Sau chuỗi 4 phiên giảm điểm liên tiếp, cổ phiếu DHT của CTCP Dược phẩm Hà Tây được nhà đầu tư “gom” mạnh trở lại - đạt kỷ lục cao nhất trong hơn 1 năm qua ở phiên 10/12.
Cụ thể, kết phiên 10/12, giá cổ phiếu DHT ở mức 92.500 đồng/cổ phiếu, tăng 4,52% so với phiên trước, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh đạt hơn 2,2 triệu đơn vị - tăng hơn 8 lần phiên trước, đạt kỷ lục cao nhất trong vòng hơn 1 năm qua.
Trước đó, sau khi lập đỉnh giá cao nhất lịch sử niêm yết tại phiên 03/12 ở mức 108.300 đồng/cổ phiếu, mã cổ phiếu ngành dược phẩm này đã ghi nhận 4 phiên giảm giá liên tiếp, thị giá “bốc hơi” gần 20%.
Ở phiên giao dịch hôm nay, với tâm lý “bắt đáy”, ngay sau khi mở cửa phiên giao dịch, cổ phiếu DHT đã liên tục được nhà đầu tư “gom” mạnh.
Đáng chú ý, cổ phiếu DHT chào năm mới 2024 ở mức giá 23.000 đồng/cổ phiếu. Từ thời điểm cuối tháng 4 đến nay, giá cổ phiếu DHT liên tục tăng mạnh cho đến nay.
Tính đến kết phiên 10/12, thị giá cổ phiếu DHT đã tăng hơn 300% so với hồi đầu năm, tương ứng tăng 69.500 đồng/cổ phiếu.
Thị giá cổ phiếu DHT "bay cao", tăng hơn 300% so với hồi đầu năm. (Nguồn: Cafef)
Đà tăng bất ngờ của cổ phiếu Dược phẩm Hà Tây đến sau động thái liên tục “gom” hàng của cổ đông chiến lược ASKA Pharmaceutical Co., Ltd (Nhật Bản).
Hiện tại, cổ đông này đang nắm giữ hơn 29,3 triệu cổ phiếu DHT, tương ứng tỷ lệ 35,61% vốn cổ phần sau khi mua vào 500 nghìn cổ phiếu từ ngày 20/11 đến 26/11.
Trong thông báo mới nhất, ASKA Pharmaceutical tiếp tục đăng ký mua thêm gần 2,2 triệu cổ phiếu DHT để tăng sở hữu, thời gian giao dịch dự kiến từ 3/12 đến hết 31/12/2024. Nếu thành công, ASKA Pharmaceutical có thể nâng sở hữu lên hơn 38% tại công ty dược này. Chiếu theo mức giá hiện tại, ước tính giá trị giao dịch rơi vào khoảng 220 tỷ đồng.
Được biết, ASKA là hãng dược có tuổi đời hơn 100 tuổi, trụ sở chính tại Tokyo, Nhật Bản. Ngành nghề kinh doanh chính của ASKA là sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu dược phẩm, thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế... Trong mảng dược phẩm, công ty chuyên về các sản phẩm nội khoa, sản phụ khoa và tiết niệu.
Trái ngược với đà “bay cao” trên thị trường chứng khoán, Dược phẩm Hà Tây ghi nhận kết quả kinh doanh kém sắc trong 9 tháng đầu năm nay.
Cụ thể, lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của Dược phẩm Hà Tây tăng nhẹ từ 1.525 tỷ đồng lên 1.544 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 55 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2023.
Nguyên nhân chủ yếu là do các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đồng loạt tăng.
Tính đến thời điểm 30/09/2024, tổng tài sản của Dược phẩm Hà Tây là 1.785 tỷ đồng, giảm 2,88% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn là 810 tỷ đồng, giảm gần 200 tỷ đồng, tương ứng giảm 19,67%. Đáng chú ý, tiền và các khoản tương đương tiền là 89,2 tỷ đồng, giảm hơn 3 lần.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, dư nợ phải trả của Dược phẩm Hà Tây tính đến thời điểm cuối tháng 9/2024 là 708 tỷ đồng, giảm 8,09% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 593 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm.