo hiểm sẽ là một trong những lĩnh vực có thể được thúc đẩy mạnh sau bão.
Trước những thiệt hại nặng nề do bão gây ra, nhận thức của người dân về việc bảo vệ tài sản lẫn con người trước những rủi ro khó lường trong tương lai sẽ tăng đột biến, dẫn đến nhu cầu được bảo hiểm gia tăng. Vì vậy, các công ty bảo hiểm lớn trong lĩnh vực bảo hiểm tài sản và nhân thọ được kỳ vọng sẽ là những cái tên hưởng lợi từ xu hướng này.
Có thể thấy rằng, việc đối mặt với các khoản chi trả lớn chỉ trong ngắn hạn. Về dài hạn, đây lại là cơ hội để chính các doanh nghiệp bảo hiểm gia tăng doanh thu từ các hợp đồng mới.
Theo AM best - tổ chức xếp hạng quốc tế uy tín tập trung vào ngành bảo hiểm, tỉ lệ thâm nhập bảo hiểm ở Việt Nam vẫn còn thấp, do đó tổn thất được bảo hiểm có khả năng thấp hơn nhiều so với tổn thất kinh tế.
Hơn nữa, rủi ro phát sinh từ bão thường được thị trường mô hình hóa tốt, vì trung bình có từ hai đến ba cơn bão đổ bộ vào Việt Nam mỗi năm. Các công ty chủ động mua các hạn mức tái bảo hiểm để giảm thiểu rủi ro phát sinh từ các cơn bão nghiêm trọng và các thảm họa thiên nhiên khác.
Tại Việt Nam, Chính phủ đặt ra 2 mục tiêu lớn có liên quan đến sự phát triển của thị trường bảo hiểm: 15% dân số sẽ tham gia mua bảo hiểm nhân thọ vào năm 2025 (so với năm 2023 chỉ đạt 12%); tỷ lệ thâm nhập của tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ được kỳ vọng sẽ đạt 3,5% GDP vào năm 2025.
Tựu chung lại, dù sẽ chịu ảnh hưởng trong ngắn hạn, các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn được đánh giá lạc quan về tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn nhờ xu hướng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và tỷ lệ thâm nhập thấp hiện nay.
Bình luận (39)